Tiềm năng của công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam
Muốn hình thành và phát triển những ngành công nghiệp hiện đại, như sản xuất ô tô, xe máy, thì phải thực hiện thành công việc nội địa hóa ngành công nghiệp đó. Muốn vậy, cần phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ.
Công nghiệp hỗ trợ có vai trò to lớn trong việc
phát triển kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa
Tăng sức cạnh tranh của sản
phẩm công nghiệp trong nước
Công nghiệp hỗ trợ được hiểu là những ngành
sản xuất các sản phẩm đầu vào, bao gồm các sản phẩm, hàng hóa trung gian và các
sản phẩm, hàng hóa dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất. Trong thực tiễn kinh
doanh, có hai cách hiểu về công nghiệp hỗ trợ. Ở góc độ hẹp, công nghiệp hỗ trợ
là các ngành sản xuất phụ tùng, linh kiện phục vụ cho công đoạn lắp ráp ra sản
phẩm hoàn chỉnh. Ở góc độ rộng hơn, công nghiệp hỗ trợ được hiểu như toàn bộ
các ngành tạo ra các bộ phận của sản phẩm cũng như tạo ra các máy móc, thiết bị
hay những yếu tố vật chất khác góp phần tạo thành sản phẩm chính.
Như vậy, hiểu một cách chung nhất,
công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất, từ sản xuất nguyên vật liệu
đến gia công chế tạo các sản phẩm, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, bán sản
phẩm... để cung cấp cho ngành công nghiệp lắp ráp các sản phẩm. Trên thực tế,
khái niệm công nghiệp hỗ trợ thường được sử dụng trong các ngành công nghiệp
sản xuất những sản phẩm có sự kết nối của nhiều chi tiết phức tạp, đòi hỏi tính
chính xác cao, dây chuyền sản xuất đồng loạt với các công đoạn lắp ráp tách
biệt.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý
nghĩa vô cùng quan trọng cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của mỗi quốc
gia, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển. Vì ở những quốc gia này,
muốn hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp hiện đại, nhất là những
ngành công nghiệp như: Sản xuất ô tô, xe máy; các sản phẩm điện tử, điện
lạnh,... một cách hiệu quả thì họ phải thực hiện thành công việc nội địa hóa
một cách cơ bản các ngành công nghiệp đó. Muốn vậy, họ phải phát triển mạnh
ngành công nghiệp hỗ trợ để các sản phẩm của nó thay thế dần, tiến tới thay thế
hoàn toàn các sản phẩm nhập khẩu.
Công nghiệp hỗ trợ có vai trò hết sức quan
trọng đối với phát triển ngành công nghiệp nói riêng và đối với phát triển kinh
tế nói chung. Ngoài việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và
đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chiều rộng và chiều sâu,
công nghiệp hỗ trợ còn góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và tạo thêm
nhiều việc làm cho người lao động.
Một ngành công nghiệp hỗ trợ kém phát triển
sẽ khiến cho các ngành công nghiệp chính thiếu đi sức cạnh tranh, làm cho nhiều
công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng khác phải phụ thuộc vào nhập khẩu, làm
giảm hiệu quả của nhiều dự án đầu tư. Nhiều chuyên gia cảnh báo
rằng, trong quá trình mở cửa hoàn toàn thị
trường trong nước, nếu không xây dựng được ngành công nghiệp hỗ trợ
tương ứng, đủ sức cạnh tranh quốc tế và có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư
trực tiếp nước ngoài thì sẽ có những nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng đầu tư
sang các nước khác, có nhiều lợi thế hơn Việt Nam.
Tạo làn sóng lan tỏa công
nghiệp hỗ trợ trong nước
Công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam mới chỉ
ở giai đoạn phát triển sơ khai và còn rất nhiều yếu kém. Việt Nam hiện có khoảng
30 ngành kinh tế - kỹ thuật cần đến công nghiệp hỗ trợ, trong đó có nhiều ngành
sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng hầu hết các ngành công nghiệp lớn ở Việt Nam đều
phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện ở nước ngoài để sản xuất. Chẳng hạn như
ngành dệt may hàng năm xuất khẩu mang về cho nước ta hàng tỷ đô la Mỹ, nhưng
phần lớn số ngoại tệ đó lại được sử dụng để nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện
phục vụ cho sản xuất. Đây chỉ là một trong số nhiều ngành của Việt Nam điển
hình trong việc phụ thuộc vào nguyên phụ liệu và linh kiện từ bên ngoài.
Trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực để phát triển mạnh công
nghiệp hỗ trợ, mục tiêu của các địa phương trong thời gian tới sẽ chú trọng đầu
tư các khu chuyên về công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút các doanh nghiệp FDI, góp
phần nâng tỷ lệ nội địa hóa lên, làm động lực để lan tỏa sang công nghiệp hỗ trợ
trong nước.
Theo ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch Ủy
ban Nhân dân tỉnh Bình Dương: Tỉnh đang ưu tiên các lĩnh vực kêu gọi thu hút đầu
tư vào công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và các dự án ít sử dụng lao động, ảnh
hưởng môi trường. Trong đó, khuyến khích các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ
phục vụ cho nội địa hóa sản phẩm trong nước như dệt may, da giày và nhiều lĩnh
vực có hàm lượng chất xám.
Muốn thu hút được các tập đoàn đa quốc
gia, những dự án lớn bắt buộc phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, từ những dự
án này sẽ kéo theo hàng loạt các vệ tinh hỗ trợ cho nhà đầu tư, tạo ra sự lan
tỏa nhằm phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ trong nước, từ đó quay lại thu
hút đầu tư các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nước ngoài.
Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công
thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Việc thành lập các khu công
nghiệp, cụm công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ là rất quan trọng để phát
triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới, tạo được sự kết nối giữa các
doanh nghiệp trong cùng chuỗi cung ứng".
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương cũng đang
xây dựng Nghị định về Phát triển công nghiệp hỗ trợ trình Chính phủ và dự kiến
Nghị định sẽ ban hành vào cuối quý 4/2014. Điều này sẽ là động lực để các các
địa phương chuyển hướng mạnh mẽ từ phát triển công nghiệp theo chiều rộng sang
phát triển công nghiệp hiện đại với hàm lượng khoa học công nghệ cao.