Doanh nghiệp đối mặt với sự bế tắc về công nghệ
Theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2013 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới công bố, sự chuyển dịch cơ cấu của các doanh nghiệp hiện nay đang cho thấy vấn đề bế tắc về công nghệ của các doanh nghiệp khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mãi không lớn được, không đủ sức cạnh tranh và thiếu tính bền vững.
Thông qua phân tích sự
chuyển dịch cơ cấu đầu tư, lao động, báo cáo của VCCI chỉ ra rằng, nếu năm
2009, lĩnh vực đầu tư, lao động có sự dịch chuyển lớn sang các lĩnh vực như
dịch vụ hộ gia đình, thông tin truyền thông, giáo dục đào tạo, dịch vụ chuyên
môn và KH-CN, tài chính ngân hàng, bán lẻ. Năm 2011-2013 đã chứng kiến sự lao
đao của các doanh nghiệp kinh doanh tài chính ngân hàng, bất động sản. Xu hướng
quay trở lại lĩnh vực truyền thống là tất yếu. Có đến gần 3/4 tổng số lao động
tập trung trong 3 lĩnh vực là công nghiệp chế biến, xây dựng và thương nghiệp,
sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy.
Thị trường Việt Nam tuy nhỏ nhưng độ
mở cao, nhiều doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh được với doanh
nghiệp nước ngoài trên thị trường nội địa, do đó số lượng doanh nghiệp tư nhân
trong nước rút lui hoặc không gia nhập thị trường chắc chắn sẽ gia tăng. Như
vậy, thực chất vấn đề ở đây là bế tắc về công nghệ. Các doanh nghiệp không thể
cải thiện được công nghệ để đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm giá thành sản phẩm
để cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Đến cuối năm 2013, câu chuyện tồn kho trong
các lĩnh vực kinh tế lại tiếp tục chứng minh sự bế tắc về công nghệ khiến cho
các doanh nghiệp không thể cải thiện được công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng
đa dạng của thị trường, giảm giá để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Mươi năm trở lại đây, dữ liệu khảo sát
doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có các hoạt
động liên quan đến nghiên cứu phát triển R&D và đổi mới công nghệ ở Việt
Nam là rất thấp. Điều này thể hiện ở tỷ lệ lao động trực tiếp hoạt động nghiên
cứu, phát triển (R&D) trong doanh nghiệp ít và có xu hướng giảm dần (giai
đoạn 2007-2011, tỷ lệ lao động này giảm từ 8,14% xuống còn 2,49% tổng số lao
động). Tỷ lệ chi cho hoạt động R&D của doanh nghiệp những năm qua đã được
tăng lên đáng kể, một phần là do công nghệ của các doanh nghiệp đã quá lạc hậu.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trung bình
trong giai đoạn 2010-2012 của doanh nghiệp Việt Nam đạt 9,7%. Tuy nhiên, trong cơ
cấu chi thì đa số các doanh nghiệp chi cho mua sắm công nghệ mới mà ít chi cho
hoạt động R&D.
Có thể thấy rằng, bên cạnh
nguyên nhân khách quan về năng lực công nghệ của nền kinh tế còn thấp, thì sự
bế tắc công nghệ chủ yếu đến từ tập quán làm ăn của chính các doanh nghiệp.
Không có chiến lược phát triển bền vững, đa phần các doanh nghiệp không tập
trung đầu tư vào R&D, đổi mới công nghệ mà lại tập trung vào cạnh tranh giá
cả. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, phần đông doanh nghiệp nước ta có quy mô
nhỏ, nên khả năng huy động kinh phí nghiên cứu phát triển công nghệ gặp khó.
Trong đó, số doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào sản xuất chiếm tỷ lệ thấp và các
doanh nghiệp thương mại thì ít có nhu cầu đổi mới công nghệ. Ngoài ra, chính
sách thúc đẩy hoạt động KH-CN thời gian qua vẫn theo hướng khuyến khích chứ
chưa bắt buộc và chưa có chế tài đủ mạnh để doanh nghiệp ưu tiên cho phát triển
KH-CN. Một lý do nữa, cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi về thuế, tín dụng,
đất đai liên quan đến KH-CN của doanh nghiệp chưa được thực hiện đồng bộ, thông
suốt nên chưa đáp ứng nhu cầu. Trong khi, cơ chế tài chính trong hoạt động
nghiên cứu phát triển công nghệ cũng còn bất cập.
Thực tế đang đặt ra cho cộng đồng
doanh nghiệp yêu cầu cấp bách là phải đổi mới mô hình tăng trưởng. Nguyên Bộ
trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, quá trình chuyển đổi mô hình
tăng trưởng của doanh nghiệp là chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa trên sự tăng
các yếu tố đầu vào bằng việc tăng vốn và tăng thêm lao động (chất lượng thấp)
vào quá trình sản xuất kinh doanh sang mô hình tăng trưởng nhờ tăng hiệu suất
sử dụng các yếu tố đầu vào bằng việc áp dụng các thành tựu KH-CN, nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực và kỹ năng quản trị hiện đại. Ba yếu tố này tích hợp tác
động làm tăng năng suất lao động và hiệu suất sử dụng vốn. Chuyển đổi mô hình
tăng trưởng diễn ra trong từng doanh nghiệp sẽ dẫn đến sẽ chuyển đổi diễn ra
trong nội bộ ngành và góp phần vào sự chuyển đổi của cả nền kinh tế.
Ông Trương Đình Tuyển lưu
ý, trong quá trình lựa chọn công nghệ khi tăng hàm lượng công nghệ trong vốn,
doanh nghiệp Việt Nam cần tránh lựa chọn công nghệ như công nghệ của các doanh
nghiệp Trung Quốc vì sẽ không thể cạnh tranh được, đồng thời, cần coi việc áp
dụng công nghệ thông tin là một nền tảng của phương thức phát triển mới. Khi
doanh nghiệp thực hiện đổi mới mô hình phát triển dựa vào KH-CN, sức cạnh tranh
của doanh nghiệp tăng lên, doanh nghiệp mở rộng được thị phần, tăng doanh thu
và lợi nhuận, tích lũy thêm vốn để tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, biến
doanh nghiệp từ nhỏ thành lớn. Đây chính là con đường phát triển bền vững của
doanh nghiệp.
Về góc độ nhà quản lý trong quá trình
thúc đẩy tháo gỡ bế tắc công nghệ cho doanh nghiệp, Cục Ứng dụng và phát triển
công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ cho biết, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục
ưu tiên các hành động như đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý và cơ chế tài chính
cho hoạt động khoa học công nghệ, dựa trên các đột phá trong Luật Khoa học và
Công nghệ 2013, tạo hành lang thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân và đặc biệt
là doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH-CN; tập trung nguồn lực thực
hiện các chương trình KH-CN quốc gia, đặc biệt là các chương trình liên quan
đến phát triển năng lực KH-CN trong doanh nghiệp; bổ sung các quy định bắt buộc
doanh nghiệp nhà nước dành tỷ lệ phù hợp từ lợi nhuận trước thuế đầu tư vào Quỹ
phát triển KH-CN và trao quyền tự chủ để doanh nghiệp chủ động sử dụng hiệu
quả, minh bạch nguồn kinh phí này. Cùng với đó là đưa Quỹ đổi mới công nghệ
quốc gia vào vận hành, tạo thêm kênh tài chính hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện R&D.
Tiến trình cải cách nền kinh tế phụ
thuộc vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là làm sao để
tạo được động lực thúc đẩy sự chuyển dịch trong chiến lược kinh doanh của doanh
nghiệp đồng hướng và đồng tốc với chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế. Để làm
được điều này, tự thân doanh nghiệp cần phải vận động, thoát khỏi tập quán cũ,
thói quen cũ và sự bế tắc về KH-CN, mạnh dạn đầu tư cho KH-CN và coi đó là nền
tảng để phát triển bền vững. Các cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng đã và
đang sẵn sàng hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng, đổi mới
công nghệ sản xuất, kinh doanh.