SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tìm phương thức phù hợp để thương mại hóa công nghệ

[03/11/2014 13:25]

Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học và viện nghiên cứu luôn được đánh giá là chưa hiệu quả và thiếu gắn kết với cộng đồng doanh nghiệp. Đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này và làm thế nào để các nhà khoa học thương mại hóa được kết quả nghiên cứu của mình, là những câu hỏi được đặt ra hội thảo “Phương thức tìm kiếm thông tin KHCN, thương mại hóa công nghệ và tiếp cận các quỹ hỗ trợ phát triển” do Cục Thông tin KHCN Quốc gia tổ chức.

  Nguồn: tnu.edu.vn

Chủ động tìm tới doanh nghiệp

Mỗi năm các trường ĐH đều đóng góp khoảng 20.000 kết quả nghiên cứu khoa học nhưng chưa tới 10% trong số đó có tiềm năng ứng dụng. Không ít đề tài nghiên cứu thực hiện xong lại cất vào ngăn tủ hay nhiều kết quả nghiên cứu khoa học từ các đề tài được nghiệm thu chưa được khai thác sử dụng hiệu quả. Nguyên nhân có thể do cơ chế, do khó khăn về nguồn vốn hoặc do ý chí chủ quan của người thực hiện. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một trong những rào cản lớn nhất của hoạt động chuyển giao công nghệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp là nguồn kinh phí cấp cho các đề tài nghiên cứu ở nước ta còn khiêm tốn, cho dù đã nâng lên trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa tạo động lực để các nhà khoa học cống hiến hết mình.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, nhà trường còn thụ động, hoạt động nghiên cứu chỉ đơn thuần là sáng tạo, chứ chưa xuất phát từ thực tế xã hội và doanh nghiệp. Bởi lẽ, đối với các nhà khoa học, một nghiên cứu có giá trị được đo bằng sự đóng góp của nghiên cứu đó đối với việc mở rộng tầm hiểu biết. Trong khi doanh nghiệp lại có quan điểm cho rằng, giá trị của kết quả nghiên cứu nằm ở chỗ có tạo ra được lợi nhuận hay không. Các nhà khoa học không được chuẩn bị để làm kinh doanh và phần lớn doanh nghiệp cũng không biết về khoa học trừ trường hợp ngoại lệ nếu là doanh nghiệp nghiên cứu. Đó chính là nguyên nhân làm nảy sinh khoảng cách giữa hai bên.

Muốn thương mại hóa được kết quả nghiên cứu của mình, các nhà khoa học phải chủ động đến với doanh nghiệp, cân nhắc nhu cầu của thị trường và tìm kiếm đơn đặt hàng. Thương mại hóa phải hướng tới giải quyết những vấn đề mà doanh nghiệp sẵn sàng chi trả, việc dành khoảng thời gian nhất định để nghiên cứu thị trường và tìm ra câu trả lời là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Một nhà khoa học nước ngoài từng nhận định, nếu không có khách hàng thì dù ý tưởng có hay tới cỡ nào cũng không bao giờ thương mại hóa thành công. Khi đó vai trò của những nhà trung gian bảo đảm cho các bên tìm được tiếng nói chung là điều vô cùng quan trọng.

Ở nước ta, để nhà khoa học và doanh nghiệp đến được với nhau, nhiều tổ chức trung gian đã ra đời. Đó có thể là các sàn giao dịch công nghệ, chợ công nghệ Techmart hay các trung tâm ươm tạo và chuyển giao công nghệ ngay tại trường đại học. Những cầu nối trung gian này không chỉ nắm vững thị trường công nghệ mà còn cung cấp những dịch vụ hỗ trợ cần thiết giúp nuôi dưỡng ý tưởng công nghệ của các nhà khoa học.

Phương thức chuyển giao hiệu quả?

Khi đã có kết quả nghiên cứu đủ tầm với nhiều công nghệ mang tính ứng dụng thì làm thế nào để thương mại hóa nó cũng là câu hỏi được đặt ra. Thực tế cho thấy, có rất nhiều cách để đưa kết quả nghiên cứu của nhà khoa học từ phòng thí nghiệm tới nơi sản xuất, có thể là chuyển giao công nghệ độc lập, mua đứt bán đoạn; chuyển giao quyền sử dụng công nghệ hay thông qua việc thành lập doanh nghiệp.

Đối với hoạt động chuyển giao toàn bộ kết quả nghiên cứu, nhà khoa học sẽ thu được khoản tiền lớn tại thời điểm ký kết hợp đồng mà không phát sinh thêm chi phí hoặc lợi nhuận nào khác trong tương lai cũng như không phải chịu rủi ro khi có công nghệ mới tốt hơn ra đời. Thế nhưng, họ sẽ phải chấp nhận một thực tế là chỉ đóng vai trò rất mờ nhạt trong quá trình thương mại hóa sau này của doanh nghiệp. Trong trường hợp thấy được tiềm năng lớn và khả năng kinh doanh công nghệ mới, nhà khoa học có thể tự thành lập doanh nghiệp để thực hiện toàn bộ các bước nghiên cứu của mình. Song, do quỹ thời gian hạn chế, các nhà khoa học sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thành lập và điều hành một doanh nghiệp mới.

Phó cục trưởng Cục Thông tin KHCN Quốc gia Lê Thị Khánh Vân cho rằng, nhà khoa học nên cân nhắc lựa chọn phương thức chuyển quyền sử dụng công nghệ vì đó là cách tốt nhất bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên. Bởi lẽ, khi một doanh nghiệp đưa sản phẩm công nghệ ra thị trường, nhà khoa học sẽ được hưởng một phần lợi nhuận từ việc kinh doanh theo thỏa thuận, đủ cho hoạt động nghiên cứu tiếp theo. Mặt khác, doanh nghiệp cũng luôn có nhà khoa học đứng bên cạnh để phát triển công nghệ. Điều này nhằm giải quyết một thực tế là nhiều công nghệ chết chỉ sau 6 tháng được chuyển giao. 

Tuy nhiên, quan trọng hơn là các nhà khoa học phải định giá được giá trị của công nghệ. Đã từng có nhà khoa học chào bán công nghệ với giá rất cao mà không tìm được đối tác, trong khi cũng có những công nghệ có giá trị lại được định giá rất khiêm tốn. Theo nhiều chuyên gia, đây là hoạt động phức tạp và tốn kém, bởi công nghệ là tài sản vô hình, chi phí để tạo ra công nghệ chưa chắc đã phản ánh hoàn toàn đúng giá trị công nghệ. Do vậy, cùng với việc đi sâu vào phân tích nhu cầu thị trường, thông tin về công nghệ, nhà khoa học có thể tham vấn ý kiến của các chuyên gia công nghệ và tài chính để đưa ra một mức giá hợp lý cũng như có được phương án thanh toán hiệu quả nhất.

Đại biểu Nhân dân (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ