Triển vọng ứng dụng công nghệ sau thu hoạch nâng cao giá trị nông sản ĐBSCL
Chợ công nghệ và thiết bị (CN&TB) chuyên ngành Công nghệ sau thu hoạch-Techmart Cần Thơ 2014 do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ phối hợp với Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh tổ chức (từ 15 đến 16-10-2014) tại TP Cần Thơ đã giới thiệu đến công chúng nhiều công nghệ mới phục vụ trồng trọt, chăn nuôi và chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, mở ra triển vọng giảm thất thoát sau thu hoạch và giúp nâng cao chất lượng, giá trị cho nhiều loại nông sản của vùng ĐBSCL…
Trong thời gian diễn ra Techmart Cần Thơ 2014, có 5 biên bản
thỏa thuận việc chuyển giao thiết bị và công nghệ được ký kết giữa các đơn vị,
doanh nghiệp.
*
Nhiều công nghệ, thiết bị mới
Techmart
Cần Thơ 2014 được tổ chức nhằm mục tiêu gắn kết KH&CN với sản xuất và đẩy mạnh
ứng dụng những thành tựu KH&CN trong nông nghiệp tại ĐBSCL. Tham gia sự kiện
này gồm có các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm phát triển CN&TB,
trung tâm nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN, doanh nghiệp công nghệ, chế tạo
máy móc thiết bị thuộc lĩnh vực bảo quản, chế biến, đóng gói nông sản sau thu
hoạch và nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản ở TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ.
Ông Nguyễn
Trọng Cường, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, cho biết: "Tại các
trung tâm nghiên cứu, viện trường và các doanh nghiệp trong và ngoài nước hiện
có rất nhiều các CN&TB có tính ứng dụng cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc
biệt là sau thu hoạch. Vì vậy, việc kết nối giữa cung và cầu trong lĩnh vực này
thông qua các chợ CN&TB là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo
cơ hội cho cung cầu gặp nhau. Từ đó, thúc đẩy việc cải tiến, đổi mới công nghệ
trong các doanh nghiệp. Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã
hội giữa TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2014-2020, Sở KH&CN hai địa
phương đã quyết định phối hợp tổ chức Techmart Cần Thơ 2014". Theo ông Cường,
ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp,
là nơi sản xuất, xuất khẩu gạo, thủy sản và trái cây chủ lực của cả nước. Thời
gian qua, các địa phương trong vùng đã khá thành công trong ứng dụng các tiến bộ
khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, làm cho năng suất, chất lượng các sản
phẩm nông nghiệp từng bước cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, mới tập trung cho
khâu sản xuất mà chưa chú trọng nhiều đến công tác sau thu hoạch. Trong khi đây
lại là một trong những khâu quyết định đến chất lượng và giá trị sản phẩm. Do vậy,
việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với giai đoạn sau thu hoạch là
rất cấp thiết nhằm tạo giá trị gia tăng của các sản phẩm nông thủy sản trong
vùng và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở
KH&CN TP Hồ Chí Minh, cũng cho rằng: "Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ
sau thu hoạch là một hướng đi quan trọng nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và
góp phần nâng cao chất lượng, giá trị cho các loại nông sản của nước ta. Qua việc
lựa chọn các đơn vị, doanh nghiệp có các CN& TB mới và tiêu biểu tại TP Hồ
Chí Minh tham gia sự kiện, chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp và người dân tại
vùng ĐBSCL có cơ hội tốt để tiếp cận".
*
Triển vọng chuyển giao, ứng dụng vào thực tế
Theo Ban
tổ chức, triển vọng chuyển giao, ứng dụng vào thực tế của nhiều CN&TB mới tại
Techmart Cần Thơ 2014 là rất lớn. Sau 2 ngày diễn ra sự kiện đã có 5 biên bản
thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ được ký kết, tổng trị giá hơn 4 tỉ
đồng. Ngoài ra, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia sự kiện cũng cho biết, có hơn
120 tổ chức, cá nhân đã tham gia thực hiện giao dịch với các đơn vị cung cấp
CN&TB mới. Đặc biệt, các buổi hội thảo giới thiệu chuyên sâu về các
CN&TB mới đã thu hút sự quan tâm của công chúng và có nhiều tổ chức, cá
nhân đã bày tỏ muốn được chuyển giao CN&TB.
Tại buổi
hội thảo giới thiệu về các công nghệ chế biến trái cây sấy khô, sản xuất mứt, sữa
chua và sử dụng các loại nông sản để làm rượu vang của Bộ môn Công nghệ Thực phẩm,
Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng,Trường Đại học Cần Thơ đã có nhiều đơn vị,
doanh nghiệp tại ĐBSCL mong muốn được chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ
sản xuất rượu vang từ các loại trái cây và nông sản của vùng ĐBSCL. Ông Tống
Xuân Uy, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Bạc Liêu, cho
biết: "Tỉnh Bạc Liêu có nguồn trái cây sơ ri và nhãn rất phong phú và đây
cũng là những sản phẩm trái cây đặc trưng góp phần phục vụ phát triển du lịch tại
địa phương. Tỉnh rất muốn sử dụng nguồn trái cây dồi dào này trong các mùa thu
hoạch rộ để sản xuất ra các sản phẩm rượu, nhất là rượu vang nên chúng tôi đã
bày tỏ mong muốn được Trường Đại học Cần Thơ chuyển giao công nghệ để sản xuất.
Năm 1999 tỉnh Bạc Liêu đã từng thực hiện dự định làm rượu vang từ nhãn và sơ ri
nhưng không thành công do chưa tìm ra được công nghệ phù hợp". Theo ông Trần
Quốc Trọng, Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất rượu Thanh Long ở huyện Châu
Thành, tỉnh Long An, nhận thấy nguồn trái thanh long tại địa phương rất dồi dào
và nhiều lúc vào các mùa thu hoạch rộ, giá bán trái thanh long rất thấp mức
500-1.000 đồng/kg, được sự khuyến khích các ngành chức năng, từ năm 2011 anh đã
bắt đầu nghiên cứu tìm hiểu công nghệ để sản xuất rượu vang từ thanh long. Đến
nay, anh đã thành lập doanh nghiệp và đầu tư các thiết bị để sản xuất rượu và dự
kiến đến tháng 11-2014 sẽ có sản phẩm tung ra thị trường. Anh Trọng, cho biết:
"Qua nắm bắt các thông tin từ Techmart Cần Thơ 2014, tôi đã liên hệ các
chuyên gia Bộ môn Công nghệ Thực phẩm thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng,
Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ chuyển giao thêm các CN& TB để giúp tôi hoàn
thiện quy trình sản xuất của mình. Tôi tin rằng với việc tiếp cận được các công
nghệ mới, sản phẩm rượu vang từ thanh long do doanh nghiệp sản xuất sẽ đạt chất
lượng tốt nhất, không thua gì các loại rượu vang nhập ngoại".
Tham gia
Techmart Cần Thơ 2014, Bộ môn Công nghệ Thực phẩm thuộc Khoa Nông nghiệp và
Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ đã giới thiệu nhiều giải pháp công
nghệ giúp tận dụng nguồn trái cây và nhiều loại nông sản khác như: gạo, khoai
lang, nha đam… để làm các sản phẩm chế biến như: trái cây sấy khô, mứt đông, rượu
vang, sữa chua trái cây. Đồng thời, cho biết sẽ sẵn sàng chuyển giao các công
nghệ này cho các tổ chức và cá nhân có yêu cầu. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn
Minh Thủy, công tác tại Bộ môn công nghệ thực phẩm, ĐBSCL có nguồn trái cây đa
dạng và dồi dào về chủng loại. Tuy nhiên, phần lớn các loại trái cây đều được
thu hoạch rộ theo mùa nên thường xuyên gặp cảnh "ăn không hết, bán không kịp"
khiến giá giảm và lượng trái cây bị tổn thất ở mức cao. Vì vậy, việc tăng cường
sử dụng các giải pháp công nghệ để tận dụng nguồn trái cây tươi có giá rẻ và dồi
dào trong các mùa thu hoạch rộ để chế biến thành các sản phẩm chất lượng cao,
đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu là rất cần thiết. Qua đó, vừa
giúp giảm tổn thất sau thu hoạch, vừa góp phần nâng cao giá trị cho trái cây của
vùng.
Với tiêu chí chọn lọc các đơn vị tiêu biểu, có những
kết quả nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực nông và thủy, hải sản sau thu hoạch,
Techmart Cần Thơ 2014 có sự góp mặt của 30 đơn vị, doanh nghiệp có các
CN&TB sẵn sàng chuyển giao phù hợp nhu cầu đầu tư, đổi mới của các tổ chức,
cá nhân tại các tỉnh, thành phía Nam. Có hơn 120 CN&TB bị tiêu biểu sẵn
sàng cung cấp, chuyển giao được giới thiệu trực tiếp tại các gian hàng và tại
khu vực tư vấn của các chuyên gia và thông qua 3 buổi hội thảo với 8 chuyên đề
giới thiệu sâu về CN& TB. Trong đó, có rất nhiều CN& TB phục vụ chế
biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch. Cụ thể như: các công nghệ mới trong rửa
rau củ quả; dây chuyền giết mổ và chế biến thịt gia súc gia cầm, thủy, hải sản;
dây chuyền sản xuất rau sạch, nước sạch; các công nghệ phục vụ sản xuất và chế
biến các loại lương thực, trái cây và nông sản nói chung thành các sản phẩm
chế biến là bánh kẹo, mứt, trái cây sấy, rượu vang, thạch dừa, nước uống
v.v...; công nghệ chế biến và bảo quản mật ong, sản xuất các sản phẩm chiên
chân không; các loại máy phục vụ chế biến nông thủy sản, đóng gói bao bì sản
phẩm…
|