Công nghệ chế biến thực phẩm gia tăng giá trị cho ngành cá Việt Nam
Vừa qua, tại TP.Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Hiệp hội cá tra Việt Nam tổ chức hội thảo “Công nghệ chế biến thực phẩm gia tăng giá trị cho ngành cá Việt Nam”.
Ngành cá Việt Nam cần thêm công nghệ chế biến để gia tăng giá trị xuất khẩu
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng việc nâng cao giá trị cho ngành cá hiện
nay cần tập trung vào 4 nội dung quan trọng: tổ chức sản xuất ngành cá tra theo
chuỗi giá trị; chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa sản phẩm, giảm tỷ lệ sản phẩm
cá tra phi-lê đông lạnh, chế biến phụ phẩm cá tra ra các sản phẩm thực phẩm và
phi thực phẩm có giá trị cao; đầu tư công nghệ và thiết bị sản xuất hiện đại.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các sản phẩm chế biến từ cá tra xuất khẩu của
các doanh nghiệp còn khá đơn điệu, chủ yếu là sản phẩm dưới dạng phi-lê đông lạnh.
Nguyên nhân là do cơ cấu sản phẩm cá tra xuất khẩu nước ta có đến 90% dưới dạng
cá phi-lê đông lạnh, còn lại 10% là hàng giá trị gia tăng nhưng hình thức chế
biến chưa sâu. Bên cạnh đó, năng lực quản trị của doanh nghiệp về công nghệ chế
biến còn nhiều hạn chế.
Ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam
cho biết: “Hiện nay, đối với các dòng sản phẩm xuất khẩu thô thì thiết bị chế
biến ở nước ta là hiện đại. Tuy nhiên, để gia tăng giá trị sản phẩm cho ngành
cá thì công nghệ chế biến sâu đang là thách thức đòi hỏi chúng ta phải hướng tới,
vì thế cần có những trang bị mới đối với các nhà chế biến để đủ sức cạnh tranh”.
Nhằm gia tăng giá trị cho ngành cá Việt Nam, Hiệp hội cá tra Việt Nam và
Công ty Nienstedt (CHLB Đức) thúc đẩy hợp tác xây dựng dự án SUPA “Thiết lập một
dây chuyền cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam”. Theo đó, Công ty Nienstedt sẽ
cung ứng cho ngành cá Việt Nam dây chuyền thiết bị hiện đại phục vụ chế biến gồm:
thiết bị phục vụ công nghệ cắt xẻ, công nghệ tạo hình, công nghệ tạo cỡ. Ngoài
ra, công nghệ chế biến do Công ty Nienstedt còn hướng đến các thiết bị tự động
tháo vỏ bao các khối cá cấp đông, công cụ hướng tuyến sản phẩm ra băng tải, thiết
bị hoàn chỉnh khối cá. Với những tính năng ưu việt, các thiết bị này có thế hoạt
động công suất lên đến 4,5 tấn sản phẩm/giờ.
Mục tiêu dự án giúp hỗ trợ gia tăng giá trị cho ngành cá bao gồm những
doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) sản xuất, chế biến cá tra cỡ trung bình và lớn,
các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, trại ương giống và các hộ sản xuất nhỏ. Bên
cạnh đó, giúp ngành cá Việt Nam nâng cao hiệu lực chế biến và cho năng suất tối
ưu, sẽ có ít nhất 50% doanh nghiệp chế biến nhỏ và vừa sẽ cung ứng các sản phẩm
bền vững đạt chứng nhận ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) theo chuẩn
châu Âu và các quốc gia khác. Thời gian hiệu lực dự án từ năm 2013-2018, với tổng
kinh phí hơn 2,3 triệu euro (trong đó Khối liên minh châu Âu viện trợ 80% kinh
phí).
Ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam
nhận định: “Chúng tôi muốn tạo cầu nối cho các doanh nghiệp tiếp cận với những
công nghệ từ châu Âu vì những doanh nghiệp này khi sản xuất ra các thiết bị thì
họ đã có bước nghiên cứu hành vi khách hàng tại châu Âu, điều này sẽ giảm bớt
khâu tiếp cận thông tin thị trường cho doanh nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long
(ĐBSCL). Thời điểm này là giai đoạn hợp lý để đầu tư vào chế biến sâu, doanh
nghiệp nào đi trước sẽ giành được cơ hội lớn”.
Ông Jorg Rosenberger - Phó Tổng giám đốc Công ty Nienstedt (CHLB Đức),
chuyên về công nghệ chế biến thực phẩm cho biết, trước khi quyết định đến Việt
Nam, ông và các đồng nghiệp đã nghiên cứu, khảo sát thực trạng ngành thủy sản tại
ĐBSCL cũng như ở Việt Nam. Thời gian qua, ngành cá tra Việt Nam được tiêu thụ
khá tốt ở thị trường châu Âu. Đây cũng là một trong những loại cá có giá bán
cao nhất ở thị trường này. Gần đây, người tiêu dùng châu Âu có sự dịch chuyển
sang tiêu thụ các loại sản phẩm chế biến sẵn, có thể sử dụng được ngay nên đây
là cơ hội khá lớn để ngành cá Việt Nam chuyển mình gia tăng giá trị xuất khẩu.