Từ ý tưởng nhen nhóm trong đầu, ông Cao Văn Tám đã dành nhiều thời gian mày mò, suy nghĩ tận dụng giàn máy xới tay chế thành máy vét bùn.
Ông Cao Văn Tám bên chiếc máy vét bùn chuẩn bị giao cho khách
Đó là ông
Cao Văn Tám ở ấp Đông Hiển, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Trước
đây, để làm đồng chuẩn bị gieo sạ ông rất vất vả, nhất là khâu vét bùn rãnh
nước giữa ruộng. Khi vào vụ 2 vợ chồng ông hì hục vét bùn cả tuần mới xong.
Từ ý tưởng
nhen nhóm trong đầu, ông đã dành nhiều thời gian mày mò, suy nghĩ tận dụng giàn
máy xới tay chế thành máy vét bùn.
Sau một
thời gian phác thảo bản vẽ, ông đã nảy sinh sáng kiến là loại bỏ toàn bộ hệ
thống giàn xới phía sau hộp số, đồng thời ghép bộ phận giàn khoan ra phía trước
đầu động cơ, mới có thể vét bùn một cách dễ dàng.
Thế là ông
bắt tay vào việc lắp ráp, chế tạo. Lúc đầu ông tự mua vật liệu về thuê thợ hàn
các chi tiết. Tuy niềm say mê cháy bỏng nhưng trình độ chỉ lớp hai trường làng,
không thạo về cơ khí, vốn liếng lại eo hẹp nên ông đã tìm đủ mọi cách để xoay
xở.
Nhiều lúc
vất vả tưởng như không vượt qua nổi nhưng ông vẫn kiên trì lắp ráp, thử nghiệm,
cứ thế làm đi làm lại trên 10 lần chiếc máy mới vận hành theo ý muốn.
Để đạt
được kết quả đó, ông phải mất thời gian gần 2 năm và trải qua 4 lần chạy thử
máy, lần thứ 5 mới đạt yêu cầu 30% rồi dần dần nâng cấp, hoàn thiện lên 50%,
100%. Đến giữa năm 2009, ông bắt đầu cho máy chạy thử trên đồng ruộng thành
công trước sự thán phục của nhiều người.
Với tính
năng đặc biệt phục vụ công việc đồng áng, chiếc máy vét bùn của ông Tám đã đoạt
giải Ba hội thi Sáng tạo kỹ thuật năm 2011 do Liên đoàn Lao động TP Cần Thơ tổ
chức.
“Mặc dù
sức khỏe yếu nhưng tôi đã đem hết tâm huyết để làm máy vét bùn. Lúc đầu tôi làm
lén lút không cho ai biết, kể cả bạn bè và thợ hàn tôi cũng giấu kín, sợ người
ta chê “khùng”. Khi thử nghiệm thành công, ai nhìn thấy cũng trầm trồ khen ngợi
khiến tôi hãnh diện và vô cùng hạnh phúc”, ông Tám xúc động.
Thành phần
chủ yếu của chiếc máy vét bùn gồm hộp số, động cơ, quan trọng nhất là giàn
khoan hút bùn với 2 hai vòi phun bùn hai bên dài 1,3 m.
Ưu điểm
của chiếc máy này là không quá cồng kềnh, dễ điều khiển lại tiết kiệm được
nhiên liệu, có thể hoạt động trên mọi địa hình, chi phí rẻ.
Tùy theo
loại đất, máy có thể hoạt động với công suất từ 150 m/giờ; 300 m/giờ và 450
m/giờ, cao gấp 10 lần so với lao động thủ công.
Từ khi có
máy vét bùn, nhiều người mua máy để chạy gia công với giá 1.000 đ/m (đi tới),
thu nhập bình quân mỗi năm trên 50 triệu đồng.
Hiện nay,
ông Tám đã trang bị được máy hàn, máy cưa, máy mài để tự làm giàn khoan tại
nhà, không cần phải mướn thợ như trước đây. Kể từ khi chiếc máy đầu tiên ra đời
đến nay ông đã bán được 42 chiếc cho hầu hết các tỉnh ở ĐBSCL với giá dao động
từ 25 - 30 triệu đồng/chiếc, thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng.
Từ thành
quả đó, ông không dừng lại mà mày mò tiếp tục nghiên cứu và chế tạo thành công
chiếc máy gấp lúa bao, thay thế cho lao động khuân vác, bán với giá từ 20 - 25
triệu đồng/chiếc.
Ông chia
sẻ: "Cái khó nhất trong quá trình chế tạo máy là làm sao để đồng bộ được
mũi khoan và tốc độ đi của máy. Nếu máy chạy nhanh mà mũi khoan hoạt động chậm
thì sẽ không vét sạch bùn và ngược lại. Cuối cùng tôi cũng tìm ra nguyên lý phù
hợp nhất để máy hoạt động hiệu quả".
Chiếc máy
hút bùn của ông Cao Văn Tám đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà khoa
học và khách tham quan. Ngoài ra ông còn vinh dự nhận được nhiều Bằng khen của
TP Cần Thơ.