SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Internet - dịch vụ không thể thiếu

[14/02/2013 23:11]

Sau 15 năm có mặt tại Việt Nam, internet trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây cũng là dịch vụ có sự phát triển vượt bậc về số lượng người dùng, hạ tầng mạng lưới.

1/3 số dân đã tiếp cận internet

Theo Hiệp hội Internet Việt Nam, giai đoạn 1997-2003, cả nước chỉ có 1,8 triệu người sử dụng internet (khoảng 4% dân số khi đó), nhưng đến khi mạng băng rộng hữu tuyến với dịch vụ ADSL ra đời (tháng 5-2003) số người sử dụng đã tăng gấp 10 lần. Cụ thể, hết năm 2003 chỉ có 3,1 triệu người dùng thì đến tháng 9-2012, có 31,1 triệu người dùng với 19 DN cung cấp dịch vụ internet (ISP). Tỷ lệ xã, phường có internet tại thành thị đạt 99,85%, tại nông thôn đạt 84,46%. Tỷ lệ hộ gia đình kết nối internet đạt 8,2% trên tổng số 12,6% hộ gia đình có máy tính. Người sử dụng internet dành khá nhiều thời gian để lên mạng, trung bình khoảng 142 phút/ngày; trong đó, độ tuổi từ 15 đến 24 sử dụng chủ yếu vào các ngày cuối tuần.

Có được những con số này, bên cạnh sự tạo điều kiện cho phát triển của cơ quan quản lý, phải kể đến sự đóng góp tích cực của các DN, trong đó có vai trò của VNPT, FPT, Viettel… Những DN này đã đi đầu ứng dụng công nghệ hiện đại, đưa dịch vụ tích hợp bằng việc ra mắt internet băng rộng ADSL thay thế cho internet dial-up trước đó; ra các gói cước đa dạng để nhiều đối tượng khách hàng có thể sử dụng; thực hiện chương trình miễn phí cho người dân nông thôn, học sinh vùng sâu, vùng xa tiếp cận internet. Với việc triển khai dịch vụ 3G, các nhà cung cấp dịch vụ di động đã thay đổi thói quen của người dân từ chỗ vào mạng qua PC chuyển sang truy nhập internet qua điện thoại di động... Hiện cước sử dụng internet tại Việt Nam đã giảm 100 lần kể từ thời điểm mở cửa dịch vụ tính theo giá trị đồng tiền, tốc độ truy nhập tăng 20 lần so với thời kỳ đầu. Việt Nam hiện được đánh giá là quốc gia có hạ tầng viễn thông, internet phát triển trong khu vực Đông Nam Á.

Một yếu tố quyết định không nhỏ đến sự phát triển chính là nội dung và dịch vụ trên nền internet. Internet thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử như tổ chức họp trực tuyến, tăng cường làm việc qua mạng, giúp giảm đi lại, nâng cao năng suất lao động. Các lĩnh vực ngân hàng, thương mại, hàng không sử dụng mạng internet để thực hiện giao dịch. Số lượng DN có website, sử dụng internet trong giao dịch, tìm kiếm thông tin, cơ hội kinh doanh tăng lên hằng ngày. Với giáo dục, y tế, internet mở ra cơ hội học tập cho mọi người; đưa thông tin về y tế, chăm sóc sức khỏe đến các tầng lớp nhân dân nhanh chóng. Các DN đã xây dựng được các mạng xã hội "made in Việt Nam" với số thành viên lên đến hàng triệu người như Zing Me hay Go.vn, chưa kể đến các mạng xã hội nước ngoài như Facebook...

Lượng người dùng sẽ tăng gấp đôi !?

Qua 15 năm, internet tại Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Vậy thời gian tới internet tại Việt Nam sẽ có hướng đi ra sao? Tại các buổi tọa đàm, giao lưu, nhân kỷ niệm 15 năm internet Việt Nam, đại diện nhà quản lý, hiệp hội, DN đề cập nhiều vấn đề rất thiết thực. Trong đó phải kể đến nhiệm vụ giúp số dân còn lại được sử dụng internet. Từ vấn đề này đặt ra câu hỏi, liệu DN trong nước có xây dựng các chương trình phù hợp cho đông đảo người dân được tiếp cận, để trong vòng 5 năm tới, lượng người sử dụng tăng gấp đôi?

Thời gian gần đây, cơ quan quản lý nhà nước, DN có nhiều chương trình xã hội đưa internet (thiết lập đường truyền, trang bị máy tính) cho người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhưng nội dung trên internet vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đây là một thực tế, vì các DN chưa làm chủ được kho ứng dụng internet mà vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu nội dung... Một vấn đề khác cũng được đề cập là, bên cạnh việc tạo ra hành lang pháp lý cho dịch vụ này phát triển bằng biện pháp quản lý hành chính và kinh tế, cần nâng cao nhận thức cho người dân… Thực tế, qua các biểu đồ thống kê có thể thấy tốc độ tăng trưởng internet là rất ấn tượng và chưa có dấu hiệu suy giảm. Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đánh giá, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet nhanh nhất khu vực và nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ tăng cao nhất trên thế giới, đồng thời dự đoán, số người sử dụng internet sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ