Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Với mục tiêu phát triển và ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước trên cơ sở phát triển đồng thời, đồng bộ các yếu tố: Quy hoạch vùng sản phẩm, lựa chọn công nghệ, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, mở rộng thị trường tiêu thụ… góp phần tăng thu nhập cho nông dân tối thiểu 30% so với cách sản xuất bình thường.
Ruộng thử nghiệm rau
màu ở Định Thành.
Đề cập những thành
tựu nổi bật từ năm 2012 đến nay, Thạc sĩ (Ths) Trần Tiến Hiệp, Phó Giám
đốc Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang, đưa ra 5 vấn đề cần quan tâm.
Trong đó, công tác quy hoạch vùng, sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao tuy đã tiến hành thực hiện, nhưng chưa cụ thể, còn dàn trải do
còn chờ quy hoạch chung của tỉnh hoàn chỉnh, nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ
triển khai kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo kế hoạch
của từng địa phương. “Các mô hình, dự án thử nghiệm áp dụng tiến bộ khoa học –
công nghệ thành công, nhưng khó mở rộng ra sản xuất đại trà do hạn chế nguồn
vốn và thị trường chưa ổn định” – ông Hiệp lưu ý. Với kinh nghiệm của nhà
nghiên cứu khoa học, GS.TS Nguyễn Văn Luật (nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL)
cho rằng, những công nghệ sản xuất lúa sau luôn kế thừa và phát triển công nghệ
trước; luôn có sự đan xen, hòa nhập, hỗ trợ để cùng phát triển.
Nói về công nghệ cao
trong chăn nuôi (thách thức, ứng dụng và hiệu quả), GS.TS Nguyễn Văn Thu (Khoa Nông
nghiệp & Sinh học ứng dụng – Trường đại học Cần Thơ) nêu, đối với công nghệ
cao áp dụng, cần phải có hàm lượng chất xám cao hơn so với mặt bằng sản xuất hiện
tại, phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và trình độ kỹ thuật của địa
phương nơi áp dụng, và sản phẩm của công nghệ đó phải có chất lượng tốt, an toàn,
có thị trường và hiệu quả kinh tế. “Ở đây, sự lựa chọn công nghệ cao một cách
thích hợp cho nghiên cứu khoa học và sản xuất có thể là điều kiện tiên quyết cho
sự thành công” – GS.TS Nguyễn Văn Thu nhấn mạnh. TS Dương Hoa Xô (Trung tâm Công
nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: “An Giang cần tập trung xây dựng kiểu
hình các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cùng với các mô hình
ứng dụng công nghệ cao, không nên xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao như ở
TP. Hồ Chí Minh”. “Không nên tập trung quá nhiều vào cây lúa vì hiệu quả không
cao, người nông dân trồng lúa sẽ không làm giàu được. Đã đến lúc phải mạnh dạn
tính toán giảm diện tích lúa để dành diện tích đất trồng chuyển đổi sang những cây
trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn” – TS Dương Hoa Xô thẳng thắn.
Tìm
hiểu giống lúa chất lượng cao
Việc thành lập Trung
tâm Công nghệ sinh học An Giang là hướng đi đúng của tỉnh. Ths Lê Minh Tùng,
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật An Giang, đề nghị tỉnh cần quan
tâm việc xác định thị trường tiêu thụ, chọn công nghệ phù hợp với điều kiện tự nhiên,
kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch và định hướng, trình độ nguồn nhân lực của
địa phương trong từng mốc thời gian tương đối cụ thể.
Trong việc nghiên
cứu và lựa chọn một số công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp, Ths Lê Minh
Tùng cho rằng, cần xác định ưu tiên trên các sản phẩm chủ lực của An Giang để
tạo chuyển biến trên diện rộng và nhanh là cây lúa, con cá, con bò, con heo,
cây bắp, đậu nành…; nhất là trên lúa và cá - 2 sản phẩm chủ lực của An Giang.
Dĩ nhiên, cũng cần áp dụng công nghệ cao trên các sản phẩm khác (như hoa kiểng,
nấm ăn, cây dược liệu) nếu có điều kiện. Việc tìm kiếm cơ hội, khả năng hợp tác
quốc tế thông qua các dự án cụ thể để đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông
nghiệp cũng là vấn đề đáng quan tâm.