SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Công nghệ 4G – thúc đẩy phát triển nền công nghiệp điện tử Việt Nam

[05/11/2014 10:46]

Ngày 31/10/2014 tại Hà Nội, Ban chủ nhiệm Chương trình KC.01/11-15 – Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức phiên họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước đề tài Nghiên cứu chế tạo thiết bị đầu cuối Modem đa năng công nghệ 4G mang mã số KC.01.10/11-15.

Toàn cảnh phiên họp Hội đồng

Theo ThS Nguyễn Văn Đào- Chủ nhiệm đề tài, đề tài Nghiên cứu chế tạo thiết bị đầu cuối Modem đa năng công nghệ 4G được thực hiện sẽ thúc đẩy phát triển nền công nghiệp điện tử Việt Nam; nâng cao chất lượng dịch vụ và an ninh trên mạng di động; tiếp cận công nghệ chip của nước ngoài để sản xuất thiết bị đầu cuối tại Việt Nam,… thông qua việc nghiên cứu kiến trúc mạng 4G LTE (Long Term Evolution) vừa tạo ra sản phẩm công nghệ cao có khả năng ứng dụng thực tế vừa đào tạo được đội ngũ có trình độ chuyên môn cao về mạng 4G và thiết bị đầu cuối mạng 4G.

Nội dung nghiên cứu chính của đề tài bao gồm: nghiên cứu về mạng di động 4G LTE Advanced và vai trò của thiết bị đầu cuối Modem đa năng trên mạng di động 4G LTE; thiết kế, chế tạo Modem 4G; thiết kế phát triển các phần mềm công cụ mô phỏng dùng để kiểm tra chức năng hệ thống Modem 4G; thử nghiệm hộ thống Modem 4G và đánh giá kết quả việc thử nghiệm.

LTE là công nghệ có khả năng cung cấp cho người dùng tốc độ truy cập dữ liệu nhanh, cho phép các telco có thể phát triển thêm nhiều dịch vụ truy cập sóng vô tuyến mới dựa trên nền tảng IP tối ưu, đặc biệt thuận tiện cho việc nâng cấp mạng từ 3G lên 4G. Mục tiêu mà 3GPP đặt ra cho LTE gồm: Tốc độ truyền dữ liệu cao, độ trễ thấp và công nghệ truy cập sóng vô tuyến gói dữ liệu tối ưu.

Cấu trúc của mạng LTE bao gồm các thực thể MME (Mobility Management Entity), SGW (Serving Gateway), PGW (Packet Gateway), trong đó lõi của mạng LTE là EPC (Evolved Packet Core).

Hiện nay, công nghệ Viễn thông di động liên tục thay đổi, do vậy, công nghệ 4G và LTE đang là công nghệ hứa hẹn tiềm năng và có khả năng thương mại sớm. Đồng thời, vấn đề chất lượng dịch vụ và an ninh mạng di động là một những vấn đề cần đo kiểm, phân tích lỗi và chỉ ra biện pháp khắc phục nếu xảy ra sự cố.

Cũng theo ThS Nguyễn Văn Đào, đề tài Nghiên cứu chế tạo thiết bị đầu cuối Modem đa năng công nghệ 4G được thực hiện sẽ góp phần giải quyết các vấn đề nêu trên thông qua việc nghiên cứu về kiến trúc mạng LTE để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao có khả năng áp dụng vào thực tế.

Ngoài ra, đề tài được thực hiện sẽ góp phần giải quyết các vấn đề trên thông qua việc tiếp cận nghiên cứu về tổng quan 4G LTE vừa tạo ra sản phẩm công nghệ cao có khả năng ứng dụng thực tế cũng như đào tạo được đội ngũ có trình độ chuyên môn về mạng 4G và thiết bị đầu cuối mạng 4G.

Sản phẩm chính của đề tài là nghiên cứu các loại thiết bị đầu cuối (UE) công nghệ 4G LTE nhằm nghiên cứu chế tạo một loại đầu cuối đa năng Modem công nghệ 4G. Tuy nhiên, để phát triển thiết bị đầu cuối này, trong quá trình thực hiện cần có các phần tử mạng LTE như: eNodeB, MME và HSS để phối hợp thử nghiệm.

Trong khuôn khổ của đề tài, nhóm chủ trì đề tài mong muốn đưa ra những vấn đề cơ bản về kiến trúc, nghiên lý và cải tiến LTE – Advanced với hệ thống mạng 3G hiện tại và LTE. Đây có thể coi là bước phát triển đối với hệ thống thông tin di động trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong tương lai.

Thông qua phiên họp, Hội đồng nghiệm thu đều thống nhất sản phẩm của đề tài nên đưa vào sản xuất thực nghiệm sau khi có kết quả thử nghiệm thực tế.

MOST (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ