Nơi ươm tạo những “hạt giống” doanh nghiệp
Được sự hỗ trợ từ dự án “Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Chính phủ Canada tài trợ, mô hình “Vườn ươm doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng” chính thức ra mắt và đi vào hoạt động vào trung tuần tháng 4-2015, trong sự kỳ vọng của cả doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng.
Cùng với giải thưởng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm
2014, chiếc máy làm đất đa năng giúp DNTN Năm Kháng trở thành 1 trong 3 doanh
nghiệp đầu tiên được chọn ươm tạo tại vườn ươm doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng
Sóc Trăng và một số địa phương lân cận, cái tên Năm Kháng (Võ
Văn Kháng, Giám đốc DNTN Năm Kháng) vốn không còn xa lạ với nông dân. Bởi ông
chính là người đầu tiên sáng chế ra chiếc máy vô chân mía vào năm 2013 và gần
đây là máy làm đất đa năng: “8 trong 1”. Ông Năm Kháng cho biết: “Máy có tới 8
tính năng, gồm: xới ruộng, xới rẫy, đánh hộc mía, vô chân mía, luống giồng rẫy,
lên giồng khoai lang, đánh giồng trồng bắp và đốn mía. Bởi vậy, vừa tham gia dự
thi tôi đã đạt ngay giải thưởng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm
2014”.
Đến nay, ông Năm Kháng đã chế tạo thành công được 6 loại máy,
giúp giảm 20% - 30% thời gian lao động thủ công, tăng năng suất, giảm chi phí
sản xuất từ 30% - 40%, nhưng giá bán lại rất phù hợp với khả năng đầu tư của
nông dân. Hiện, loại máy giá thấp nhất chỉ có 13 triệu đồng, còn cao nhất cũng
chỉ tới 150 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với các loại máy nhập khẩu. Tuy
nhiên, điều ông Năm Kháng trăn trở nhất hiện nay là làm sao tiếp tục hạ giá
thành máy thêm nữa và đưa được máy đến với nhiều nông dân hơn. Ông chia sẻ:
“Mình làm ra máy cho nông dân xài, mà bản thân mình trong quá trình sản xuất
lại sử dụng thủ công nhiều quá. Rồi khi máy làm xong không biết quảng bá, tiếp
thị ra sao để nông dân biết và chấp nhận mua về thực hiện”. Cũng giống như
trường hợp của ông Năm Kháng, sản phẩm mắm cá rô không xương Biển ở thị xã Ngã
Năm và nước cốt bần Ngọc Hồng ở huyện Cù Lao Dung dù luôn được đánh giá cao,
nhưng sản xuất chủ yếu vẫn là thủ công quy mô hộ gia đình, nên chưa có cơ hội
để vươn xa.
Trên là 3 doanh nghiệp mới thành lập với những ý tưởng độc đáo
về sản phẩm được chọn ươm tạo tại vườn ươm trong đợt đầu tiên. Ngay sau khi
biết được thông tin trên, cả 3 doanh nghiệp rất hồ hởi và đặt nhiều kỳ vọng ở
tương lai. Ông Năm Kháng cho biết: “Điểm yếu nhất của doanh nghiệp chính là
kiến thức về quản trị, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường, nâng cao tính
cạnh tranh cho sản phẩm... Vì vậy, khi được chọn ươm tạo tại vườn ươm, tôi rất
mừng vì tới đây, doanh nghiệp sẽ được tiếp cận những vấn đề hạn chế trên cả về
lý thuyết lẫn kinh nghiệm thực tế từ các thành viên hội đồng cố vấn vườn ươm”.
Còn chủ Cơ sở sản xuất nước cốt bần Ngọc Hồng - Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Khi
tham gia vườn ươm, điều tôi hy vọng nhất không phải ở sự hỗ trợ về mặt vật
chất, mà cái chính là được trang bị các kỹ năng về phương thức quản trị, cách
tiếp cận vốn và kết nối tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường... “.
Với vai trò Chủ tịch Hội đồng cố vấn vườn ươm, ông Hồ Quốc Lực -
Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao
Ta, cho rằng: Với kiến thức và kinh nghiệm của 7 thành viên hội đồng, cùng sự
hỗ trợ của Ban quản lý Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng,
hy vọng, vườn ươm sẽ ươm tạo thành công các doanh nghiệp trong đợt đầu tiên với
nhiều ý tưởng độc đáo, hiệu quả làm nền tảng cho các doanh nghiệp mới khởi sự.
“Các thành viên hội đồng cố vấn đều là những người có kiến thức và kinh nghiệm
về marketing, đào tạo nguồn nhân lực… thuộc các ngành nghề và phần lớn đều đi
lên từ doanh nghiệp nhỏ, nên sẽ rất thuận lợi trong việc tiếp cận, hỗ trợ các
doanh nghiệp tham gia vườn ươm” – ông Hồ Quốc Lực chia sẻ.
Tỉnh Sóc Trăng hiện có khoảng 2.200 doanh nghiệp và trong số
này, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 96%. Vì vậy, sự ra đời của vườn ươm có ý
nghĩa rất quan trọng không chỉ trong việc phát triển số lượng doanh nghiệp, mà
còn là nơi nuôi dưỡng các doanh nghiệp mới khởi sự và hỗ trợ tốt cho các doanh
nghiệp chuẩn bị thành lập. Ngoài kiến thức, kinh nghiệm của các thành viên hội
đồng cố vấn, những thỏa thuận được Ban quản lý dự án phát triển doanh nghiệp
nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng ký kết với Trường Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh, Đại
học Cần thơ… sẽ giúp nâng cao khả năng đào tạo, tư vấn và hỗ trợ cho các doanh
nghiệp. Ông Mai Phước Hưng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng, cho
biết: “Khi tham gia vườn ươm, các doanh nghiệp không chỉ được tiếp cận các kiến
thức, ý tưởng mới, mà còn có khả năng thực hiện những ý tưởng đó thành những
sản phẩm có giá trị và tính cạnh tranh cao trên thị trường”.
Vườn ươm doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ ra mắt vào trung
tuần tháng 4-2015. Sau Lễ ra mắt, Ban lãnh đạo vườn ươm sẽ có chương trình khảo
sát, lấy ý kiến doanh nghiệp để làm cơ sở xây dựng chương trình, nội dung, kế
hoạch tập huấn, đào tạo cho doanh nghiệp, cũng như tham mưu cho lãnh đạo tỉnh
về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Việc thành lập vườn ươm
doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng là một trong những hoạt động thiết thực, góp phần
xây dựng, đào tạo đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu hội
nhập cả nước và quốc tế. Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng
Trần Thành Nghiệp cam kết: Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để vườn ươm hoạt động có
hiệu quả nhất và đảm bảo duy trì hoạt động của vườn ươm sau khi kết thúc dự án.