SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bước phát triển mới của các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập

[17/02/2013 19:08]

Cuối năm 2002, cả nước có khoảng 1.100 tổ chức khoa học và công nghệ (KH và CN). Trong đó có 549 đơn vị ngoài công lập (chiếm gần 50%). Hoạt động của các tổ chức KH và CN ngoài Nhà nước thời gian qua đã có đóng góp đáng kể vào nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, còn gặp không ít khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ...

So sánh kết quả tách, chiết ADN tại Công ty GENTIS.   

GS. TS Lê Ðình Lương, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền (thuộc Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho chúng tôi biết: Ðược thành lập và đi vào hoạt động từ năm  2005, nhân lực của trung tâm hiện có 12 người, trong đó bốn cán bộ có trình độ sau đại học. Xác định chức năng và nhiệm vụ là nghiên cứu ứng dụng công nghệ ADN vào thực tiễn Việt Nam, điều tra, phân tích các thông số di truyền ở người Việt, và thực hiện các dịch vụ công nghệ cao... thời gian qua trung tâm là một trong số ít đơn vị khoa học đầu tiên ở nước ta nghiên cứu ứng dụng và hoàn thiện công nghệ ADN vào xác định huyết thống. Từ chỗ chỉ xác định được trực hệ năm, bảy gien riêng lẻ, đến nay trung tâm đã xác định được tất cả các quan hệ huyết thống với 30 - 40 gien, gồm nhiều loại khác nhau, và đạt trình độ quốc tế. Từng bước cải tiến quy trình tách, chiết ADN hài cốt cho phù hợp với mức độ phân hủy cao ADN hài cốt trong điều kiện khí hậu nóng ẩm ở nước ta. Trên cơ sở tách, chiết ADN nhân, nâng độ chính xác lên nhiều lần, trung tâm đã và đang giám định ADN miễn phí để tìm những người thất lạc trong chiến tranh cho chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly", cũng như đồng hành cùng chương trình "Trở về từ ký ức" của Ðài Truyền hình Việt Nam, đối với các trường hợp cần giám định ADN. Mặt khác, theo GS Lương, trung tâm đã hoàn thiện phương pháp chẩn đoán phân tử và đưa vào ứng dụng chẩn đoán nhanh (một ngày thay vì ba tuần của phương pháp tế bào) một số bệnh di truyền liên quan đến sự sai lệch số lượng nhiễm sắc thể như Down, Turner, XYY... bởi vậy, "khách hàng" đến đăng ký làm dịch vụ tại trung tâm ADN và công nghệ di truyền không ngừng tăng lên, giúp doanh thu năm sau cao hơn năm trước để đến nay trung tâm có nguồn vốn hoạt động 15 tỷ đồng.

Có trụ sở tại TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái), Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi (SUDECOM), năm năm qua hướng hoạt động về đối tượng là đồng bào các dân tộc thiểu số địa bàn vùng cao, vùng xa còn nhiều khó khăn. Bằng nguồn vốn của các nhà tài trợ, từ năm 2008 đến nay, trung tâm triển khai tám dự án trung hạn và ngắn hạn tại 11 xã thuộc bốn huyện của tỉnh Yên Bái. Cán bộ của SUDECOM đã tổ chức tập huấn cho 4.756 lượt cán bộ nòng cốt xã, bản và hộ gia đình nâng cao nhận thức, hiểu biết về: Quản lý dự án, lập kế hoạch sản xuất, phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai, vệ sinh môi trường, công tác bảo vệ rừng, phòng, chống bạo lực gia đình. Ðầu tư trực tiếp đúng địa chỉ, chuyển giao kỹ thuật theo lối cầm tay chỉ việc, đến nay đã có hơn 3.300 người thuộc diện nghèo khó được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của các dự án. Trong đó đáng nói là 70 mô hình nuôi gà thả vườn, 30 mô hình nuôi giun quế, hơn 20 công trình nước sinh hoạt, khoảng 2.500 kg giống ngô và lúa phục vụ sản xuất, 250 hòm tôn đựng giấy tờ và tài liệu quan trọng, hơn một trăm áo phao phục vụ cứu nạn khi có bão, lũ xảy ra... Theo đó, hằng năm, các xã triển khai dự án, như đánh giá của địa phương, đã giảm được hơn 10% hộ nghèo và khoảng 30% hộ gia đình vươn lên mức sống trung bình và khá...

Tại Hội nghị 20 năm hình thành và phát triển các tổ chức KH và CN ngoài công lập (cuối năm 2012), Bộ KH và CN cho biết: Từ sau Nghị định số 35/HÐBT năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và sau đó là Nghị định 81/2002/NÐ-CP của Chính phủ (thay thế Nghị định 35), đến nay đã có 1.100 tổ chức KH và CN đăng ký hoạt động tại Bộ KH và CN (trong đó có 549 đơn vị KH và CN ngoài công lập, chiếm gần 50%). Như vậy, vấn đề xã hội hóa hoạt động KH và CN đã có bước phát triển đáng kể. Các tổ chức KH và CN ngoài công lập đã và đang có sự đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai... Tuy nhiên, nhìn nhận và đánh giá một cách nghiêm túc, hoạt động của các tổ chức KH và CN ngoài công lập còn không ít khó khăn, bất cập. Ðiều dễ nhận ra là phần lớn các đơn vị KH và CN ngoài công lập đều do các nhà khoa học, cán bộ quản lý đã về hưu ở cơ quan Nhà nước, đứng ra thành lập các tổ chức này. Cho nên từ cơ sở vật chất, con người, đến nguồn tài chính đều phải tự lo liệu (thuê trụ sở, tìm kiếm hợp đồng và kinh phí hoạt động). Trong khi hai năm trở lại đây, tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp nhiều khó khăn, bởi vậy việc huy động kinh phí, tìm kiếm hợp đồng đối với các tổ chức KH và CN ngoài công lập thật không đơn giản. Từ đây đặt ra vấn đề, cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ KH và CN, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam), cần tạo cơ chế giúp các tổ chức KH và CN ngoài công lập có cơ hội tiếp cận và sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước thông qua thực hiện các đề tài nghiên cứu và dự án chuyển giao công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Hoạt động của các đơn vị KH và CN ngoài công lập có duy trì và phát triển được hay không, phụ thuộc nhiều vào việc có khai thác và tranh thủ được nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài, nhưng lâu nay thủ tục giấy tờ để được tiếp nhận tài trợ này rất nhiêu khê, phiền toái. Nên Nhà nước cần có sự cải tiến nhằm đơn giản hóa thủ tục đăng ký dự án tài trợ của các tổ chức quốc tế để tăng sức cạnh tranh của các tổ chức Việt Nam, tạo điều kiện thu hút nguồn tài trợ không hoàn lại để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nước nhà.

Theo Bộ KH và CN, hai năm gần đây, các đơn vị chức năng đã phát hiện không ít đơn vị vi phạm hoạt động trái với các nội dung xin đăng ký; có nơi không thực hiện treo biển hiệu theo quy định, hoặc một số tổ chức khi làm thủ tục giao dịch đã mạo danh cơ quan chủ quản; nhất là vi phạm về chế độ báo cáo hằng năm cho Bộ KH và CN theo quy chế, khiến bộ này thiếu thông tin trong hoạt động của các tổ chức KH và CN ngoài công lập một cách hệ thống. Ðiều đó đòi hỏi ngành chủ quản coi trọng công tác tuyên truyền phổ biến, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho các tổ chức KH và CN, các doanh nghiệp và cá nhân ngoài công lập; góp phần tăng cường trật tự, kỷ cương và ngăn ngừa có hiệu quả những vi phạm pháp luật về KH và CN. Với Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, trực tiếp là các tổng hội và các hội chuyên ngành cần thẩm định kỹ năng lực mọi mặt của tổ chức và người đứng đầu khi xét hồ sơ xin thành lập. Ðồng thời có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc giải thể đối với các tổ chức KH và CN ngoài công lập, nếu hoạt động kém hiệu quả hoặc sai mục đích với nội dung đăng ký ban đầu. Một mặt, có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức KH và CN ngoài công lập và cá nhân có đóng góp thiết thực cho xã hội và địa phương; mặt khác, kết hợp các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức KH và CN trực thuộc. Thực hiện nghiêm chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động của các tổ chức KH và CN ngoài công lập nếu có sự gian dối, mờ ám bị phát hiện.

http://www.nhandan.com.vn (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ