Truyền thông khoa học địa phương: Bao giờ đến người dân và doanh nghiệp
Thiếu nhân lực và kinh phí đầu tư đang là những nguyên nhân khiến cho hoạt động truyền thông về KHCN ở địa phương chưa phát huy hiệu quả.
Những
năm qua, Trung tâm thông tin KHCN thuộc các Sở KHCN đã ít nhiều đóng góp vào việc
hình thành và phát triển thị trường công nghệ trong nước, tạo môi trường để
KHCN gắn với đời sống và sản xuất. Các Trung tâm được xác định là những tổ chức
quan trọng đối với các sự kiện giới thiệu thành tựu KHCN mà điển hình là Chợ
Công nghệ và Thiết bị - Techmart, tham gia tích cực vào việc thúc đẩy các tổ chức
trung gian, hình thành các Trung tâm giao dịch công nghệ. Tuy nhiên, những hoạt
động này hầu như chỉ diễn ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,
nơi có điều kiện thuận lợi cho sự phát triển (vị trí địa lý, nguồn nhân lực, vật
lực…). Vậy các địa phương khác thì sao?
Tại
Vĩnh Phúc, Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học có nhiệm vụ chính là cung cấp
thông tin về KHCN. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm phát hành hàng chục
nghìn tờ rơi với những thông tin chọn lọc về KHCN, mở website về KHCN và xây dựng
cơ sở dữ liệu phục vụ khán giả. Những hoạt động này bước đầu đã giúp KHCN đến gần
với người dân và doanh nghiệp. Song trên thực tế, Trung tâm vẫn gặp nhiều khó
khăn, trong đó chủ yếu là do nguồn nhân
lực không đáp ứng yêu cầu. Phần lớn cán bộ của Trung tâm còn trẻ, trình độ chưa
cao, số lượng có hạn (khoảng 10 người) và kinh phí hoạt động phải dựa vào nguồn
ngân sách Nhà nước là chính. Do vậy, Trung tâm chỉ phát hành từ 6 – 8 bản tin/
năm về KHCN, các hoạt động tư vấn, xúc tiến thông tin KHCN cũng khó có thể phát
huy.
Trung
tâm Thông tin KHCN và Tin học Hải Dương khi ra đời cũng chỉ có 14 cán bộ với 3
phòng chức năng với một khối lượng lớn các công việc: thu thập, xử lý, cung cấp
thông tin KHCN; tư vấn, hỗ trợ về đánh giá công nghệ cũng như định lượng giá trị
công nghệ; tư vấn và đại diện pháp lý về đăng ký xác lập quyền SHTT; tư vấn xây
dựng các hệ thống quản lý về tiêu chuẩn – chất lượng, an toàn bức xạ hạt nhân,
phát triển mạng vi tính… Có đơn vị vì thiếu cán bộ chuyên trách nên chỉ đủ sức
phát hành tạp chí 3 tháng/kỳ.
Một
thực trạng dễ nhận thấy hiện nay khiến cho truyền thông khoa học chưa thu hút
người dân là các nhà khoa học vốn am hiểu về chuyên môn lại ít tham gia viết
bài. Các nhà báo tuy có nghiệp vụ báo chí nhưng lại thiếu kiến thức chuyên
ngành. Điều này khiến cho các bài viết về KHCN thường khô khan, kém hấp dẫn. Tại
các địa phương, thực trạng này càng rõ nét khi thông tin được biên soạn từ các
báo cáo khoa học nên công chúng khó tiếp cận. Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò
truyền thông khoa học ở địa phương chưa được đặt đúng vị trí và cũng chưa được
lãnh đạo các cấp quan tâm đúng mức.
Theo
TS. Hồ Ngọc Luật , để giải quyết tình trạng này thì lãnh đạo địa phương phải là
người “đi đầu” trong công tác truyền thông KHCN. Đội ngũ truyền thông phải được
đào tạo bài bản, trong đó có đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ nhà báo
và bồi dưỡng kỹ năng truyền thông cho nhà khoa học. Bổ sung chức năng cho Phòng
Thông tin KHCN của các Sở KHCN nhằm thực hiện tốt Điều 50 Luật KHCN về “mục
đích chi ngân sách nhà nước cho KHCN…”. Các hoạt động triển lãm thiết bị và
công nghệ, hội thảo khoa học, chương trình phổ biến kiến thức về KHCN trên các
phương tiện thông tin đại chúng phải được coi là những nội dung chính của truyền
thông KHCN. Các tổ chức KHCN công lập như viện nghiên cứu, trường đại học… cũng
có trách nhiệm tham gia trực tiếp vào tuyên truyền KHCN, hay nói cách khác “nhà
khoa học cũng phải có tinh thần báo chí , phải tích cực hợp tác cùng giới truyền
thông”. Có như vậy, những kết quả nghiên cứu của các đề tài, các thành tựu KHCN
mới đến được đông đảo người dân và doanh nghiệp.
Tạp chí Khoa học & Công nghệ, số 22 năm 2013