SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hoạt động KH&CN trong trường đại học: Còn nhiều lỗ hổng

[14/11/2013 20:25]

Nhiệm vụ chính của các trường đại học là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường đại học gắn kết chặt chẽ với quá trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ…

Chưa tương xứng với tiềm năng

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ của nhiều trường còn chưa tương xứng với nhiệm vụ và tiềm năng về khoa học và công nghệ của trường. Vai trò của các viện, trung tâm nghiên cứu và doanh nghiệp trong trường đối với nghiên cứu khoa học cũng chưa được quan tâm và đánh giá đúng mức, đặc biệt là các trường ngoài công lập, trường mới thành lập. Công tác quản lý có đổi mới nhưng thiếu đồng bộ và hiệu quả chưa cao. Các văn bản pháp quy hướng dẫn các trường tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ còn thiếu và chậm ban hành. Công tác xây dựng kế hoạch KH&CN ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chủ quản cũng như ở các trường triển khai còn chậm , chưa đáp ứng yêu cầu của Bộ KH&CN. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng: “Việt Nam đang rất lãng phí nguồn chất xám ở các trường đại học”. Bộ trưởng đã chỉ rõ 3 nguyên nhân khiến hoạt động nghiên cứu trong các trường đại học yếu kém, đó là: 1. Do các trường đại học không đủ nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, ngay cả trường trọng điểm lớn thì kinh phí nghiên cứu khoa học dành cho giáo viên, cán bộ giảng dạy chỉ khoảng 3 tỷ đồng/ năm; 2. Các trường đại học không có biên chế làm khoa học chuyên nghiệp, vì vậy nghiên cứu coi là hoạt động làm thêm của cán bộ giảng dạy; 3. Khối lượng giảng dạy quá lớn, dẫn tới các giảng viên không đủ thời gian nghiên cứu.

nguon_chat_xam.jpg

Nguồn lực chất xám ở các trường đại học đang bị lãng phí

Hình thành đội ngũ nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp

Để phát huy thế mạnh và hình thành được đội ngũ nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp trong các trường đại học trọng điểm, về phía Bộ GD&ĐT cùng nhiều chuyên gia, nhà quản lý đều thống nhất cho rằng, cần tăng kinh phí đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ của các trường đại học đạt mức 1% ngân sách nhà nước, tương xứng với tiềm lực, vai trò và vị trí của các trường đại học trong sự nghiệp phát triển đất nước. Có chính sách đủ mạnh để huy động nguồn kinh phí từ các nhà sản xuất, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế thông qua cơ chế phối hợp, liên kết hay đặt hàng từ các cơ sở sản xuất. Thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở nghiên cứu, các viện với các trường đại học và cơ sở đào tạo để phối hợp, cộng tác nghiên cứu nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực của các đơn vị này, đẩy mạnh quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nhằm tăng nguồn thu cho cơ sở nghiên cứu. Ngoài ra, việc xây dựng các doanh nghiệp KH&CN trong trường đại học, phát triển mô hình ươm tạo công nghệ sẽ thu hút được các nguồn lực tài chính của xã hội cho hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Bộ trưởng Bộ KH&CN đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giao biên chế nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp cho các trường, đặc biệt là các trường trọng điểm và khẳng định, Bộ sẵn sàng chia sẻ kinh phí ít ỏi của Bộ cho hoạt động nghiên cứu chuyên nghiệp, bao gồm chi phí trả lương để duy trì hoạt động bộ máy và kinh phí nghiên cứu từ nguồn sự nghiệp khoa học.

Theo Tạp chí KH&CN, số 21 năm 2013
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ