Hệ thống wifi góp phần phát triển đô thị thông minh
Không chỉ giúp Internet thân thiện với mọi người dân, hệ thống wifi công cộng tại Đà Nẵng được sử dụng như công cụ phát triển đô thị thông minh, hướng tới hoàn thiện mô hình chính quyền điện tử vào năm 2015.
Nhiều người dân Đà Nẵng đã thay đổi thói quen
truy cập Internet kể từ khi có hệ thống wifi miễn phí trên toàn Thành phố. Ảnh:
VGP/Hồng Hạnh
Từ khi hệ thống wifi TP. Đà Nẵng đi vào
hoạt động, thói quen đọc báo mỗi sáng của chị Lê Thu Dung (57 tuổi,
phường Thuận Phước, quận Hải Châu) cũng thay đổi hẳn. Thay vì đợi người đưa báo
đem đến nhà mỗi sáng, chị thường xuyên cập nhật tin tức qua điện thoại di động
mỗi khi rảnh rỗi.
Tiện ích cho mọi người
Đó là một trong những thay đổi nho nhỏ gần
đây của một bộ phận người dân TP. Đà Nẵng khi sẵn hệ thống wifi miễn phí được lắp
đặt dọc các tuyến đường trung tâm.
Bắt đầu lắp đặt từ cuối năm 2012,
sau hơn 10 tháng thi công, đến cuối tháng 9/2013, hệ thống Internet không
dây (wifi) tại Đà Nẵng bắt đầu đi vào hoạt động chính thức, trở thành
hệ thống thứ 3 trong cả nước và là hệ thống đầu tiên kết nối mạng đô
thị thành phố để tạo nên một chính quyền điện tử thông minh, thân thiện với người
dân.
Với khoảng 340 trạm thu phát sóng chuyên dụng,
bộ truy nhập wifi được lắp đặt trên các cột đèn chiếu sáng tại các
tuyến đường khu vực trung tâm Thành phố, các khu vực công cộng, các
trường đại học, điểm du lịch, chung cư và 29 trụ sở các sở, ban, ngành
trên địa bàn.
Mỗi trạm có phạm vi phủ sóng trong bán
kính 150m, cho phép lượng truy cập 200 người dùng/IP, tương đương với khoảng
gần 10.000 lượt truy cập cùng lúc, với khả năng giám sát tình hình hoạt
động toàn mạng, lọc các trang web xấu, ngăn chặn IP giả mạo, đảm bảo
an toàn an ninh mạng…
Hệ thống wifi của Thành phố khuyến khích
người dân vào đọc báo, tìm kiếm thông tin, nâng cao dân trí với mục tiêu trong
vòng 2-3 năm, người dân Đà Nẵng sẽ có thói quen sử dụng Internet hằng ngày.
Tuy nhiên, hệ thống wifi không có tác dụng
thay thế các đường truyền Internet ở các hộ gia đình. Với thời
lượng truy cập hạn chế ở mức 20 phút/lần, hệ thống wifi sẽ là lựa chọn tốt hơn
với những người cần tra cứu, xem thông tin nhanh, mà không thích hợp với các
nhu cầu giải trí cao như chơi game, xem phim... như mọi người vẫn lầm tưởng.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc chú trọng
miễn phí đối với các đối tượng đặc thù như du khách, sinh viên, học sinh, công
nhân, người nghèo..., Đà Nẵng sẽ tiến hành thu phí đối với các nhu cầu kết nối
cao, đáp ứng yêu cầu của từng đối tượng người dùng.
Hình thành hạ tầng đô thị thông minh
Không chỉ góp phần đưa Internet
thân thiện hơn với người dân, hệ thống wifi Đà Nẵng nhằm hình thành hạ tầng
công nghệ thông minh, hướng đến hoàn thiện mô hình chính quyền điện tử khi người
dân ở bất cứ nơi nào đều có thể kết nối vào hệ thống thông tin của Thành phố.
Trung tâm máy chủ của hệ thống wifi TP
Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh
Trước hết người dân sẽ được phục vụ thông
qua mạng đô thị để tiếp cận thông tin mà không cần vào Internet. Với 155 dịch
vụ công ở mức 3-4, Đà Nẵng hướng doanh nghiệp và người dân trao đổi thông tin,
thực hiện các thao tác thủ tục hành chính với chính quyền một cách dễ dàng hơn.
Trong tương lai, các dịch vụ công mức 3-4 sẽ ngày càng nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu
hình thành chính quyền điện tử trong nhân dân.
Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tương tác giữa
người dân và chính quyền, nối với mạng đô thị MAN, hệ thống wifi sẽ giúp các
đơn vị quản lý hoạt động của Thành phố, hình thành một Thành phố thông
minh: Điều khiển camera giao thông; quản lý hành trình của các phương tiện vận
tải công cộng; quan trắc môi trường; quản lý chất lượng nguồn nước... Tất cả
các thông số đều được tự động cập nhật, xử lý và báo động khi có diễn biến bất
thường.
Thách thức hiện nay của dự án là yêu cầu quản
lý, khai thác hệ thống cho hiệu quả, phục vụ tốt nhất nhu cầu sử dụng của người
dân, khi thời gian sử dụng các thiết bị của dự án chỉ khoảng 10 năm và trong
vòng 3 năm tới Đà Nẵng phải chi 7 tỷ đồng cho việc duy trì hoạt động của hệ thống
wifi.
Dự án hệ thống wifi công cộng TP.
Đà Nẵng có tổng mức đầu tư khoảng 2,1 triệu USD được tiết kiệm từ
các gói thầu thuộc tiểu dự án Phát triển Công nghệ thông tin và Truyền
thông tại TP. Đà Nẵng, trực thuộc Dự án Phát triển Công nghệ thông tin và
Truyền thông tại Việt Nam do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ.
|