Chuyển giao công nghệ từ trường Đại học: Kết quả chưa như mong đợi
Các kết quả nghiên cứu KH&CN được chuyển giao hiện nay hầu hết là các nghiên cứu ứng dụng, triển khai, tuy nhiên do công nghệ chưa hoàn chỉnh, mức độ nào đó mang tính áp đặt do cấp quản lý địa phương cần có kinh phí của đề tài, nên hiệu quả thường hạn chế…
Hiệu quả chuyển giao công nghệ từ trường
đại học thời gian qua thường hạn chế, khi đề tài kết thúc thì kết quả để lại
không có bao nhiêu.
Theo TS. Huỳnh Ngọc Thạch - Đại học
Đông Á, để khoa học và công nghệ (KH&CN) trở thành nguồn động lực thúc đẩy
sự phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn mỗi địa phương, vai trò của các cơ
quan nghiên cứu là rất lớn, trong đó có hệ thống các trường Đại học.
Để biến khoa học trở thành
động lực cho sự phát triển, vấn đề gắn nghiên cứu khoa học trong các trường đại
học với nhu cầu của thực tiễn cuộc sống để thúc đẩy trở lại sự phát triển của
giáo dục với chất lượng cao hơn là một trong những vấn đề cần được ưu tiên cao.
Để đánh giá kết quả chuyển
giao công nghệ (CN) thời gian qua chúng ta cần xem xét các vấn đề sau: Các
nguồn CN được chuyển giao; Phát xuất nhu cầu về CN chuyển giao; Độ hoàn chỉnh
của các CN chuyển giao, mức độ đáp ứng của CN được chuyển giao đối với nhu cầu.
Các nguồn CN được chuyển giao
Căn cứ theo sự hình thành, các CN được chuyển giao có thể phân thành 3 nhóm như
sau: Do các doanh nghiệp tự thực hiện bởi nhóm các kỹ sư, kỹ thuật viên của đơn
vị có thể có sự cộng tác của các chuyên gia. Thông thường đây là các đề tài
nghiên cứu mang tính cải tiến công nghệ, xuất phát từ thực tiễn của đơn vị nhằm
cải tiến, hoàn thiện các công nghệ đã và đang sử dụng, thay đổi một vài đặc
tính kỹ thuật để thay đổi mẫu mã sản phẩm, cải thiện chất lượng sản phẩm. Các
kết quả đề tài hầu hết đều được áp dụng ngay vào sản xuất do đáp ứng đúng nhu
cầu của cơ sở nhưng thường mang tính phân tán, đơn lẻ, mang tính đặc thù của
từng đơn vị.
Là các kết quả nghiên cứu
do các Viện, Trường Đại học thực hiện theo các chương trình nghiên cứu của nhà
nước hay các đề tài cấp Bộ, cấp quốc gia. Các kết quả nghiên cứu KH&CN được
chuyển giao hiện nay hầu hết là các nghiên cứu ứng dụng, triển khai, tuy nhiên
do công nghệ chưa hoàn chỉnh, mức độ nào đó mang tính áp đặt do cấp quản lý địa
phương cần có kinh phí của đề tài, nên hiệu quả thường hạn chế, khi đề tài kết
thúc thì kết quả để lại không có bao nhiêu.
Công nghệ có nguồn gốc nhập
khẩu theo hình thức trọn gói. Chuyển giao công nghệ loại này thường cho các Dự
án đầu tư mới. Hiệu quả đầu tư, cũng như hiệu quả công nghệ còn phụ thuộc vào
chủ sở hữu nguồn vốn đầu tư là ai, nếu là của nhà nước thì còn phụ thuộc vào
công tác chuẩn bị lập Dự án có phản ánh đúng nhu cầu thị trường và chọn lựa nhà
cung cấp thiết bị công nghệ. Do đầu tư loại hình này thuộc dạng trọn gói nên
ngoài cung cấp dây chuyền thiết bị động bộ, công tác đào tạo và chuyển giao
công nghệ làm bài bản nên hầu hết khi nhà máy đi vào hoạt động đều đạt yêu cầu
theo thiết kế, yêu cầu của bên nhận chuyển giao công nghệ.
Như vậy, nếu công nghệ được
chuyển giao theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp thì chắc chắn có hiệu quả về
mặt kỹ thuật (trừ trường hợp do cố tình hay do cơ quan thẩm định kém chọn phải
công nghệ lạc hậu nhất là đối với các Dự án do nhà nước đầu tư), tuy nhiên hiệu
quả kinh tế thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố thị trường mà nhiều khi nhà đầu
tư không lường trước được.
Phát xuất nhu cầu về công
nghệ được chuyển giao, như đã trình bày ở phần trên nhu cầu về cải tiến, hoàn
thiện công nghệ và đổi mới công nghệ là nhu cầu có thật và thường xuyên của các
đơn vị cơ sở sản xuất nhằm hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất
sản phẩm mới nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Đối với các đơn vị có dây
chuyền đang hoạt động, thường có nhu cầu cải tiến, hoàn thiện một khâu kỹ thuật
hay một thiết bị cụ thể, ví dụ chuyển đổi nồi hơi chạy dầu sang chạy than khi
giá dầu tăng cao....
Đối với các đơn vị đầu tư
mới để sản xuất một sản phẩm mới cung ứng ra thị trường đòi hỏi công nghệ sản
xuất hoàn chỉnh bao gồm dây chuyền thiết bị và công nghệ sản xuất kèm theo việc
đào tạo, huấn luyện công nhân vận hành, sản xuất sản phẩm, cán bộ quản lý cho
dây chuyền sản xuất đó. Dù là loại hình nào thì chủ đầu tư phải có thông tin
chính xác về các nhà cung cấp để có thể chọn lựa được các thiết bị hay dây
chuyền phù hợp. Như vậy ở đây vấn đề thông tin về năng lực của các đơn vị
nghiên cứu - các nhà cung cấp giải pháp phải đến được các địa chỉ cần đến là
các cơ sở sản xuất, các nhà đầu tư, phải có được một tổ chức chuyên làm công
việc này và có hình thức chuyển tải các thông tin đó một cách có hiệu quả như
vài năm gần đây có tổ chức hội chợ Techmart.