Nhiều bất cập trong việc nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng
Ðất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH, do vậy việc các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ (thiết bị) để phát triển sản xuất là hết sức cần thiết.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, do thiếu nhiều cơ chế đánh giá, thẩm định các dự án
đầu tư dẫn đến tình trạng nhiều thiết bị cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường đã
được nhập khẩu vào nước ta. Vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng cần sớm ban
hành các quy định cụ thể để nước ta không trở thành "bãi rác công
nghệ".
Các loại thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu vào nước ta chủ yếu
thông qua ba hình thức: hoạt động đầu tư bằng nguồn vốn nước ngoài (trong đó
đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI chiếm tỷ lệ lớn); hoạt động đầu tư theo hình
thức đấu thầu trọn gói - EPC và hoạt động nhập khẩu trực tiếp của doanh nghiệp
trong nước.
Trong đó, thiết bị đã qua sử dụng chủ yếu được nhập khẩu thông
qua hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI. Thông qua FDI, nước ta đã thu
hút nhiều công nghệ mới, tiên tiến, sản xuất ra các sản phẩm mới mà trước đây ở
Việt Nam chưa có. Việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài thông qua FDI đã hạn
chế đến mức cao nhất việc nhập khẩu nhiều loại hàng hóa thuộc các lĩnh vực: dầu
khí, sản xuất vật liệu mới, hàng điện tử gia dụng, phương tiện giao thông,...
Các doanh nghiệp FDI đã tạo ra được nhiều sản phẩm có chất lượng cao, với hình
thức, mẫu mã đẹp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và xuất
khẩu như các sản phẩm điện tử, cơ khí, chế tạo. Nhiều doanh nghiệp trong nước
do thúc ép của thị trường cạnh tranh ngày càng cao đã cố gắng đổi mới công nghệ
bằng việc nhập khẩu các thiết bị và công nghệ mới để sản xuất ra các sản phẩm
có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp không thua kém hàng nhập khẩu với giá cả hợp lý
được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này tình trạng nhập
khẩu các thiết bị cũ đã qua sử dụng từ nước có công ty mẹ sang công ty con
(100% vốn) vào nước ta khá phổ biến. Công nghệ thích ứng với thiết bị nhập khẩu
thường là ở mức trung bình, lạc hậu, tốn nhiên liệu... Ðiển hình là các thiết
bị sản xuất thép, dệt may, luyện kim. Thực tế xem xét, thẩm định các dự án FDI
cho thấy, nội dung giải trình công nghệ thường rất sơ sài (nhiều trường hợp
không có hồ sơ giải trình công nghệ). Ðể lựa chọn công nghệ phù hợp mục tiêu
của dự án, chủ đầu tư phải đưa ra các phương án công nghệ để từ đó phân tích,
so sánh, lựa chọn phương án tối ưu, xem xét quy trình công nghệ, trình độ công
nghệ, nguồn gốc xuất xứ máy móc, thiết bị, tính đồng bộ của dây chuyền sản
xuất... Thời gian qua, với xu thế đơn giản hóa thủ tục hành chính, hồ sơ dự án
đầu tư ngày càng đơn giản cho nên cơ quan thẩm định công nghệ không có đủ cơ sở
để xem xét, đánh giá. Mặt khác, đối với các dự án được phân cấp đầu tư, hầu hết
các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư tại các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương lại không gửi hồ sơ dự án để lấy ý kiến các Sở Khoa học và
Công nghệ (KH và CN) theo quy định của Luật Ðầu tư. Cũng có trường hợp cơ quan
có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư gửi hồ sơ dự án để ý kiến thẩm định về
công nghệ của Sở KH và CN nhưng do năng lực của cán bộ thẩm định hạn chế cho
nên không đưa ra được ý kiến thuyết phục? Thực tế cho thấy khi nhà đầu tư nhập
khẩu thiết bị đã qua sử dụng có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng,
nguyên liệu, gây ô nhiễm môi trường... chúng ta chưa có cơ chế để ngăn chặn
ngay từ đầu, mà phải đợi đến khi hậu kiểm mới phát hiện ra, lúc đó không cơ
quan nào chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả.
Ngày 6-9-2012, Bộ KH và CN đã ra Thông báo số 2527/TB-BKHCN về
việc tạm ngừng nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử
dụng. Phó Vụ trưởng Vụ Ðánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH và CN)
Trần Tuyết Nhung cho biết: Sau hơn sáu tháng triển khai Thông báo số
2527/TB-BKHCN, khi tiếp nhận các hồ sơ đăng ký nhập khẩu thiết bị đã qua sử
dụng từ Trung Quốc cho thấy, còn nhiều thiết bị cũ, lạc hậu vẫn tiếp tục được
nhập khẩu vào nước ta. Thí dụ, có những lô hàng máy phát điện công suất thấp,
khi giám định chất lượng còn lại chỉ đạt từ 30 đến 40%; có lô hàng máy dệt chất
lượng còn lại chỉ dưới 60%... Chắc chắn, các loại thiết bị có chất lượng không
bảo đảm này khi được đưa vào sử dụng sẽ tiêu tốn nhiều nguyên liệu, nhiên liệu,
không bảo đảm yêu cầu về môi trường và cho năng suất chất lượng thấp.
Ðể khắc phục những bất cập nói trên, TS Ðỗ Hoài Nam, Vụ trưởng
Vụ Ðánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ đưa ra ba giải pháp:
Thứ nhất, đưa nội dung quản lý việc nhập khẩu thiết bị (bao gồm
cả mới và đã qua sử dụng) vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số
12/2006/NÐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Thương mại 2005. Ðồng thời nghiên
cứu, thực hiện quản lý thiết bị nhập khẩu theo quy định của Luật Chất lượng sản
phẩm hàng hóa.
Thứ hai, tăng cường công tác thẩm định công nghệ, thiết bị khi
xem xét, cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong hồ sơ dự án đầu tư, cần quy định chủ
đầu tư phải có thuyết minh chi tiết về nội dung liên quan công nghệ như đưa ra
các phương án công nghệ để phân tích, so sánh, lựa chọn phương án công nghệ tối
ưu, nêu rõ sơ đồ công nghệ, quy trình công nghệ và dự kiến danh mục máy móc,
thiết bị... cần nhập khẩu (hiện nay Luật Ðầu tư cho phép chủ đầu tư tự chịu
trách nhiệm về nội dung công nghệ). Qua đó các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy
chứng nhận đầu tư và các cơ quan có liên quan khác mới có đủ cơ sở xem xét, có
ý kiến về khía cạnh công nghệ theo quy định của Luật Ðầu tư, kể cả danh mục
thiết bị dự kiến nhập khẩu để triển khai thực hiện dự án. Không nên để đến khi
dự án triển khai có vướng mắc về công nghệ, thiết bị mới tìm biện pháp xử lý.
Thứ ba, rà soát chấn chỉnh việc ký kết và thực hiện các hợp đồng
EPC. Các hợp đồng EPC hầu hết đều có nội dung chuyển giao công nghệ, nhưng thực
tế khi đàm phán, ký kết hợp đồng EPC đều không thực hiện đúng các quy định pháp
luật về chuyển giao công nghệ. Theo quy định nội dung chuyển giao công nghệ
trong hợp đồng EPC phải được tách ra thành một hợp đồng riêng hoặc một phần (có
thể là một chương hoặc một phụ lục kèm theo hợp đồng EPC) trong đó nêu rõ nội
dung công nghệ được chuyển giao, các điều kiện bảo đảm, bảo hành công nghệ,...
chế tài xử lý khi chuyển giao công nghệ có sai sót. Tuy nhiên, thực tế là các
hợp đồng EPC hiện nay đều không thực hiện quy định này, dẫn đến việc khi đưa
dây chuyền công nghệ vào vận hành có trục trặc, tốn kém chi phí khắc phục, gây
thua thiệt về kinh tế.
Khắc phục có hiệu quả những bất cập trong việc nhập khẩu thiết
bị đã qua sử dụng là việc làm thiết thực để thực hiện mục tiêu như đã nêu trong
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, được Ðại hội Ðảng lần thứ XI
thông qua, đó là: "Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng
công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP".