Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phun phủ PVD
Sáng ngày 31/08/2010, tại Viện Nghiên cứu cơ khí đã diễn ra buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phun phủ PVD (Physical Vapor Deposition) tạo lớp phủ bề mặt để nâng cao cơ tính khuôn mẫu và dụng cụ cắt gọt” mã số KC.05.12/06 - 10 do GS. TS Võ Thạch Sơn là chủ nhịêm đề tài và Viện Vật lý kỹ thuật, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế là
cần có những nghiên cứu có tính hệ thống để có thể làm chủ và ứng dụng công
nghệ lắng đọng các loại lớp phủ cứng để nâng cao cơ tính khuôn mẫu và các dụng
cụ cắt gọt. Từ tháng 3/2008, GS.TS. Võ Thạch Sơn và các cộng sự đã bắt đầu tiến
hành nghiên cứu đề tài với mục tiêu: Nắm vững công nghệ phủ PVD để ứng dụng
trong sản xuất.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài
xoay quanh các vấn đề như: Nghiên cứu các công nghệ lắng đọng phủ cứng; Phún xạ
âm cực DC magnetron, phún xạ âm cực cao tần RF và hồ quang chân không; Nghiên
cứu công nghệ lắng đọng các lớp phủ cứng đơn lớp; nghiên cứu công nghệ lắng
đọng lớp phủ cứng đa lớp; nghiên cứu hoàn thiện các phương pháp khảo sát các
tính chất cơ, lý, hoá của lớp phủ cứng…
Các lớp phủ cứng bằng phương pháp
PVD có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao cơ tính của các khuôn
mẫu và các dụng cụ cắt gọt. Hiện nay, trình độ công nghệ lắng đọng các lớp phủ
cứng ở các nước đã đạt đến trình độ rất hiện đại, gần như hoàn hảo và đã ứng
dụng rất rộng rãi. Tuy nhiên, ở Việt Nam trước khi đề tài được nghiên
cứu vẫn chưa có một nghiên cứu nào được thực hiện một cách có hệ thống để có
thể làm chủ công nghệ PVD lắng đọng các lớp phủ cứng và ứng dụng một cách hữu
hiệu. Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài này mang ý nghĩa thực tiễn rất cao.
Sau 2 năm thực hiện nghiên cứu
nhóm nghiên cứu đề tài đã đạt được những kết quả rất khả quan như: Công bố được
4 bài báo trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế; đào tạo được 2 thạc
sĩ, 1 người đang làm nghiên cứu sinh;… Nhìn chung đề tài đã hoàn thành về số
lượng, khối lượng và chủng loại sản phẩm như trong hợp đồng.
Theo các ý kiến đánh giá của Hội
đồng nghiệm thu, để đề tài nghiên cứu có thể ứng dụng vào sản xuất thì đề tài
cần hoàn thiện một số hạn chế như: hoàn thiện hơn nữa quy trình công nghệ, bổ
sung thêm quy trình thực nghiệm và đặc biệt đề tài nên có tính toán hiệu quả
kinh tế, nâng cao hơn nữa tính thực tế của đề tài để đề tài sớm được đưa vào
đời sống sản xuất.