Gỡ khó trong tiếp cận các nguồn vốn phát triển công nghệ
TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có nhiều chương trình hỗ trợ vốn doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, nhiều nguồn vốn chưa tạo được sức hút với doanh nghiệp.
Chế tạo rô-bốt tại Công ty A.K.B.
Qũy phát triển khoa học công nghệ TP Hồ Chí Minh được
thành lập từ năm 2008 nhằm thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, chuyển giao công
nghệ, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau 5 năm hoạt động,
chỉ có sáu doanh nghiệp nhận được nguồn vốn này từ quỹ với trị giá
25 tỷ đồng. Chuyên viên phụ trách Quỹ phát triển khoa học công nghệ Huỳnh Lưu
Thanh Giang, Phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học Công nghệ TP Hồ Chí Minh) cho
biết: Ðến nay, hoạt động quỹ còn nhiều bất cập, số doanh nghiệp
được vay vốn chưa nhiều. Mặc dù lãi suất chương trình có nhiều ưu đãi với mức
tối đa chỉ bằng 50% lãi suất ngân hàng thương mại và để được vay vốn doanh
nghiệp không cần thế chấp tài sản nhưng lại phải có hợp đồng sản phẩm. Nhiều dự
án mới muốn thương mại hóa đề tài nghiên cứu nhưng chưa có sản phẩm làm sao có
hợp đồng sản phẩm. Vòng luẩn quẩn này khiến nhiều doanh nghiệp có nhu cầu nhưng
không đủ điều kiện vay vốn. Qua tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp không muốn
tiếp cận nguồn vốn vì thời gian cho vay chưa phù hợp. Một sản phẩm công nghệ
mới nghiên cứu phải mất nhiều thời gian mới tìm được chỗ đứng trên thị trường,
nhưng thời hạn cho vay tối đa chỉ được bốn năm. "Thời gian vay quá ngắn
như vậy, nhiều doanh nghiệp khó thu hồi vốn để trả nên cũng không muốn
vay" - bà Giang cho biết.
Cũng như Quỹ phát triển khoa học - công nghệ, Chương
trình hỗ trợ chế tạo rô-bốt công nghiệp từ năm 2008 đến nay cũng mới hỗ trợ bảy
tỷ đồng cho 17 dự án. Ðây là chương trình phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn
của thành phố nhưng chưa tạo được sức hút với doanh nghiệp. Ông Chu Bá Long,
chuyên viên phụ trách chương trình chế tạo rô-bốt công nghiệp, Phòng Quản lý
công nghệ cho biết: "Chương trình nhằm hỗ trợ dự án sản xuất thử nghiệm.
Nhiều dự án khi được hỗ trợ hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều
doanh nghiệp cũng không tìm tới chương trình vì số tiền hỗ trợ còn ít. Chương
trình cho doanh nghiệp vay 30% kinh phí hoạt động và sẽ thu hồi 70% số vốn
vay".
Giám đốc Công ty TNHH A.K.B (quận 7) Lê Anh Kiệt cho
rằng, sự hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp là rất cần thiết. Công ty
A.K.B đã nhận được hỗ trợ từ Chương trình hỗ trợ chế tạo rô-bốt công nghiệp để
thiết kế, chế tạo rô-bốt 5 bậc tự do phục vụ giảng dạy. Ðến nay, đã sản
xuất 14 sản phẩm rô-bốt và chuyển một số sản phẩm cho các trường đại học để
sinh viên thực tập trên rô-bốt này và đánh giá chất lượng sản phẩm. "Chúng
tôi đang muốn tiếp cận các nguồn quỹ hỗ trợ phát triển công nghệ. Tuy nhiên,
với nguồn hỗ trợ nhỏ, điều kiện cho vay khó khăn khiến doanh nghiệp rất ngại
tiếp cận, nhất là doanh nghiệp lớn. Ðể Nhà nước vừa bảo đảm thu hồi nguồn vốn,
vừa thu hút được doanh nghiệp tham gia các quỹ hỗ trợ phát triển khoa học -
công nghệ, với những dự án có tính khả thi cao không cần thế chấp, còn những dự
án chưa có hợp đồng sản phẩm nhưng có triển vọng có thể cho vay nhưng có thế
chấp", ông Kiệt cho biết.
Một số ý kiến cho rằng, khi tiếp cận với các nguồn hỗ trợ
rất khó, thời gian nhận được vốn thường bị kéo dài. Một cán bộ Trung tâm Nghiên
cứu và Chuyển giao công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết, khi tư vấn, giúp
doanh nghiệp chuyển giao công nghệ, đã gặp trường hợp vay vốn từ Quỹ bảo lãnh
tín dụng, quỹ đã duyệt nhưng ngân hàng lại không cho. Có khi cả sáu tháng đến
một năm mới nhận được vốn vay từ các chương trình hỗ trợ phát triển khoa học -
công nghệ. Ðiều này khiến doanh nghiệp có tâm lý chán nản. Theo bà
Giang, để nhận được hỗ trợ từ Quỹ khoa học - công nghệ, doanh nghiệp trình hồ
sơ theo mẫu. Cán bộ tài chính và khoa học giúp doanh nghiệp hoàn thiện dự án để
trình hội đồng thẩm định xét. Theo quy định hồ sơ được giải quyết trong 30
ngày, trên thực tế nhiều doanh nghiệp không có kinh nghiệm làm dự án cho nên
mất nhiều thời gian để bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh có nhiều biện pháp nhằm đẩy
mạnh chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, phát
triển công nghệ cho các doanh nghiệp. Hiện thành phố có nhiều chương trình hỗ
trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như: Quỹ
phát triển khoa học và công nghệ; chương trình hỗ trợ thiết kế chế tạo thiết bị
trong nước, chế tạo rô-bốt công nghiệp, kích cầu đầu tư, hỗ trợ phát triển các
sản phẩm quốc gia... Ðể các chương trình này đạt hiệu quả cao, cần tháo
gỡ khó khăn trong thủ tục hỗ trợ vốn theo hướng thiết thực hơn.