Ươm tạo và phát triển công nghệ cao
Với chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai công nghệ cao, tổ chức các hoạt động hỗ trợ ươm tạo và sản xuất thử nghiệm công nghệ mới... thời gian qua, Trung tâm Phát triển công nghệ cao thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HLKH và CNVN) đã và đang phối hợp các đơn vị nghiên cứu chuyển giao công nghệ vào đời sống sản xuất, kinh doanh.
Cán bộ
khuyến nông hướng dẫn người dân sử dụng các chế phẩm vi sinh trong canh tác chè
tại Tây Nguyên.
Thành lập và đi vào hoạt động mới năm
năm, nhưng nhờ có một nguồn nhân lực chất lượng cao gồm ba GS, PGS, gần 30
người có trình độ sau đại học và một Hội đồng tư vấn Khoa học và Công nghệ (KH
và CN) hơn 20 chuyên gia là các GS và PGS thuộc các viện chuyên ngành nên bước
đầu Trung tâm phát triển công nghệ cao (PTCNC) đã có các hoạt động KH và CN đáng
ghi nhận. Ðề tài "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị và hoàn thiện công
nghệ pha chế dịch lọc máu đậm đặc phục vụ điều trị thận nhân tạo" do hai
thạc sĩ Trịnh Ðình Trung và Nguyễn Thị Thu làm chủ nhiệm, sau hai năm đã hoàn
thiện công nghệ pha chế dịch lọc máu đậm đặc; sản phẩm đạt tiêu chuẩn của ngành
y tế và phục vụ cho công tác điều trị người bệnh suy thận nặng. Theo tác giả
của đề tài, về mặt khoa học đã chế tạo được hệ thiết bị pha dịch điện giải đậm
đặc tự động công suất 100 lít dịch A/ca vận hành và 180 lít dịch B/ca vận hành.
Mặt khác, đề tài cũng đã xây dựng phần mềm điều khiển công nghệ pha chế dịch tự
động, đáp ứng yêu cầu của quy trình công nghệ vận hành chạy thận nhân tạo trong
các bệnh viện. Thực tế sử dụng dịch điện giải đậm đặc được pha chế từ thiết bị
do nhóm tác giả chế tạo đối với mười trường hợp chạy thận nhân tạo đã cho kết
quả đạt được các tiêu chuẩn chất lượng lọc máu tương đương với chất lượng dịch
lọc lâu nay đang sử dụng tại bệnh viện. Ðáng chú ý là sử dụng hệ thiết bị pha
chế dịch tự động này đã góp phần giảm chi phí tài chính cho người bệnh phải
điều trị thận nhân tạo hơn 12,5 triệu đồng/người/năm.
GS, TS Phan Hồng Khôi, nguyên Viện
trưởng Khoa học vật liệu, một trong những chuyên gia lâu năm về vật liệu ống
na-nô các-bon (CNTS) cho biết: Trải qua nhiều lần thử nghiệm, nhóm nghiên cứu
do ông chủ trì đã thiết kế và chế tạo được thiết bị lắng đọng hóa học pha hơi
với các ống lò phản ứng liên hoàn bằng thép không gỉ. Từ các ống lò phản ứng đã
chế tạo được vật liệu ống na-nô các-bon đa tường. Ðây là loại vật liệu có đường
kính trung bình trong khoảng 20 mm đến 100 mm, độ sạch đạt hơn 90%; có nhiều
tính năng đặc biệt như độ cứng rất cao, độ dẫn điện và dẫn nhiệt tốt hơn kim
loại. Cho nên na-nô các-bon đa tường được dùng để gia cường độ cứng, bền và
chống mài mòn của lớp mạ điện Ni, Cr cũng như sử dụng trong việc sản xuất dây
cua-roa cho máy bơm nước, hay gia cường vào kem tản nhiệt cho vi xử lý máy tính
và đèn LED công suất cao. Thành công của đề tài đã giúp nhóm nghiên cứu do GS,
TS Phan Hồng Khôi chủ trì vinh dự nhận giải nhất Giải thưởng VIFOTEC và giải
trí tuệ WIPO năm 2010.
Cũng từ các kết quả nghiên cứu về vật
liệu tiên tiến, Trung tâm PTCNC đã ứng dụng vào việc thực hiện các dự án
"Hỗ trợ sản xuất thử nghiệm các sản phẩm chiếu sáng thương mại bằng đèn
LED hiệu quả cao (loại đèn có công suất 5W, 8W và 16W"; hay "Sản xuất
thử nghiệm các sản phẩm chiếu sáng hiệu quả cao trên cơ sở sử dụng kỹ thuật
hiệu chỉnh hệ số công suất (PFC), công nghệ LED siêu sáng và công nghệ tự động
điều chỉnh công suất sử dụng". Ðồng thời phối hợp các doanh nghiệp như
Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Ðông, Công ty Cổ phần công nghệ Thái Dương...
đưa hàng nghìn bộ đèn tiết kiệm điện năng phục vụ cho hàng chục trường học và
công sở thuộc các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình.
Hơn hai năm tiến hành điều tra, khảo
sát đánh giá tại một số địa phương của Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La... năm 2013, Trung tâm PTCNC đã
lựa chọn bốn trong hàng chục nhiệm vụ ươm tạo để tham gia Chương trình KH và CN
phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc từ năm 2014. Ðó là các đề tài, dự án
"Nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất các chế phẩm có hoạt tính
sinh học từ một số loài thực vật của Tây Bắc, tạo hàng hóa có giá trị kinh tế
cao", "Ứng dụng công nghệ tế bào thực vật trong phát triển một số
loại cây thuốc có giá trị phục vụ bảo tồn và tạo nguồn dược liệu quý tại một số
tỉnh Tây Bắc", "Nghiên cứu ảnh hưởng của hệ thống thủy điện vừa và
nhỏ ở vùng Tây Bắc đến môi trường, đa dạng sinh học và đời sống sản xuất của
đồng bào các dân tộc"...
Với vai trò là cầu nối giữa các nhà
nghiên cứu KH và CN với các doanh nghiệp sản xuất, Trung tâm PTCNC, qua các kết
quả nghiên cứu sẽ sàng lọc và chọn lựa các giá trị KH và CN để ươm tạo, sản
xuất thử nghiệm và đưa vào ứng dụng trong thực tế sản xuất, kinh doanh. Xác
định mục tiêu phát triển từ nay đến năm 2020, theo tiến sĩ Nguyễn Văn Thao,
Giám đốc Trung tâm, thì đơn vị sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính là công nghệ sinh
dược và y sinh; công nghệ vật liệu tiên tiến; công nghệ môi trường và tiết kiệm
năng lượng. Theo đó mười sản phẩm mới thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được ươm
tạo, phát triển và đưa vào phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc
phòng. Trước mắt trong các năm từ 2014 đến 2016, Trung tâm PTCNC dồn sức triển
khai và thực hiện một số đề tài, dự án quy mô như "Phát triển và thúc đẩy
công nghệ LED cho chiếu sáng chung ở Việt Nam", "Nghiên cứu ứng dụng
và phát triển sản xuất các chế phẩm sinh học sử dụng cho ngành nông nghiệp nhằm
bảo vệ, tăng năng suất và chất lượng cây trồng theo hướng phát triển nông
nghiệp xanh", "Nghiên cứu phát triển công nghệ và vật liệu đặc chủng
ứng dụng trong an ninh - quốc phòng". Ðồng thời các cán bộ của trung tâm
đang hoàn thiện và đưa vào nghiệm thu đề tài thuộc Chương trình Tây Nguyên 3 "Nghiên
cứu phát triển và ứng dụng một số chế phẩm có nguồn gốc sinh học trong thâm
canh chè, cà-phê, hồ tiêu theo hướng phát triển bền vững tại Tây Nguyên";
làm các thủ tục cho việc chuyển giao công trình thiết kế, chế tạo thiết bị và
hoàn thiện công nghệ pha chế dịch lọc máu đậm đặc phục vụ điều trị thận nhân
tạo; cũng như chuyển giao công nghệ dây chuyền thiết bị xử lý dầu nhớt phế thải
cho các cơ quan, đơn vị nước bạn Lào có nhu cầu...