SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khám phá những cách thức mới phát triển pin năng lượng mặt trời giá rẻ

[13/10/2010 17:21]

Các nhà vật lý của Đại học Rutgers đã khám phá ra những đặc tính mới của một vật liệu có khả năng được sử dụng để chế tạo pin năng lượng mặt trời hiệu suất cao, giá rẻ. Khám phá này cho thấy các hạt mang điện tích được tạo ra từ các chùm ánh sáng có thể di chuyển theo thứ tự trong chất bán dẫn hữu cơ với khoảng cách xa hơn gấp 1.000 lần so với quan sát của các nhà khoa học.

Điều này đã làm tăng hy vọng của các nhà khoa học về sự phát triển của các loại pin năng lượng mặt trời mới dựa trên công nghệ này, với hiệu suất hoạt động và chi phí vượt trội hơn hẳn so với pin mặt trời silicon hiện nay, giúp tăng sản lượng điện mặt trời và trở thành nguồn năng lượng thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Chất bán dẫn hữu cơ hứa hẹn nhiều tiềm năng chế tạo pin mặt trời và nhiều ứng dụng khác, như màn hình video, vì chúng có thể được tạo ra trong các tấm nhựa lớn. Tuy nhiên, nhược điểm của loại bán dẫn này là hiệu suất chuyển đổi quang điện hạn chế. Nhóm khoa học hy vọng khám phá mới của họ sẽ giúp thúc đẩy phát triển hơn nữa loại vật liệu mới này và thu được kết quả như mong muốn. Nhóm đã quan sát thấy các exciton - là những hạt được tạo ra khi vật liệu bán dẫn hấp thu photon, hay còn gọi là các hạt ánh sáng - có thể di chuyển đi một quãng đường xa gấp 1.000 lần trong tinh thể chất bán dẫn hữu cơ rất tinh khiết gọi là rubrene. Từ trước đến nay, những quan sát về chuyển động của các hạt exciton trong chất bán dẫn hữu cơ cho thấy khoảng cách di chuyển của chúng chỉ đạt chưa đầy 20 nanomet. Theo các nhà khoa học khi khoảng cách khuếch tán của exciton đạt mức tương đương với độ dài hấp thụ ánh sáng sẽ thu được hầu như tòan bộ ánh sáng mặt trời để chuyển đổi thành năng lượng. Exciton là những thực thể có dạng hạt gồm một electron và một lỗ trống electron. Chúng có thể sinh ra một điện áp quang khi va chạm với ranh giới hoặc đường giao nhau của chất bán dẫn, các electron di chuyển sang một bên và các lỗ trống di chuyển tới bên còn lại của đường giao nhau. Nếu các exciton chỉ khuếch tán đi được 10 nm thì chỉ những hạt gần nhất với các đường giao nhau hoặc ranh giới bán dẫn mới có thể sản sinh ra điện áp quang. Điều này giải thích cho hiệu quả chuyển đổi năng lượng thấp của các loại pin mặt trời hiện nay.

Hiện tại, mặc dù các tinh thể rubrene tinh khiết của nhóm vật lý Rutgers chỉ phù hợp cho các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nhưng khám phá nói trên lại chỉ ra rằng hạn chế khuyếch tán exciton không chỉ là nhược điểm nội tại của các chất bán dẫn hữu cơ. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng exciton trong tinh thể rubrene hoạt động tương tự như exciton trong các tinh thể phi hữu cơ - một dạng exciton được giải phóng (delocalized), thường biết đến với tên gọi Wannier-Mott hoặc WM. Trước đó các nhà khoa học tin rằng chỉ hình thái bị khu trú (localized) của exciton, hay còn gọi là exciton Frenkel, mới tồn tại trong bán dẫn hữu cơ. Các exciton WM di chuyển nhành hơn trong các mạng tinh thể phalê nên mang những đặc tính quang điện tử tốt hơn.

Nhóm nhà vật lý còn cho biết khám phá mới của họ còn giúp tạo ra một phương pháp đo exciton mới dựa trên nguyên lý quang phổ quang học. Khi exciton không hoạt động, rất khó để đo được chúng nếu chỉ dùng những phương pháp thường. Các nhà nghiên cứu đã phát triển một kỹ thuật gọi là quang phổ dòng quang điện phân cực (polarization resolved photocurrent spectroscopy), giúp phân tán exciton trên bề mặt tinh thể và giải phóng một dòng quang điện lớn. Kỹ thuật này áp dụng được cho các loại vật liệu khác.
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ