SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN

[08/01/2014 10:50]

Kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa XIII đã xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 sẽ là 5,8%. Mọi thành phần kinh tế đều đang hy vọng con số tăng trưởng 5,4 % của năm 2013 sẽ là mức đáy của thời kỳ suy giảm. Hàng chục ngàn doanh nghiệp giải thể hoặc rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng đã trở thành nỗi ám ảnh trong vòng 4 năm qua.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng KH&CN đạt hiệu quả cao. Ảnh: HA

Đến nay, khi sóng gió thương trường đã tạm lắng xuống, những doanh nhân dày dạn kinh nghiệm đã bắt đầu nhận ra một bài học kinh nghiệm đắt giá: doanh nghiệp khó có thể phát triển và trụ vững nếu thiếu đi 1 trụ cột là KH&CN. Sự thức tỉnh của tầng lớp doanh nhân được coi là yếu tố đặc biệt có tác động mạnh mẽ đến quá trình hồi phục kinh tế bao gồm cả kinh tế quốc gia và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. 

Trong chương trình Sự kiện và Bình luận của Đài Truyền hình Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã có những chia sẻ về vấn đề đổi mới sáng tạo (ĐMST), đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. CESTC xin giới thiệu loạt bài về vấn đề này. 

Bài 1: 

Thiết lập quan hệ chặt chẽ giữa nhà khoa học - nhà nước - doanh nhân  

- Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa tầng lớp doanh nhân với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà sáng chế hiện nay? Đâu là lý do Bộ KH&CN vừa phát động phong trào đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN vào thời điểm này? 

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tại thời điểm hiện nay, quan hệ giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp, tức là giữa nguồn cung và nguồn cầu công nghệ đã có nhưng còn ở mức sơ khai. Bởi trong quá khứ, chúng ta đã có rất nhiều năm chưa thiết lập được mối quan hệ này. Hai hệ thống nghiên cứu và phát minh sáng chế với hệ thống ứng dụng đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm cho xã hội gần như là hai thế giới riêng biệt. Các doanh nghiệp Việt Nam khi cần công nghệ chưa tìm đến với giới khoa học. Ngược lại, giới khoa học chỉ nghiên cứu những gì mình có thể làm được và mình thích, chưa bám sát nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Vì thế, khi chúng ta hội nhập quốc tế đặc biệt khi trở thành thành viên của WTO, ĐMST đã trở thành một nhu cầu cấp bách. 

Chúng ta đã nhìn thấy trước vấn đề này. Ngay từ năm 1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định 119/1999/NĐ-CP về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH&CN. Sau hơn 10 năm thực hiện, số lượng doanh nghiệp tiếp cận với Nghị định 119 còn rất ít, tuy nhiên, những doanh nghiệp nào đã tiếp cận hầu hết đều có hiệu quả. 

Đến giai đoạn hiện nay, bắt buộc chúng ta phải nghĩ đến việc KH&CN gắn liền và đi cùng doanh nghiệp. Ý tưởng này đã xuất hiện từ khi chúng ta bước sang thế kỷ 21, lúc đó nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong đã đặt vấn đề lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới công nghệ và là thành phần rất quan trọng của thị trường công nghệ, đồng thời đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về phát triển thị trường công nghệ.

2-IMG_0189.jpg

Mối quan hệ giữa nhà khoa học và giới doanh nhân đang dần được cải thiện. Ảnh: HN

Thời gian qua, việc thiết lập mối quan hệ giữa giới doanh nghiệp với giới khoa học đã có được những kết quả bước đầu. Bây giờ là lúc chúng ta cần đẩy ĐMST trên quy mô rộng lớn để tất cả các doanh nghiệp phải hướng đến các nhà khoa học và các nhà khoa học phải hướng đến doanh nghiệp. 

- Thưa Bộ trưởng, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - sự kiện đặc biệt của giới doanh nhân Việt Nam vừa diễn ra gần đây. Qua theo dõi, tôi thấy trong khoảng 5 diễn đàn của 5 năm gần đây, không có đại diện của giới khoa học, của cơ quan quản lý khoa học hay hoạch định chính sách về KH&CN tham gia vào đoàn chủ tịch để điều khiển các diễn đàn này. Diễn đàn cũng chưa bao giờ lấy chủ đề, trọng tâm hoạt động là KH&CN. Bộ trưởng có bình luận gì về việc này? 

Trong nhiều năm qua, chúng ta đi lên từ một nền sản xuất nhỏ nên tâm lý các doanh nghiệp Việt Nam tìm cách để tồn tại là phổ biến chứ hầu như chưa nghĩ đến việc làm sao để trở thành một tập đoàn hay những doanh nghiệp hùng mạnh. Vì vậy khi tổ chức diễn đàn này, các nhà tổ chức cũng hướng đến nhu cầu của doanh nghiệp, làm sao để các doanh nghiệp được đối thoại với các nhà quản lý, mong muốn có chính sách phù hợp và được hỗ trợ tối đa, được tiếp cận với các nguồn vốn mà chưa nghĩ đến việc để phát triển một cách bền vững, phải dựa vào KH&CN. Vì thế, những người chủ trì các tổ chức KH&CN ví dụ như như 2 Viện Hàn lâm khoa học, các đại học lớn hầu như chưa bao giờ được tham gia vào các diễn đàn này. 

Tuy nhiên, theo tôi đã đến lúc phải thay đổi. Mới đây, diễn đàn ĐMST thế giới tổ chức ở Matxcơva có hơn 2.000 doanh nghiệp, các nhà khoa học đã gặp nhau, đặc biệt có rất nhiều nguyên thủ quốc gia đã tham dự, chủ trì diễn đàn này và đã đưa ra thông điệp là ĐMST làm thay đổi thế giới. Việt Nam cũng nên có những diễn đàn mà KH&CN phải là trụ cột để thảo luận, làm thế nào để KH&CN đến được với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Chúng ta đã trở thành thành viên của WTO, nếu không có vai trò của KH&CN, chắc chắn hàng hóa của doanh nghiệp không thể đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, chưa nói đến các nước lớn trên thế giới, và nền sản xuất của chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

- Thực tế, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tại Việt Nam đã tìm đến các nhà khoa học nhưng dường như họ tìm đến các nhà khoa học, nhà công nghệ, nhà sáng chế ở nước ngoài chứ không phải tại Việt Nam. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào? 

Tôi thấy điều đó có ý đúng. Chúng ta đi lên từ nền sản xuất nhỏ rất lạc hậu trong khi thế giới đã tiến rất xa. Người Việt Nam đôi khi có tâm lý ưa hàng ngoại nên bất kỳ mặt hàng hay công nghệ nào của thế giới cũng được coi trọng hơn sản phẩm trong nước. 

Hơn thế, khi tiếp cận các công nghệ mới của nước ngoài, người ta có thể sản xuất ra được những mặt hàng có thể cạnh tranh được ngay. Trong khi nếu sử dụng công nghệ trong nước phải mất một thời gian hoàn thiện công nghệ, tìm kiếm thị trường mới có thể cạnh tranh được. Đây là tâm lý khiến doanh nghiệp Việt Nam hướng tới nhập ngoại nhiều hơn sử dụng công nghệ nội. 

- Chưa có một con số chính thức nhưng có vẻ các doanh nghiệp hoạt động dựa trên nền tảng KH&CN hoặc sống được bằng KH&CN còn khiêm tốn. Nguyên nhân của hiện tượng này là gì, thưa ông?

Điều đó không hoàn toàn đúng. Thực tế từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN, là loại hình doanh nghiệp phát triển dựa trên nền tảng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ. Ở các nước phát triển, loại hình này chủ yếu hình thành tại các trường đại học, viện nghiên cứu, từ các cá nhân làm chủ sáng chế. Các doanh nghiệp KH&CN có giá trị gia tăng cao, năng suất lao động lớn, đồng thời đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. 

Tại Việt Nam, sau khi Nghị định 80 được ban hành có rất nhiều doanh nghiệp bắt đầu hướng tới và tham gia vào hệ thống này. Theo khảo sát của chúng tôi, có khoảng 2.000 doanh nghiệp có thể đáp ứng được các tiêu chí của doanh nghiệp KH&CN. Họ sản xuất kinh doanh hàng hóa trên cơ sở những kết quả nghiên cứu trong nước hoặc nhập khẩu. Nhưng số doanh nghiệp đăng ký để được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN còn ít, chưa tới 3 chữ số. Có thể nói, các doanh nghiệp chưa đủ lòng tin vào những cơ chế chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp KH&CN. 

Thứ hai, các nhà khoa học Việt Nam chưa mạnh dạn bước chân vào thị trường. Họ có kết quả nghiên cứu nhưng còn e ngại trong việc dùng kết quả ấy để thành lập doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh.  

Thứ 3, cơ chế chính sách của nhà nước cũng chưa thực sự hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp. Chúng ta chưa có cơ chế giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để các nhà khoa học có thể chuyển nhượng cho doanh nghiệp, góp vốn vào doanh nghiệp hoặc lấy đó làm vốn để thành lập doanh nghiệp KH&CN. Trong Luật KH&CN sửa đổi mới đây, chúng tôi đã xây dựng các điều khoản để hỗ trợ cho hoạt động này. Nhà nước sẽ giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu, tạo cơ chế để các nhà khoa học tự lập doanh nghiệp, có thể góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản vô hình - tài sản trí tuệ của họ, thậm chí có thể chuyển nhượng cho doanh nghiệp và khi đó, nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học đều được lợi. 

truyenthongkhoahoc.vn (ntctu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ