DỰ BÁO 10 XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ THẾ GIỚI NỔI BẬT NĂM 2013
Năm 2013 sẽ xảy ra cuộc chiến trong công nghệ di động, xu hướng Internet kết nối vạn vật (Internet of Things – gọi tắt là IOT) sẽ cất cánh.
Đó là hai trong 10
xu hướng công nghệ đáng chú ý sẽ diễn ra trong năm 2013 do Hội nghị Gartner
Symposium/ITxpo diễn ra ở thành phố Orlando, bang Florida từ ngày 21-25/10 dự
báo. Gartner Symposium/ITxpo là sự kiện thường niên lớn nhất tập trung khoảng
10.000 giám đốc điều hành/giám đốc thông tin (CEO/CIO) của các công ty hàng đầu
thế giới để xác định, phân tích, chia sẻ các định hướng chiến lược công nghệ
thông tin toàn cầu đang diễn ra cũng như trong tương lai 5-10 năm tới.
Theo tinh thần chủ
đạo xu hướng công nghệ trong tương lai gần là sự kiết hợp xã hội, di động, công
nghệ đám mây (cloud) và thông tin (Big Data), các nghiên cứu và dự đoán về xu
hướng công nghệ trong năm 2013 và tương lai gần không nằm ngoài các yếu tố định
hướng này, dưới đây là 10 xu hướng công nghệ Gartner đưa ra trong năm 2013:
1. Cuộc chiến trong công
nghệ di động
Theo Gartner dự đoán từ năm 2013, duyệt web
từ điện thoại di động, đặc biệt là điện thoại di động thông minh, sẽ vượt qua
máy tính cá nhân, máy tính xách tay truyền thống, sử dụng các ứng dụng trên
điện thoại di động thông minh cũng đang dần phổ biến. Do vậy từ năm 2013 sẽ nổ
ra “trận chiến” trên điện thoại di động thông minh của các công nghệ chạy trên các
hệ điều hành Android, iOS, Windows phone. Việc các tổ chức quyết định ứng dụng
trên những nền tảng nào hay các công ty công nghệ đầu tư vào phát triển các
giải pháp dựa trên công nghệ nào cũng phụ thuộc rất nhiều từ kết quả của cuộc
chiến trên điện thoại di động này, mà kết quả quyết định sẽ phụ thuộc vào xu
hướng của số đông người sử dụng.
2. Các ứng dụng trên di
động và HTML 5
HTML5 là phiên bản sửa đổi thứ 5 của ngôn
ngữ World Wide Web: the Hypertext Markup Language (HTML). HTML5 sẽ cho phép một
lớp ứng dụng web mới ra đời, hỗ trợ nội dung đa phương tiện và các tính năng mà
không cần đến những công nghệ độc quyền đi kèm. Nhóm Web Hypertext Application Technology
Working Group (WHATWG) đã bắt đầu nghiên cứu về các đặc tính của HTML5 từ tháng
10/2009, dưới dự án Web Applications 1.0 và đây được xem như là công nghệ
cốt lõi của Internet trong tương lai không xa. Các ứng dụng hiện nay thường phụ thuộc vào
nền tảng hệ điều hành mà nó được phát triển. Đà phát triển nhanh của các thiết
bị di động, đặc biệt là điện thoại di động thông minh sẽ nảy sinh nhu cầu có
các ứng dụng chạy được trên tất cả các nền tảng, độc lập với thiết bị. HTML 5
đã được phát triển hứa hẹn sẽ giải quyết được vấn đề đó. HTML 5 hỗ trợ đa
phương tiện như video, giọng nói và tương tác tốt hơn, hạn chế sự can thiệp của
bên thứ ba… Nhiều tính năng của HTML5 được xây dựng để hỗ trợ các thiết bị di
động. Hiện HTML 5 đã cơ bản hoàn thiện nhưng chưa được đưa ra thành một chuẩn
và các nhà phát triển trình duyệt đang nhanh chóng cập nhật và nâng cấp để hỗ
trợ HTML 5.
3. Điện toán đám mây cá
nhân
Khoảng năm 2014, điện toán đám mây cá nhân
(Personal Cloud) sẽ là đầu mối thông tin và các hoạt động của người dùng
cá nhân, người sử dụng cá nhân sẽ dùng các thiết bị cá nhân khác nhau của mình
để “truy cập cuộc sống số” (gồm tất cả các dữ liệu liên quan đến cá nhân như
các tài liêu, chương trình tivi, ca nhạc, ảnh,… của mình thông qua đám mây cá
nhân và có thể chia sẻ với bạn bè.
4. Internet kết nối vạn
vật
Dữ liệu được sinh ra từ rất nhiều nguồn khác
nhau, từ các hệ thống công nghệ thông tin, các thiết bị vật lý như các thiết bị
kiểm soát, các bộ cảm biến, GPS, các dữ liệu từ mạng xã hội,... Trước đây chưa
có công nghệ nào có thể khai thác hiệu quả mối liên kết giữa các dữ liệu này. Nhưng
hiện nay, với sự phát triển của Internet cho phép kết nối các dữ liệu này và
các công nghệ phân tích xử lý dữ liệu mà đặc biệt là dữ liệu lớn. Các dữ liệu
sẽ được khai thác, phân tích để phục vụ cho giao dịch đời sống và kinh doanh,
khi đó thế giới của chúng ta sẽ là một thế giới được kết nối theo đúng nghĩa
của nó. Ví dụ là người dùng có thể theo dõi với tình hình giao thông hiện tại,
xe buýt đang ở địa điểm nào với thời gian thực.
5. Sự lai ghép giữa CNTT
và điện toán đám mây
Hiện nay các tổ chức sử dụng điện toán đám
mây (Cloud Computing) công cộng và tư nhân để rút ngắn thời gian triển khai,
giảm chi phí quản lý và vận hành. Tuy nhiên bên cạnh đó các tổ chức vẫn phải
duy trì các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) truyền thống do tính đặc thù,
các cam kết về dịch vụ và các quy định chính sách của tổ chức. Do vậy hai mô
hình CNTT truyền thống và điện toán đám mây vẫn cần song song tồn tại, các tổ
chức sẽ cần cân bằng giữa việc duy trì các hệ thống CNTT truyền thống đồng với
việc giảm chi phí khi sử dụng các hệ thống trên điện toán đám mây.
6. Chiến lược dữ liệu lớn
Dữ liệu lớn (Big Data) là một khái niệm chỉ
khối lượng dữ liệu rất lớn, có tốc độ sinh ra cực nhanh và sinh ra từ nhiều
nguồn khác nhau (như các mạng xã hội, các thiết bị vật lý, không giống như dữ
liệu truyền thống là được tạo ra bởi tổ chức hoặc một số nguồn nhất định) và
bao gồm cả dữ liệu có cấu trúc và không có cấu trúc. Về mặt công nghệ để
xử lý khối lượng dữ liệu lớn hay dữ liệu có tốc độ sinh ra nhanh đã có trước
đây, tuy nhiên lúc đó các tổ chức không nhận ra hoặc không có khả năng khai thác
để phục vụ cho nhu cầu và lợi ích kinh doanh của mình. Với các ứng dụng trong
tương lai cần, chỉ cần có một biểu mẫu tìm kiếm và phân tích dữ liệu theo yêu
cầu, người sử dụng có thể lấy ra các thông tin mà mình muốn từ khối dữ liệu lớn.
Dữ liệu lớn đang dịch chuyển từ việc tập
trung vào các dự án cá nhân đến ảnh hưởng tới kiến trúc thông tin chiến lược
của doanh nghiệp. Việc xử lý khối lượng lớn, đa dạng, nhanh chóng và phức tạp
của dữ liệu sẽ buộc phải thay đổi nhiều cách tiếp cận truyền thống. Điều này sẽ
làm cho các tổ chức hàng đầu từ bỏ khái niệm về một kho dữ liệu (Data
Warehouse) của doanh nghiệp vốn chứa tất cả các thông tin cần thiết để ra các
quyết định. Thay vào đó, họ đang hướng tới nhiều hệ thống, bao gồm cả quản lý nội
dung, kho dữ liệu, kho dữ liệu cục bộ (data marts), và hệ thống tập tin chuyên
ngành cùng gắn với các dịch vụ dữ liệu và siêu dữ liệu, và đó sẽ là kho dữ liệu
"hợp lý" của doanh nghiệp.
7. Phân tích hành vi
Hiện nay là thời điểm mà năng lực và chi phí
có thể cho phép thực hiện phân tích và giả lập cho các hoạt động trong kinh
doanh từ khối lượng dữ liệu lớn. Việc này không chỉ được thực hiện bởi các hệ
thống trong trung tâm dữ liệu (Data Center) mà các thiết bị di động phải có khả
năng truy cập và có khả năng thực hiện các phân tích, cho phép sử dụng sự tối
ưu hóa và giả lập ở bất cứ thời gian nào và bất cứ đâu. Với sự cải tiến về hiệu
suất và chi phí, các nhà lãnh đạo CNTT có thể đủ khả năng để thực hiện phân
tích và mô phỏng cho tất cả các hành động trong kinh doanh.
8. Công nghệ Xử lý ngay
trong bộ nhớ trong
Với sự xuất hiện và phát triển của điện toán
đám mây, dữ liệu lớn,… việc phải xử lý khối lượng dữ liệu lớn và tốc độ nhanh
đã đặt ra vấn đề đối với bộ nhớ trong (In-Memory Computing - IMC). Công nghệ
IMC sẽ lưu trữ toàn bộ các dữ liệu và tiến hành xử lý, phân tích ngay trong bộ
nhớ trong, thay vì lưu trong các cơ sở dữ liệu quan hệ và chỉ xử lý theo lô (Batch
processing). Việc xử lý theo lô hiện nay mất hàng tiếng đồng hồ và nếu sử dụng
công nghệ In-Memory Computing chỉ mất một vài phút hoặc một vài giây, các kết
quả được đưa ra với thời gian thực hoặc gần thời gian thực. Nhiều nhà cung cấp
sẽ cung cấp trong các giải pháp dựa trên bộ nhớ trong hai năm tới thúc đẩy cách
tiếp cận này vào sử dụng chính thống.
9. Hệ sinh thái tích hợp
Việc sử dụng thiết bị máy chủ (Server
applicance) đang tồn tại những hạn chế khi tổ chức cần thêm các yêu cầu, chức
năng mới. Một xu hướng mới đây là Virtual Appliance (thiết bị ảo), theo đó các
nhà cung cấp giải pháp có thể cung cấp các giải pháp đầy đủ bao gồm từ phần mềm
tới hạ tầng phần cứng tới khách hàng trong môi trường ảo, khách hàng không cần
có thiết bị phần cứng vật lý nào. Theo Gartner dự đoán Virtual Appliance sẽ phát
triển mạnh trong vòng 5 năm tới, tuy nhiên nó sẽ không hoàn toàn thay thế cho
sử dụng thiết bị máy chủ vật lý mà sẽ là một lựa chọn khác hoặc kết hợp vì lý
do bảo mật, các yêu cầu đặc thù về phần cứng….
Thị trường đang trải qua một sự thay đổi các
hệ thống tích hợp nhiều hơn. Yếu tố dẫn dắt xu hướng này là người sử dụng mong
muốn chi phí thấp, đơn giản, và an ninh đảm bảo hơn. Hơn nữa, các nhà cung cấp
có khả năng có kiểm soát nhiều hơn các kho giải pháp và có được lợi nhuận lớn
hơn trong việc bán cũng như đưa ra một gói giải pháp đầy đủ trong một môi
trường được kiểm soát, mà không cần cung cấp bất kỳ phần cứng thực tế nào.
10. Kho ứng dụng doanh
nghiệp
Do sự phát triển mạnh của các thiết bị di
động, hiện nay nhiều tổ chức cho phép các nhân viên của mình làm việc qua thiết
bị di động, sử dụng các ứng dụng trên Internet như Apple Store, Google Store
hoặc ứng dụng do tổ chức đó tự phát triển theo yêu cầu và đặc thù của nghiệp vụ
kinh doanh… Đến năm 2014, theo Gartner, nhiều tổ chức sẽ cung cấp các ứng dụng
điện thoại di động cho người lao động thông qua các kho ứng dụng riêng. Vấn đề
đặt ra là làm thế nào các tổ chức có thể quản lý các ứng dụng nào cho phép nhân
viên của mình sử dụng trong môi trường làm việc, phân quyền, quản lý truy cập
và đảm bảo bảo mật. Hiện nay nhiều hãng công nghệ đã cung cấp các giải pháp và
dịch vụ kho ứng dụng doanh nghiệp, cho phép tổ chức thiết lập một kho ứng dụng
cho riêng mình có chức năng giống như Apple store hay Google Stores. Hiện có
rất nhiều hãng công nghệ đã phát triển các giải pháp và dịch vụ giúp các tổ
chức có thể làm được điều này như AirWatch, , Appcentral, Apperian, …
Theo: Gartner
Identifies the Top 10 Strategic Technology Trends for 2013
(http://www.gartner.com)