Công nghệ CAS: Giúp nông, thủy sản, thực phẩm tươi ngon đạt tới 99,7%
Tập đoàn ABI (Nhật Bản) vừa chuyển giao cho Việt Nam công nghệ CAS thông qua hợp tác quốc tế. Đây là công nghệ bảo quản thực phẩm hiện đại nhất hiện nay giúp cho nông sản, thủy sản, thực phẩm tươi ngon đạt tới mức 99,7% như dạng “tươi sống”. Công nghệ này hứa hẹn giải quyết bài toán khó cho nền nông nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Công nghệ CAS -
bước đột phá trong bảo quản thực phẩm
Gỡ khó cho nền
nông nghiệp
Trong những năm qua,
sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc nhưng vẫn thiếu
tính bền vững làm cho nông sản, thủy hải sản xuất khẩu bị yếu thế khi ra thị
trường thế giới. Phần lớn các sản phẩm rau quả của Việt Nam được sử dụng dưới
dạng tươi sống với năng lực chế biến chỉ khoảng 200.000 tấn/năm (2% sản lượng),
chủ yếu là các loại rau quả đóng hộp, nước quả đóng lon. Tổn thất sau thu hoạch
đối với nông sản ở Việt Nam khoảng hơn 25%, đối với các loại quả và hơn 30% đối
với các loại rau, 15-20% đối với các loại lương thực khác.
Ở nước ta, đã có một
số kỹ thuật được sử dụng bảo quản nông sản, thực phẩm tươi như bảo quản bằng
nhiệt độ cao, nhiệt độ thấp, hóa chất không độc hại, chiếu xạ,… nhưng đều ở mức
độ quy mô nhỏ, chưa mang tính phổ biến. Việc bảo quản các loại nông sản, thực
phẩm tươi bằng làm lạnh thông thường chỉ có thể giúp nông sản, thực phẩm tươi
trong một thời gian nhất định. Muốn bảo quản sản phẩm lâu hơn và giữ được chất
lượng thì phải kết hợp bảo quản lạnh với các công nghệ mới tiên tiến như điều
chỉnh độ ẩm môi trường hoặc kết hợp với tác nhân tạo trường điện từ, sóng âm…
Đột phá từ công
nghệ mới
Theo ông Trần Ngọc
Lân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển vùng (Bộ Khoa học - Công nghệ),
người phụ trách dự án, CAS là công nghệ hoạt động theo nguyên lý kết hợp giữa
đông lạnh nhanh ở nhiệt độ - 45oC với từ trường, đối tượng được đông lạnh là
hải sản, nông sản, thực phẩm... Các nhà khoa học Nhật Bản đã chứng minh trong
thực tế, sau từ 1 đến 2 năm, thậm chí là 10 năm tùy theo sản phẩm, thực phẩm
sau khi bảo quản có chất lượng tươi ngon đạt 99,7% so với khi mới thu hoạch,
giữ nguyên được cấu trúc, hương, vị, màu sắc và dinh dưỡng. Tức là hôm nay đưa
vào bảo quản con cá, con tôm, quả vải, quả quýt, cây nấm..., 1, 2 năm sau vẫn
như mới. Trong khi ở Việt Nam, hoa quả đã qua thuốc bảo quản cũng chỉ để được
cùng lắm 2 tháng. Gạo sau 1-2 năm bị mủn. Còn ở Nhật, hoa quả tối đa 5 năm, gạo
10 năm vẫn y nguyên.
“Mong muốn của chúng
tôi là công nghệ CAS sẽ góp phần vào công cuộc đổi mới lĩnh vực công nghệ sau
thu hoạch nhằm giải một trong các bài toán khó của phát triển nông nghiệp hàng
hóa, đó là bảo quản tươi hải sản và nông sản nhiệt đới Việt Nam để xuất khẩu và
phục vụ dân sinh”, ông Lân cho biết.
Ông Norio Owada, Chủ
tịch Tập đoàn ABI (Nhật Bản), đồng thời là nhà sáng chế độc quyền công nghệ CAS
cho biết: “Tôi mong muốn công nghệ CAS được chuyển giao vào Việt Nam sẽ giúp
người làm nông nghiệp, ngư dân, hay những người chăn nuôi gia súc có cuộc sống
tốt hơn. Hoa quả xuất khẩu, nếu không có kỹ thuật bảo quản sẽ chóng hỏng, giá
thành sẽ thấp. Khi Việt Nam sử dụng công nghệ của chúng tôi, các bạn có thể
xuất khẩu nguyên liệu hay sản phẩm ra các nước trong khu vực và nhiều nước khác
trên thế giới với giá thành cao hơn”.
Thời gian tới, Trung
tâm công nghệ CAS sẽ hợp tác nghiên cứu ứng dụng, trao đổi công nghệ CAS với
các viện nghiên cứu, trường đại học có liên quan đến bảo quản chế biến nông
sản, hải sản, thực phẩm, và y học để sử dụng có hiệu quả thiết bị và công nghệ
CAS vào các lĩnh vực./.
Hệ thống tế bào còn sống (CAS
- Cells Alive System) được đánh giá là một công nghệ tiên tiến, tích cực nhằm
đạt được, khống chế và tối ưu hóa các thông số bảo quản để kéo dài quá trình
chín nhưng không làm hư hỏng nông sản, thực phẩm tươi sau thu hoạch. Việc phát
triển ứng dụng công nghiệp lạnh kết hợp với kỹ thuật nuôi sống các tổ chức tế
bào trong bảo quản nông sản, thực phẩm tươi sẽ giúp tăng thời gian và khối
lượng dự trữ, tăng khả năng điều hòa cung cấp nông sản, thực phẩm tươi chất
lượng cao cho các thành phố lớn, cũng như phục vụ tốt cho nhu cầu xuất khẩu
nông sản, thực phẩm tươi nhiệt đới. Ngoài ra, dùng kỹ thuật lạnh kết hợp với kỹ
thuật nuôi sống các tổ chức tế bào (CAS) trong bảo quản còn là phương pháp sạch
và kinh tế trong bảo quản nông sản, thực phẩm tươi. |