SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Việt Nam sản xuất thành công vaccine Rotavin-M1 phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em

[13/06/2014 10:22]

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong khoảng 2,5 triệu lượt trẻ em bị tiêu chảy hàng năm trên thế giới, có 8% bị tử vong và trong đó 80% trẻ tử vong ở độ tuổi dưới 2 tuổi. Nếu không được phòng bệnh kịp thời, mỗi ngày lại có hàng nghìn trẻ em bị tử vong do tiêu chảy. Việt Nam cũng là một trong nhiều nước đang phát triển chịu tổn thất lớn do bệnh tiêu chảy gây ra.

Cũng theo WHO, trong những bệnh được công bố ở Việt Nam, bệnh tiêu chảy là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Mỗi năm có khoảng 1.100 trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy.

Với một quốc gia còn nghèo như Việt Nam, việc mỗi năm phải dành nguồn ngân sách không nhỏ để nhập khẩu vaccine điều trị bệnh tiêu chảy là gánh nặng không hề nhỏ. Một chương trình nghiên cứu tìm kiếm loại vaccine phòng ngừa bệnh tiêu chảy đã được một nhóm các bác sĩ của Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế đề xuất tiến hành. Sau 16 năm ròng rã, hành trình vượt khó ấy đã gặt hái được thành công. “Cha đẻ” của vaccine Rotavin-M1 này là PGS TS BS Lê Thị Luân – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế.

Đây là bước ngoặt trong ngành vaccine học, lần đầu tiên tại nước ta đã sản xuất thành công vaccine Rota sử dụng hệ thống chủng giống thiết lập trên chủng nội địa với công nghệ cập nhật quốc tế.

Công trình nghiên cứu của PGS TS Lê Thị Luân và các đồng nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích với tên sáng chế: “Quy trình tạo chủng giống gốc virus Rota giảm độc lực để sản xuất vaccine ngừa bệnh tiêu chảy cấp”. Kết quả của đề tài này cũng đã được công bố trên rất nhiều tạp chí của ngành y tế và tạp chí uy tín quốc tế về lĩnh vực y học dự phòng.

Bác sỹ Đào Thị Thu Dung, Phòng Tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế cho biết: Rất nhiều người sính dùng thuốc ngoại không phải là cách tốt nhất. Tôi thấy thuốc của Việt Nam cũng rất tốt và phù hợp với túi tiền của người dân.

Theo bác sĩ Thu Dung, so với vaccine phòng Rota tiêu chảy của các nước trên thế giới, vaccine Rotavin-M1 của Việt Nam sản xuất đưa ra thị trường với giá chỉ từ 250.000 - 300.000 đồng/liều, bằng 1/3 so với giá vaccin nhập ngoại, trong khi hiệu quả được chứng minh là không hề thua kém.

Ước tính việc nghiên cứu và được ứng dụng thành công vaccine Rotavin-M1 đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho Việt Nam mỗi năm.

Việc PGS TS BS Lê Thị Luân và các cộng sự nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine Rotavin-M1 đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ hai ở khu vực châu Á và là nước thứ tư trên thế giới sau Mỹ, Bỉ và Trung Quốc tự sản xuất thành công vaccine phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em với công nghệ cập nhật quốc tế.

Thành công từ đề tài nghiên cứu này không chỉ góp phần giải quyết gánh nặng bệnh tật cho trẻ em Việt Nam mà còn góp phần khẳng định vị trí của khoa học vaccine Việt Nam trên thế giới.

Ngay cả nước có nền khoa học công nghệ phát triển hàng đầu châu Á như: Nhật Bản cũng chưa sản xuất được vaccine Rota phòng tiêu chảy cho trẻ em và Nhật Bản đang muốn liên kết với Việt Nam trong lĩnh vực này./.

Cuối tháng 5/2012, Việt Nam công bố lần đầu tiên tự sản xuất thành công vaccine phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em - vaccine Rotavin-M1.

Tác giả chính là nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế. Sau thành công này, Việt Nam tự hào đưa tên mình vào danh sách rất ít các quốc gia có khả năng tự sản xuất vaccine Rota phòng tiêu chảy cho trẻ em, sánh ngang với những nền khoa học tiên tiến như Mỹ, Bỉ… , hứa hẹn đem lại lợi ích lâu dài cho xã hội và kinh tế./.

MOST (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ