Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề cập trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
KH&CN đóng góp
tích cực cho sự phát triển đất nước (Ảnh: Mai Hà)
Đóng góp tích cực cho
phát triển KT-XH trên tất cả lĩnh vực
Trong thời gian qua, khoa học, công nghệ đã có đóng góp
tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Khoa học xã
hội và nhân văn góp phần quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc
hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước;
khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia
và toàn vẹn lãnh thổ, bảo tồn các giá trị và bản sắc văn hoá Việt Nam.
Khoa học tự nhiên tiếp tục phát triển các ngành khoa học
cơ bản, cũng như những lĩnh vực khoa học và công nghệ liên ngành, khoa học mới,
góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh
tế. Một số ngành khoa học, công nghệ mũi nhọn đã có đóng góp tích cực cho công
tác quản lý, điều hành của Nhà nước, cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường
quốc phòng, an ninh của đất nước. Hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ có
chuyển biến; tiềm lực khoa học, công nghệ được nâng lên. Quản lý nhà nước về
khoa học, công nghệ có đổi mới. Hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ có bước
tiến bộ. Thị trường khoa học, công nghệ đã hình thành và bước đầu phát huy tác
dụng.
Tuy nhiên, khoa học, công nghệ chưa thực sự gắn kết và trở
thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Việc huy động nguồn lực của xã hội
cho khoa học, công nghệ chưa được chú trọng. Không hoàn thành mục tiêu xây dựng
các trung tâm khoa học lớn đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có tác động thúc
đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư cho khoa học, công nghệ còn thấp, hiệu
quả sử dụng chưa cao. Cơ chế quản lý khoa học, công nghệ chậm đổi mới. Thị trường
khoa học và công nghệ phát triển chậm. Công tác quy hoạch, phát triển khoa học,
công nghệ chưa gắn kết chặt chẽ với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm
quốc phòng, an ninh. Hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ còn thiếu định hướng
chiến lược, hiệu quả thấp.
Phương hướng, nhiệm vụ
Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học
và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát
triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất
lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm
quốc phòng, an ninh. Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ
phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt
trình độ tiên tiến thế giới.
Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là một nội
dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các
ngành, các cấp. Các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội đều
phải xây dựng trên những cơ sở khoa học vững chắc, xác định rõ các giải pháp
công nghệ hiện đại phù hợp nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động,
công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ; phương
thức đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách cán bộ, cơ chế tự chủ của các tổ chức
khoa học và công nghệ phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa. Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học và
công nghệ. Xây dựng chiến lược phát triển công nghệ của đất nước, chiến lược
thu hút công nghệ từ bên ngoài và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI
đang hoạt động trên đất nước ta.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức,
hoạt động khoa học và công nghệ, nhất là cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và
cơ chế tài chính.
Có cơ chế thúc đẩy đổi mới công nghệ theo hướng ứng dụng
công nghệ mới, công nghệ hiện đại. Huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội và các nguồn
vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ.
Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công
nghệ; xây dựng một số trung tâm nghiên cứu hiện đại. Phát triển, nâng cao năng
lực hệ thống các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, phát triển thị trường
khoa học và công nghệ.
Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức
khoa học và công nghệ công lập. Tăng cường liên kết giữa tổ chức khoa học và
công nghệ với doanh nghiệp.
Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng
dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các
chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp. Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất
để cán bộ khoa học và công nghệ phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng
đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình. Thực hành dân chủ, tôn trọng và
phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện
của các nhà khoa học.
Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy và đội ngũ cán bộ quản
lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ,
chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm,
hàng hoá theo hướng hỗ trợ hiệu quả cho việc vận hành thị trường khoa học và
công nghệ.
Phát huy và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc
gia. Tập trung đầu tư phát triển một số viện khoa học và công nghệ, trường đại
học cấp quốc gia và một số khu công nghệ cao, vùng kinh tế trọng điểm theo mô
hình tiên tiến của thế giới.
www.truyenthongkhoahoc.vn(lntrang)