Đưa nhân viên về các tỉnh để giới thiệu sản phẩm công nghệ mới "made in Vietnam" như là “gánh hàng rong”, nhưng "qua sông thì phải lụy đò", vì mỗi tỉnh gần như là một cửa ải...
Đoàn cán bộ khoa học - công nghệ đến tham
quan các sản phẩm công nghệ mới trong lĩnh vực vệ sinh môi trường của Busadco -
Ảnh: Mai Vọng
Ông Hoàng Đức Thảo - Tổng giám đốc Công ty TNHH một
thành viên thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco) - đã nói
thật lòng như vậy về chuyện đưa sản phẩm công nghệ mới vào ứng dụng.
Busadco dù chỉ là một doanh nghiệp (DN) tỉnh lẻ,
nhưng có thành tích đáng nể khi sở hữu 30 công trình, giải pháp hữu ích, cho ra
đời 30 sản phẩm phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường,
đoạt giải vàng - Giải thưởng Chất lượng quốc gia. Chưa hết, DN này còn được Bộ
Khoa học - Công nghệ đề cử tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á -
Thái Bình Dương năm 2012 và đoạt giải nhì - Giải thưởng xuất sắc toàn cầu, cũng
là giải thưởng cao nhất mà Việt Nam có được từ trước đến nay trong giải thưởng
này. Trong số 30 sản phẩm có 23 sản phẩm đã và đang được ứng dụng rộng rãi,
16 sản phẩm được cấp bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích; 13 sản phẩm
đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt danh mục lập tiêu chuẩn Việt Nam
(TCVN). Những sản phẩm này đã và đang được ứng dụng tại 48/63 tỉnh, thành trên
cả nước, và bước đầu xuất khẩu sang Malaysia, Lào.
Nhưng điều đó cũng chưa giúp cho DN khoa học công
nghệ này vượt qua những khó khăn trở ngại trong hành trình đưa sản phẩm của
mình đi vào thị trường trong nước. Ông Hoàng Đức Thảo than thở: “Do hầu hết các
công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống thoát nước, đều sử dụng
vốn ngân sách nhà nước, nên việc đưa sản phẩm công nghệ mới chưa có tiêu chuẩn
quốc gia đi vào các công trình của mỗi tỉnh gần như là một cửa ải”. Ông nói rõ
thêm: “Muốn đưa sản phẩm vào tỉnh nào thì bước đầu tiên là phải xin chủ trương
của lãnh đạo tỉnh đó. Khi có chủ trương rồi, bước thứ hai là phải làm thí điểm,
bước thứ ba là xây dựng giá liên Sở, đồng thời phải được kiểm định chất lượng bởi
Trung tâm kiểm định chất lượng của Sở Xây dựng địa phương đó. Tỉnh nào cũng làm
như vậy, rất vất vả cho DN khoa học công nghệ. Riêng việc xây dựng xong giá
liên Sở là ốm luôn. Làm xong tất cả các bước trên mới thực hiện được việc ký hợp
đồng để đưa sản phẩm công nghệ mới vào ứng dụng”.
Dù gặp phải những khó khăn vất vả như thế, nhưng
ông Hoàng Đức Thảo không nản chí trong hành trình "gánh hàng rong" giới
thiệu sản phẩm công nghệ mới của mình. Ông chia sẻ: “Làm gì cũng phải dũng cảm,
phải tự tin, nếu không sẽ mất đi nguồn cảm hứng sáng tạo”.