Lò sấy Năm Nhã gắn bó cánh đồng lớn
Ưu điểm nổi bật của lò sấy tĩnh, vỉ ngang là có thể sấy gạo sữa (gạo đục) mỗi mẻ từ 80 - 150 tấn mà vẫn đạt chất lượng cao.
Cả doanh
nghiệp và nông dân sử dụng lò sấy Năm Nhã đều hài lòng
Ông Năm Nhã tên thật là Dương Xuân
Quả, sinh năm 1957, quê ở Phú Tân - An Giang, hiện là chủ doanh nghiệp tư nhân
lò sấy cải tiến Năm Nhã tại phường Bình Đức, TP Long Xuyên (An Giang).
Năm Nhã là một người say mê sáng chế
và đã lắp ráp thành công hàng ngàn lò sấy lúa và các loại nông sản khác, giúp
bà con nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm được nhân công và giảm
chi phí giá thành đáng kể.
Xuất phát từ một nông dân nên ông đã
thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và nỗi vất vả của những người làm ra hạt lúa.
Từ đó, ông có ý tưởng phải làm thế nào
để giúp bà con tăng cao lợi nhuận bằng cách giảm giá thành, đồng thời nâng cao
chất lượng hạt gạo để xuất khẩu và phục vụ người tiêu dùng.
Theo ông Năm Nhã, một lò sấy mang tính
kỹ thuật cao cần phải có một hệ thống lò đốt, quạt hoàn chỉnh và băng tải
chuyển lúa từ ghe lên bồn sấy và ngược lại.
Để thực hiện được ước mơ của mình, ông
đã dành nhiều thời gian quý báu để mày mò, nghiên cứu, tự lắp ráp máy bơm nước,
máy quạt và nhiều thiết bị về cơ điện để phục vụ cho SX.
Với tinh thần say mê khoa học và cầu
tiến, ông vừa học vừa làm, tích lũy kinh nghiệm để hoàn thiện hệ thống tự động
các loại máy sấy tĩnh, vỉ ngang cải tiến, gồm loại 10 tấn/mẻ, áp dụng cho hộ cá
thể; loại 20 tấn/mẻ, áp dụng cho thương lái, nhà máy và loại trên 30 tấn/mẻ, áp
dụng cho công ty, doanh nghiệp.
Không những thế, mới đây ông còn chế
ra một loại lò sấy nổi, lưu động để phục vụ bà con khu vực ĐBSCL, nơi có nhiều
sông rạch chằng chịt, xuồng ghe đi lại thuận lợi. Loại lò sấy lúa này có thiết
kế khung sườn bằng gỗ, gọn nhẹ, đặt trên một chiếc chẹt, giúp di chuyển dễ dàng
đến từng hộ gia đình và có thể sấy từ 10 - 15 tấn lúa/mẻ.
Với khí thế tiến công, từ năm 2002 đến
nay, đội ngũ kỹ sư và công nhân DN của ông đã SX gần 2.000 lò sấy cố định lớn
nhỏ phục vụ trong nước, trong đó có 50 lò xuất sang Campuchia và 20 lò sấy nổi
lưu động, đảm bảo độ bền từ 7 - 8 năm.
Không dừng lại ở đó, mới đây ông còn
chế tạo lò sấy loại mini nhỏ nhất ở Việt Nam, có đầy đủ tính năng hoạt động
với công suất 5 kg/mẻ. Ông đang đem mô hình lò sấy này dự thi nhà nông sáng tạo
tại Hà Nội.
Có thể nói đa số khách hàng chọn lò
sấy cải tiến Năm Nhã không chỉ vì giá rẻ, năng suất cao mà còn vì thương hiệu,
chất lượng và uy tín; đặc biệt là giảm chi phí vận hành, góp phần tăng thêm lợi
nhuận hằng năm gần 40% cho các DN so với các lò sấy thông thường có cùng công
suất.
Hầu hết những DN, những nông dân sau
khi sử dụng lò sấy cải tiến Năm Nhã đều đánh giá cao về chất lượng và hiệu quả.
Một trong những DN sử dụng lò sấy của
ông đạt hiệu quả cao là ông Trương Văn Chính ở ấp Mỹ Trung, xã Hậu Mỹ Bắc B,
huyện Cái Bè, Tiền Giang, đầu tư 12 lò sấy do Năm Nhã lắp ráp, trung bình mỗi ngày
sấy 500 tấn lúa, năng suất mỗi năm trên 120.000 tấn, kết quả rất mỹ mãn.
Ông Chính cho biết: “Lò sấy cải tiến
Năm Nhã rất tiện lợi và rất hữu dụng vì tất cả các công đoạn đều được lắp đặt
hệ thống tự động, ổn định chân quạt, tích khí đều, không cần trở mẻ, ít tốn
nhân công, giảm 25% chi phí SX nhờ tiết kiệm được nguyên liệu (điện và chất
đốt); giảm thời gian sấy (chỉ 1 - 2 ngày là xong), đồng thời đảm bảo được
vệ sinh môi trường”.
Ưu điểm nổi bật của lò sấy tĩnh, vỉ
ngang là có thể sấy gạo sữa (gạo đục) mỗi mẻ từ 80 - 150 tấn mà vẫn đạt
chất lượng cao nhờ điều chỉnh được nhiệt độ thấp và kéo dài thời gian sấy từ
60 - 70 giờ, gấp 3 lần loại gạo khác.
Ngoài ra, lò sấy Năm Nhã còn ổn định
được vận tốc gió, điều hòa nhiệt độ theo ý muốn, giúp cho hạt gạo không bị gãy,
khỏi phải sàng lọc lấy tấm.
Chính vì vậy mà các thương lái thu mua
lúa của dân trong CĐL rất thích đến lò của chúng tôi sấy vì xay ra
hạt gạo đạt chất lượng tốt khi bán cho kho giá nhỉnh hơn".
Ngoài ông Chính ra, còn rất nhiều bà
con nông dân và cơ sở chế biến gạo xuất khẩu đã chọn thương hiệu lò sấy không
trở mẻ Năm Nhã để đầu tư.
Họ coi DN tư nhân Năm Nhã là ân nhân,
là người bạn đồng hành trong quá trình SX kinh doanh lúa gạo.
Cụ thể như ông Lê Văn Thiên ở xã Mỹ
Thạnh Bắc B, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Lúc đầu ông chỉ là một thương lái chuyên
thu mua lúa. Sau khi nắm được thông tin về lợi ích của lò sấy Năm Nhã, ông liền
đầu tư trên 1,5 tỷ đồng để lắp ráp 3 máy sấy loại công suất 40 - 50
tấn. Chỉ sau 2 năm hoạt động ông đã thu hồi vốn.
Ông Thiên phấn khởi cho biết, lúc chưa
có máy sấy trở mẻ ông phải thuê trên 25 nhân công, nay chỉ cần 8 lao động. Cũng
nhờ vậy mà thu nhập của người lao động được tăng cao gấp đôi.
Lò sấy Năm Nhã độ bền rất cao, ông đã
sử dụng 4 năm, mỗi tháng cho ra lò trên 1.000 tấn mà vẫn chưa tu sửa. Hướng tới
ông sẽ lắp ráp thêm 5 lò nữa để đáp ứng nhu cầu XK gạo.
Theo ông Thiên, hiện nay đa phần nông
dân làm lúa theo CĐL xuống giống một lượt, thu hoạch cùng một lúc, nên khâu
phơi sấy rất quan trọng quyết định hạt gạo chất lượng hay không chất là khâu
sấy. Mấy năm qua nhờ lò sấy Năm Nhã mà giảm đi áp lực phơi sấy của nông dân và
DN ở Tiền Giang rất lớn.
MINH VŨ
Báo Nông nghiệp Việt Nam (nthieu)