Quản lý công nghệ vật liệu nano trong đời sống
Công nghệ nano được xem là một thành tựu khoa học của nhân loại, với nhiều ứng dụng thuộc các lĩnh vực như điện tử, ô tô, hóa chất, xây dựng, dệt sợi, thực phẩm, mỹ phẩ`m, y học, năng lượng… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn thì cũng tiềm ẩn nguy cơ đối với môi trường.
Đặc điểm
Theo ông Georg Karlaganis, chuyên gia
tư vấn cao cấp, Chương trình quản lý hóa chất và chất thải, Viện Đào tạo và
Nghiên cứu Liên Hợp Quốc (Unitar), nano có nghĩa là nanomét (ký hiệu: nm) bằng
một phần tỷ mét, một đơn vị đo lường để đo kích thước những vật cực nhỏ. Khoa
học nano là ngành khoa học nghiên cứu về các hiện tượng và sự can thiệp vào vật
liệu tại các quy mô nguyên tử, phân tử và đại phân tử. Công nghệ nano là việc
thiết kế, phân tích đặc trưng, chế tạo và ứng dụng các cấu trúc, thiết bị, và
hệ thống bằng việc điều khiển hình dáng và kích thước trên quy mô nano mét
(nm). Vật liệu nano là đối tượng của hai lĩnh vực: khoa học nano và công nghệ
nano, nó liên kết hai lĩnh vực trên với nhau. Kích thước của vật liệu nano trải
một khoảng khá rộng, từ vài nm đến vài trăm nm. Các vật liệu nano thường có
kích thước hai hoặc ba chiều trong khoảng từ 1-100 nanomet và có thể được
tạo thành từ nhiều vật liệu cơ bản khác nhau (cácbon, silic và các kim loại như
vàng, cađimi (Cd) và selen). Các vật liệu nano cũng có các hình dạng khác nhau
như các ống nano, dây nano, các cấu trúc tinh thể như các chấm lượng tử và fullerene.
Các vật liệu nano thường thể hiện các tính chất rất khác biệt so với các vật
liệu rời riêng biệt: độ cứng cao hơn, tính dẫn điện, phát sáng và các tính chất
khác.
Cần có biện pháp quản lý an
toàn nano
Một số chuyên gia cho rằng, công nghệ
nano là một tiến bộ vượt bậc của công nghệ, nó tạo ra những ứng dụng vô cùng kỳ
diệu, tạo ra nhiều cơ hội hơn, nhưng bên cạnh đó cũng có những thách thức đặt
ra như về môi trường, sức khỏe. Ts Nguyễn Anh Tuấn, Cục Kiểm soát ô nhiễm cho
biết, khi những sản phẩm chứa vật liệu nano được phát triển nhiều hơn, thì tiềm
năng phơi nhiễm trong môi trường cũng lớn hơn. Trong quá trình vận chuyển, sử
dụng hoặc xử lý đối với vật liệu nano, nếu để phát thải trong môi trường, các
hạt nano có thể di chuyển với tốc độ cao qua các tầng nước ngầm và đất, đồng
thời vận chuyển các chất ô nhiễm có trong môi trường, hoặc tương tác với các
chất có mặt trong đất để tạo ra các hợp chất độc, làm ảnh hưởng đến các sinh
vật, gây ô nhiễm môi trường.
Cơ bản đồng ý với Ts Tuấn, song PGs
Nguyễn Xuân Phúc - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam lại cho
rằng, không phải tất cả các hạt nano đều có độc tính như vậy, mà nó tùy thuộc
vào kích thước hạt, nồng độ và liều lượng đưa vào cơ thể. Có những hạt nano
xuất hiện trong tự nhiên không gây ra nguy hiểm cho con người, chỉ những vật
liệu nano chế tạo được con người tạo ra một cách có chủ ý mới có thể gây độc
hại cho con người.
Theo các nhà khoa học, hiện nay nhận
thức của các cơ quan quản lý, cơ sở sản xuất và người tiêu dùng về các vật liệu
nano còn hạn chế, thiếu các thông tin về tác động và ảnh hưởng của vật liệu
nano. Do đó, trong thời gian tới chúng ta cần có kế hoạch hành động quốc gia về
an toàn nano và quản lý rủi ro đối với vật liệu nano. Cụ thể, các cơ quan chức
năng cần sớm xây dựng và ban hành những văn bản pháp quy để quản lý các sản
phẩm có chứa vật liệu nano. Song song với đó, là nghiên cứu đánh giá toàn diện
hiện trạng sử dụng và các nguy cơ của vật liệu, sản phẩm nano có tính chất nguy
hại đến môi trường. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống thu thập thông tin về sản xuất
và sử dụng vật liệu nano trong các ngành công nghiệp, đồng thời, cần tham khảo
kinh nghiệm các nước trong việc loại bỏ những rủi ro từ vật liệu nano.