Nhân lực CNTT: Bao giờ mới chuẩn?
Công nghệ thông tin (CNTT) hiện được xem là ngành có triển vọng phát triển với tốc độ cao, đóng góp quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông” thì bài toán nhân lực CNTT đang là trở ngại và thách thức lớn.
Nhận
rõ tầm quan trọng đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang khẩn trương xây dựng và
ban hành hệ thống chuẩn kỹ năng, xếp bậc nhân lực, chức danh về CNTT. Đây là một
trong những vấn đề thiết yếu góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực CNTT
và giải quyết đồng thời nhiều vấn đề tồn tại lâu nay trong thị trường. Hệ thống
này sẽ giúp các thành phần trong thị trường nhân lực CNTT gồm: cơ sở đào tạo
trong nước tìm được tiếng nói chung với mục tiêu hướng tới nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực.
Thách
thức không nhỏ
Trong
bối cảnh nền kinh tế phát triển, môi trường đầu tư thuận lợi, đầu tư nước ngoài
tăng nhanh thì nhu cầu nhân lực CNTT đang là trở ngại và thách thức lớn đối với
nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ở góc độ
khác lại tạo ra cơ hội trong lĩnh vực đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho sự
phát triển của ngành CNTT và nền kinh tế - xã hội. Các bên tham gia thị trường
nguồn nhân lực đều có những mong muốn và yêu cầu riêng đối với thị trường này.
Để
tạo nguồn nhân lực có chất lượng, yêu cầu đặt ra là phải chuẩn hóa các chương
trình đào tạo, có những đột phá trong xây dựng các tài liệu hướng dẫn nhằm xác
định một cách rõ ràng về khung trình độ kiến thức, kỹ năng và năng lực mà nhân
lực CNTT cần được trang bị hoặc bổ sung. Những người làm việc thật sự trong ngành
công nghiệp CNTT cũng cần hướng dẫn cụ thể các mô hình kỹ sư CNTT được thừa nhận
trên thế giới cũng như cách thức các cơ sở đào tạo cần triển khai trên cơ sở
các mô hình đó.
Theo
TS. Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp. HCM, ngay từ lúc này
phải giảm dần chỉ tiêu đào tạo và tăng kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở
các trường công; đồng thời nâng cao chất lượng đầu vào cho các trường tư. Ngoài
ra, cần có chính sách ưu đãi cho các đối tượng liên quan: cấp học bổng, hỗ trợ
học phí, cho vay vốn kích cầu, giảm thuế thu nhập cá nhân, đơn giản hóa các thủ
tục hành chính, đầu tư có chất lượng cho công tác đào tạo CNTT…
Tạp chí Khoa học & Công nghệ, số 21 năm 2013