SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội: Ứng dụng công nghệ cao

[30/08/2014 08:44]

Để nông nghiệp Thủ đô chủ động hội nhập nền kinh tế và thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị… thì một trong những việc làm cấp bách là phải đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, xây dựng được trung tâm nông nghiệp công nghệ cao…

Chìa khóa vàng cho thu nhập

Công ty TNHH Flora Việt Nam (có trụ sở tại huyện Đan Phượng) là một trong những doanh nghiệp đi đầu về ứng dụng khoa học - công nghệ vào trồng hoa ở Hà Nội, đã đầu tư 10.000m2 nhà kính, nhà lưới và máy móc hiện đại, đồng bộ để sản xuất các loại hoa chất lượng cao như: lan hồ điệp, lan vũ nữ, hoa ly, hoa loa kèn… Tại đây, hoa được trồng theo phương pháp cấy mô nên cho bông đều, cành to, màu sắc rực rỡ. Bên cạnh đó, hoa được bảo quản sơ chế trong hệ thống nhà lạnh nên giữ được chất lượng và tươi lâu. Hiện, mỗi năm Flora Việt Nam cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh thành từ Đà Nẵng trở ra hàng triệu cành lan hồ điệp, lan vũ nữ và hàng chục vạn cành hoa ly, loa kèn… mang lại nguồn doanh thu hơn 10 tỷ đồng cho công ty.

HTX hoa và cây cảnh Thụy Hương (Chương Mỹ) cũng là một điển hình trong việc ứng dựng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tại Kỳ họp thứ XIV Khóa XVII, HĐND xã Thuỵ Hương đã chọn năm 2014 là năm trọng tâm thực hiện xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới với mục tiêu đẩy mạnh ứng dựng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nắm lấy cơ hội tốt, HTX đã xây dựng mô hình khuyến nông sản xuất hoa ly chất lượng cao của Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Với diện tích 7ha, trong đó 1.000m2 nhà kính hiện đại sản xuất giống lan hồ điệp cùng các hệ thống thông gió, phun tưới nước tự động, nhiệt độ được điều chỉnh để hoa nở theo ý muốn; 3.000m2 nhà lưới chuyên dụng trồng hoa ly và đồng tiền; diện tích còn lại để trồng các loại hoa loa kèn, cúc, hồng… Ngay vụ hoa đầu tiên, bà con đã thu gần 2 tỷ đồng từ việc bán hoa, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 1 tỷ đồng/lứa. Số tiền này, mỗi xã viên được chia lãi 40% tương ứng vốn đóng góp, một phần lãi trích lại để HTX hoạt động. Có vốn, HTX tiếp tục xây thêm khoảng 7.000m2 nhà kính để trồng các loại hoa giá trị kinh tế cao…

Ngoài 2 đơn vị trên, còn rất nhiều mô hình của các cá nhân như mô hình hoa ly ở Hạ Mỗ; cơ sở trồng hoa công nghệ cao tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng… đã mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho nông dân. Quan trọng hơn, sự thành công của các cơ sở đã chứng minh cho mục tiêu trồng hoa chất lượng cao nhằm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa trên một đơn vị đất canh tác của Hà Nội là hướng đi đúng, nhất là trong bối cảnh diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp như hiện nay. Đây là hướng đi tiềm năng đối với các vùng ngoại thành Hà Nội bởi không chỉ cho thu nhập cao mà các mô hình này còn thân thiện với môi trường…

Nâng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Công nghệ cao là chìa khóa vàng cho phát triển nông nghiệp nhanh và bền vững. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều rào cản khiến việc đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa đạt được kết quả như mong muốn. Những bất cập về đất đai, thuế, tín dụng là những nguyên nhân trực tiếp hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Trước tình hình này, UBND thành phố Hà Nội đã có cuộc làm việc với Sở NN và PTNT về chính sách nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đề cương xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2015- 2020.

Chương trình hướng tới từng bước ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và an toàn. Đồng thời, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 20-35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố vào năm 2020. Cũng vào  năm 2020, sẽ hình thành và phát triển ít nhất 20 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiến tới lấp đầy khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Song song đó, sẽ xây dựng 1-2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho mỗi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đến chế biến nông sản.

Phó chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết, thành phố sẽ có chính sách thu hút, sử dụng nhân lực, nhân tài công nghệ cao, thực hiện áp dụng hình thức đặt hàng, khoán gọn theo khối lượng công việc trên cơ sở chất lượng sản phẩm đầu ra đáp ứng tiêu chí, yêu cầu của thành phố hoặc được thỏa thuận theo lương đối với các chuyên gia, nhà khoa học là người nước ngoài.

Thực tế đã chứng minh việc ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất tiến bộ sẽ tạo bước đột phá về năng suất và xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy vai trò và thế mạnh của nông nghiệp thủ đô. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này, cần có sự vào cuộc, tham gia đồng bộ, tích cực của các sở, ban, ngành thuộc thành phố; đặc biệt phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách của mỗi cấp, ngành nhằm sớm hoàn thiện chương trình, đưa việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vào triển khai rộng rãi trên toàn thành phố.

Đại biểu nhân dân (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ