SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đổi mới công nghệ: Đừng chỉ trông chờ ngân sách

[01/09/2015 08:25]

Việc đầu tư, đổi mới máy móc, công nghệ sản xuất của các DN cần phải có sự chung tay từ nhiều phía, thay vì chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước như thời gian qua.

DN cần đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ trước việc Việt Nam sắp ký kết Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA).

Công nghệ, thiết bị sản xuất của DN VN đang lạc hậu

Theo ông Quân, công nghệ sản xuất, máy móc thiết bị của các DN ở VN hiện nay đang rất lạc hậu. Tính trung bình, so với thế giới, chúng ta đang đi chậm khoảng hơn 30 năm. Điều này đã làm năng suất, chất lượng của sản phẩm giảm đi đáng kể, trong khi giá thành sản xuất lại tăng cao.

Để giải quyết vấn đề này, Thông tư 20 về hạn chế nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng vừa được Chính phủ và Bộ Khoa học & Công nghệ ban hành. Đây được coi là một bước đi đúng đắn nhằm ngăn chặn tình trạng nhập khẩu tràn lan các thiết bị quá cũ nát. Tránh biến nước ta thành bãi rác thải nguy hại, rác thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn xã hội và tiêu tốn nhiều năng lượng.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích DN đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới công nghệ sản xuất nhằm tăng cường sức cạnh tranh so với hàng hóa nước ngoài. Trong đó, nổi bật nhất là việc thành lập Qũy Đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ Phát triển KHCN.

Với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ cũng như Bộ KHCN trong việc hỗ trợ các DN đổi mới quy trình công nghệ, đổi mới việc tổ chức sản xuất, kinh doanh và hoạt động marketing. Từ đó, mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng, DN nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, xã hội nước nhà.

Theo ông Đỗ Văn Lộc, Giám đốc Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, đối tượng mà Quỹ nhắm tới chính là các DN, tổ chức, cá nhân có dự án, đề tài, hoạt động phục vụ cho đổi mới công nghệ. Cùng với đó là hỗ trợ các DN vừa và nhỏ tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới dựa trên công nghệ cao, công nghệ tiên tiến...

Nếu Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia nhận sự hỗ trợ từ Nhà nước, thì Quỹ Phát triển KHCN lại sử dụng nguồn vốn nội tại của DN để tự đổi mới chính mình.

Theo đó, hàng năm, DN Nhà nước phải trích từ 3 – 10% thu nhập trước thuế để lập Quỹ phát triển KHCN. Đối với các DN ngoài Nhà nước tỷ lệ này không quá 10%.

Với nguồn quỹ này, các DN có thể sử dụng cho việc đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hóa sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của DN mà không quá phụ thuộc vào sự giúp đỡ từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Doanh nghiệp cần đóng vai trò chủ đạo

Được biết, trong năm 2015, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia sẽ tiến hành giải ngân 300 tỷ trong tổng số 1.000 tỷ đồng được cấp. “Nhu cầu của DN rất nhiều. Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 300 hồ sơ nộp về Bộ để xin được hỗ trợ. Trước mắt, Quỹ sẽ giải quyết cho khoảng 20 DN. Đây đều là những DN có tiềm năng lớn, có khả năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Đối với các DN chưa được hỗ trợ trong năm nay, chỉ cần xây dựng được đề án hay, có tính khả thi cao thì chắc chắn sẽ được hỗ trợ tối đa trong thời gian tới”, ông Quân cho biết.

Bên cạnh việc hỗ trợ từ Nhà nước, ông Quân cho rằng, để quá trình đổi mới công nghệ được thay đổi một cách toàn diện, cần thiết phải có sự chung tay từ nhiều phía. Trong đó, DN có thể đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động này.

“Bằng việc trích lập Quỹ Phát triển KHCN, các DN có thể tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động nghiên cứu của mình. Đối với các DN không sử dụng hết hoặc chưa có nhu cầu sử dụng nguồn kinh phí này, có thể đóng góp cho Quỹ Phát triển KHCN của Nhà nước hoặc các địa phương. Đây cũng giống như một hình thức gửi tiết kiệm tại ngân hàng, khi nào cần sẽ có thể rút ra sử dụng và thậm chí còn có thể sinh lời”.

Kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển cho thấy, ngân sách dành cho KHCN do tư nhân đóng góp thường cao gấp từ 3 – 5 lần so với ngân sách từ Nhà nước. Đặc biệt, tại Hàn Quốc, con số này đã cao gấp 10 lần từ nhiều năm nay.

Trong khi đó, ở Việt Nam, năm vừa qua, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã trích khoảng 4.000 tỷ đồng (tương ứng với 10% lợi nhuận trước thuế) để dành cho hoạt động NCKH. Tương tự là Tập đoàn Dầu khí quốc gia với hơn 2.000 tỷ đồng. “Những con số này còn lớn hơn toàn bộ kinh phí dành cho KHCN cấp quốc gia được giao trong năm 2015. Nếu các DN đều làm được như vậy, chắc hẳn chúng ta sẽ có một nguồn ngân sách dồi dào dành cho hoạt động KHCN, thay vì chỉ trong chờ vào ngân sách Nhà nước như thời gian qua”, ông Quân đánh giá.

www.khampha.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ