SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Doanh nghiệp KH&CN – Đòn bẩy cho sản xuất trong nước

[14/01/2014 15:52]

Doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) không chỉ là cầu nối đưa nhanh các nghiên cứu, ứng dụng KHCN chuyển giao vào sản xuất mà còn đóng vai trò như một lực lượng sản xuất chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp cho việc xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội và GDP của đất nước.

Hiện nay, trên cả nước có khoảng trên 2.000 doanh nghiệp (DN)  đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH&CN) trên tổng số hơn 600 nghìn DN của cả nước. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều DN rời khỏi thị trường nhưng những DN KH&CN vẫn tìm thấy đường đi riêng cho mình.

Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ

Để được công nhận là DN KH&CN, các đối tượng thành lập DN KH&CN phải hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả KH&CN được sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin – truyền thông, đặc biệt nhất là công nghệ phần mềm tin học; Công nghệ sinh học, đặc biệt công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thủy sản và y tế; Công nghệ tự động hóa; Công nghệ vật liệu mới, đặc biệt công nghệ nano; Công nghệ bảo vệ môi trường; Công nghệ năng lượng mới; Công nghệ vũ trụ và một số công nghệ khác do Bộ KH&CN quy định. Chuyển giao công nghệ hoặc trực tiếp sản xuất trên cơ sở công nghệ đã ươm tạo và làm chủ nói trên…

Mặc dù nhỏ nhưng các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư vào nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Điển hình như một số doanh nghiệp đã thành lập cả Trung tâm nghiên cứu và phát triển, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng hoạt động R&D. Nhiều doanh nghiệp không ngừng tạo ra các sản phẩm mới đưa ra thị trường. Một số doanh nghiệp đã hướng hợp tác với các viện, trường theo cơ chế đặt hàng nghiên cứu. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn nhận chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực từ phía đối tác chuyển giao để làm chủ công nghệ.

Các doanh nghiệp cũng chú trọng vào xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ quyền sử hữu trí tuệ. Điển hình như công ty Ngân Hà đã có 12 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được cấp trong nước và quốc tế, 8 đơn đăng ký sáng chế đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Công ty CP KHCN An Sanh lại có 8 bằng độc quyền sáng chế được đăng ký trong nước và quốc tế. Công ty TNHH MTV Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 17 bằng độc sáng chế và giải pháp hữu ích. Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình đăng ký bảo hộ quyền 15 giống cây trồng và hơn 30 nhãn hiệu…

Còn hạn chế

Theo ông Mai Văn Nhiều – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Long An, nhiều chính sách của nhà nước dành cho DN KH&CN nhưng có vẻ không dễ dàng gì khi áp dụng. Không ít doanh nghiệp khi tiếp xúc hồ sơ thành lập tỏ thái độ e ngại trước những khó khăn. Cụ thể, doanh nghiệp phải xây dựng dự án sản xuất, kinh doanh. Trong đó, phải chứng minh việc sử dụng hoặc sở hữu hợp pháp các kết quả KH&CN, giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ công nghệ từ các kết quả KH&CN có quyền sử dụng hoặc sở hữu hợp pháp. Có các trở ngại về hưởng ưu đãi thuế, các nguồn chi đầu tư cho KH&CN, đòi hỏi một quy trình thủ tục khó khăn, không đơn giản.

Thiếu thông tin, cơ hội tiếp xúc, nắm bắt công nghệ mới, cơ hội hợp tác với các tổ chức KH&CN nước ngoài, thị trường KH&CN còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển giao tri thức công nghệ, phí cao… là những rào cản các DN KH&CN phải đối mặt.

Vượt sóng ra biển lớn

Anh hùng lao động, TS. Hoàng Đức Thảo – Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Busadco) cho biết, ông cùng với gần 800 cộng sự đã tạo ra được 30 công trình nghiên cứu khoa học và giải pháp hữu ích, sáng tạo được những công nghệ mới ở 3/5 lĩnh vực KH&CN. Trong đó có 23 công trình đã và đang ứng dụng, được Bộ KH&CN cấp 17 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, 16 tiêu chuẩn Việt Nam. Bộ Xây dựng cấp 5 giấy chứng nhận công nghệ phù hợp cho phép áp dụng toàn quốc. Thị trường sản phẩm KH&CN của Busadco không những phủ khắp 48/63 tỉnh thành trong cả nước mà 12 địa phương đã ban hành chủ trương áp dụng công nghệ Busadco trên địa bàn.

Sự phát triển của DN KH&CN thời gian qua dù còn nhỏ lẻ nhưng đã góp phần đưa ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ tốt. Qua đó nâng cao thu nhập người lao động, góp phần phát triển doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, cùng với khó khăn chung của tình hình kinh tế hiện nay, các DN KH&CN lại gặp thêm khó khăn từ cơ chế, chính sách còn chưa hoàn thiện. Tháo gỡ khó khăn chung và khó khăn từ cơ chế đặc thù điều cần làm ngay để các DN KH&CN yên tâm “vượt sóng”.   

Tạp chí TC - ĐL - CL, số 23 + 24 năm 2013
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ