Thí điểm áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt: Lối mở cho khoa học công nghệ
Xây dựng Đề án “Thí điểm áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt để triển khai dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) quy mô lớn phục vụ quốc phòng, an ninh và sản phẩm quốc gia” là nội dung cuộc hội thảo vừa được tổ chức tại Hà Nội nhằm tìm ra những cơ chế, chính sách đặc thù, nội dung và lộ trình thực hiện cơ chế đầu tư đặc biệt đối với những dự án này.
Giàn
khoan 90 m nước do ngành dầu khí chế tạo
Chủ trương tự chủ về KHCN, nhất là đối với những ngành kinh tế quan trọng luôn
nhận được sự quan tâm của lãnh đạo nhà nước. Nhiều dự án KHCN quy mô lớn đã
được triển khai và mang lại hiệu quả to lớn. Đến nay, Bộ KH&CN đã phê duyệt
6 dự án KH&CN phục vụ chế tạo các thiết bị cho ngành xi măng, thủy điện,
nhiệt điện, thiết bị điện, đóng tàu... Những kết quả của các dự án KH&CN đã
có đóng góp tích cực cho các ngành, lĩnh vực trong những năm qua.
Trong số đó có 2 dự án quy mô lớn của
ngành Công Thương được đánh giá rất cao. Tiêu biểu là dự án thiết kế, chế tạo
máy biến áp 500 kV của Công ty CP Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh (EEMC). Thành
công này đã đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên của Đông Nam Á có khả năng chế
tạo các máy biến áp công suất lớn, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của EEMC
và ngành cơ khí điện lực nước nhà. Từ đó tạo áp lực để các nhà thầu nước ngoài phải
giảm giá khi chúng ta nhập các sản phẩm cùng loại, góp phần giảm nhập siêu, chủ
động hơn trong việc cung cấp, sửa chữa khắc phục các sự cố bảo đảm an toàn cho
lưới điện quốc gia. Việc sử dụng máy biến áp 500kV do Việt Nam sản xuất đã tiết
giảm chi phí mua sắm gần 30% so với máy biến áp nhập khẩu cùng loại. Cho đến
nay, Việt Nam đã chủ động sản xuất hầu hết các chủng loại máy biến áp đến 500kV
bảo đảm chất lượng và thay thế nhập khẩu.
Ở lĩnh vực dầu khí, thông qua dự án KH&CN
về giàn khoan tự nâng, lần đầu tiên Việt Nam đã chủ động thiết kế, chế tạo
thành công giàn khoan tự nâng 90m nước, đưa Việt Nam vào danh sách số ít các
nước trên thế giới có khả năng chế tạo giàn khoan dầu khí bởi giàn khoan tự
nâng thuộc nhóm khó chế tạo nhất trong các loại giàn khoan dầu khí. Tạo bước
ngoặt lớn đưa ngành công nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam lên một tầm cao mới, mở
ra cơ hội, tiền đề để mang các loại giàn khoan do Việt Nam chế tạo vươn ra cạnh
tranh trên thị trường khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai,
các dự án gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách hỗ trợ do chưa có những cơ
chế đặc thù như cơ chế thuê chuyên gia, chuyển giao công nghệ, mua bí quyết
công nghệ, huy động nguồn lực, đào tạo… Đặc biệt, do những đặc thù khác biệt về
cơ chế quản lý nên đến nay các dự án KH&CN phục vụ quốc phòng an ninh chưa
triển khai được.
Theo các chuyên gia, cần có tiêu chí
cụ thể đánh giá lựa chọn dự án KH&CN, cơ chế chính sách đặc thù, nội dung
và lộ trình thực hiện cơ chế đầu tư đặc biệt để triển khai dự án KH&CN quy
mô lớn phục vụ quốc phòng, an ninh và sản phẩm quốc gia.
Dự kiến, Đề án “Thí điểm áp dụng cơ
chế đầu tư đặc biệt để triển khai dự án KH&CN quy mô lớn phục vụ quốc phòng
an ninh và sản phẩm quốc gia” sẽ tiếp tục được hoàn thiện và trình Thủ tướng
Chính phủ trong năm 2014.
Theo các
chuyên gia, quá trình thực hiện dự án quy mô lớn đã tạo được sự gắn kết giữa
doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học, huy động được nguồn lực
của các tổ chức tham gia thực hiện dự án, gắn kết quả nghiên cứu khoa học với
sản phẩm được thương mại hóa. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ
quản trong việc xây dựng và quản lý các nhiệm vụ KH&CN. |