Ý nghĩa của xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở Việt Nam
Ngày 21-8 tại Hà Nội, Hội đồng chính sách KH&CN Quốc gia đã phối hợp với Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ - Bộ KH&CN tổ chức hội thảo vấn đề xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở Việt Nam, thu hút sự tham gia của đông đảo đại diện các Bộ, ngành, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Chủ tịch Hội đồng chính sách KH&CN Quốc gia Hoàng Văn Phong chủ trì hội thảo.
Tuy còn mới mẻ với Việt Nam
nhưng vấn đề xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ
đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Để đáp ứng yêu cầu
về cơ bản trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại trong lộ trình phát triển đến
năm 2020, Việt Nam
rất cần học hỏi và áp dụng kinh nghiệm từ các quốc gia đó. Theo đánh giá của
một số chuyên gia tại hội thảo, nếu xây dựng và thực hiện thành công theo một
bản đồ công nghệ phù hợp, Việt Nam sẽ hạn chế được tình trạng đầu tư lãng phí
vào những công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả, nhận dạng được những công nghệ quan
trọng và các công nghệ sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm ưu tiên trong tương lai,
tránh tình trạng trùng lặp trong các hoạt động R&D, cho phép Chính phủ tham
gia tốt hơn vào các hợp đồng nghiên cứu và phát triển với các ngành công nghiệp
và các tổ chức nghiên cứu cụ thể, v.v., theo đánh giá của TS. Đỗ Hữu Hào, ủy
viên Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia.
Trên cơ sở khảo sát kinh
nghiệm thành công của quốc tế, Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ,
Bộ KH&CN, Tạ Việt Dũng đã đưa ra khả năng áp dụng vào Việt Nam như phương
pháp hình thành vấn đề công nghệ liên quan đến sản phẩm, lĩnh vực lựa chọn
(Nhật Bản, Hàn Quóc), đánh giá năng lực năng lực công nghệ, xây dựng nghiên
cứu, xác định khoảng cách công nghệ (Australia), đánh giá độ sẵn sàng công nghệ
(Singapore). Về nội dung đánh giá hoạt động công nghệ, xây dựng bản đồ công
nghệ với gợi ý từ bảng tổng hợp hiện trạng chung của Nhật Bản, quá trình xây
dựng lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ trên ba mức độ quốc gia (Hàn Quốc,
Nhật Bản), ngành, lĩnh vực (Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản), doanh nghiệp (Hàn Quốc,
Singapore).
Theo nhận định của các
chuyên gia, để thiết lập bản đồ công nghệ trước hết cần khảo sát, tập hợp số
liệu, hiện trạng KH&CN Việt Nam trong các lĩnh vực đầu tư, sản xuất. Trên
cơ sở đó so sánh trình độ KH&CN của Việt Nam với các quốc gia khác để xem
xét mối liên kết và khoảng cách trong trình độ của hai bên. Để hoàn thiện bản
đồ công nghệ cần dự báo được khả năng tăng trưởng, tiềm năng phát triển trong
ít nhất 15 năm tới. Bản đồ công nghệ nên được xây dựng theo các cấp độ từ quốc
gia đến cấp bộ, ngành, phân ngành và doanh nghiệp.
Để hình thành bản đồ công
nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở Việt Nam, những giải pháp ban đầu đã
được đề cập tới. Theo đó, Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo cơ
sở triển khai; xác định lĩnh vực, ngành nghề cần ưu tiên; chuẩn bị nguồn lực;
nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; lựa chọn cơ quan đầu mối
quản lý; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kế hoạch xây dựng lộ trình
và đổi mới công nghệ.
Tại hội thảo, đại diện các
Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp cũng đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng vào
vấn đề xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ. Phần
lớn các ý kiến đều đồng tình với chủ trương của BTC hội thảo. đồng thời đánh
giá cao giá trị thiết thực của bản đồ công nghệ đối với chiến lược phát triển
sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp khi cạnh tranh ở cấp quốc gia và quốc
tế. Tuy nhiên vấn đề khiến các đại biểu băn khoăn nhất là tính ứng dụng cao của
bản đồ công nghệ khi đưa vào thực tiễn, bởi chỉ một chi tiết không hợp lý sẽ
dẫn đến sự phát triển lệch hướng không chỉ của một doanh nghiệp mà còn cả một
ngành sản xuất.
Trên cơ sở những ý kiến
đóng góp, Chủ tịch Hội đồng chính sách KH&CN Quốc gia Hoàng Văn Phong cho
biết, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp và coi đây là những gợi ý quý báu để cùng
với Bộ KH&CN tiếp tục hoàn thiện kế hoạch, sẽ tổ chức thêm các hội thảo lấy
ý kiến dóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp để thúc đẩy
vấn đề xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở
Việt Nam.