Thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tại trường đại học: lấy doanh nghiệp và thị trường KH&CN làm nền tảng
Quan điểm lấy doanh nghiệp và thị trường KH&CN làm nền tảng đã được chứng minh thành công không chỉ trên thế giới mà ngay tại trường Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh. Vấn đề cốt lõi để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chính ở chỗ cần thay đổi tư duy, từ đó thay đổi mô hình cho phù hợp với thực tế.
Mô hình chuyển giao công
nghệ đã lạc hậu
Mặc dù xác định rõ vai trò của KH&CN trong việc phát
triển kinh tế- xã hội nhưng có một thực tế cho đến giai đoạn này, vai trò của
KH&CN chưa thực sự đóng góp xứng tầm của mình trong lộ trình phát triển của
quốc gia- TS Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng, trợ lý Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết.
Theo báo cáo hoạt động KH&CN, giai đoạn 2011- 2013 và định hướng phát triển
đến năm 2020 của sở KH&CN TP Hồ Chí Minh, bình quân mức đóng góp của nghiên
cứu khoa học và phát triển công nghệ vào tăng trưởng GDP của thành phố chỉ đạt
0,2%. Đây là một con số rất đáng khiêm tốn cho một địa phương được xem là trung
tâm kinh tế và KH&CN lớn nhất cả nước. Thông tin được đưa ra tại Hội thảo
khoa học “Quản lý và phổ biến, ứng dụng nghiên cứu KH&CN khu vực phía Nam”
tổ chức đầu tháng 9 vừa qua tại Đà Lạt.
Bên cạnh đó, cần nhìn nhận rằng, hầu hết các báo cáo tổng
kết hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tạo các trường đại học,
Viện nghiên cứu thì kết quả chuyển giao công nghệ thông thường được gộp chung với
kết quả thực hiện các dịch vụ KH&CN, chính vì vậy, thực sự công tác về hoạt
động chuyển giao công nghệ từ các kết quả nghiên cứu khoa học tại các trường đại
học chưa được đánh giá một cách chính xác so với tình hình hiện nay.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, TS Huỳnh
Quyền, Ban KH&CN, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, mấu chốt căn bản
của vấn đề chính từ quan điểm và mô hình phát triển khoa học và chuyển giao
công nghệ tại các trường Đại học, Viện nghiên cứu.
Hiện nay, mô hình này tồn tại hai dạng, thứ nhất đó là
trường đại học chỉ còn tập trung vào nghiên cứu cơ bản, đóng góp trí thức xã hội,
còn vai trò phát triển công nghệ lại được doanh nghiệp đảm nhận. Điều này hoàn
toàn chưa phù hợp và đang đi ngược với xu thế cũng như kinh nghiệm phát triển của
các nước trên thế giới. “Và có lẽ, chính sự phân công chưa hợp lý này đưa đến mức
độ chậm phát triển KH&CN tại Việt Nam”- TS Quyền nhận định.
Một thực trạng khác cũng có thể là một yếu tố đưa đến sự
phân công chưa hợp lý này là quan hệ giữa doanh nghiệp và và trường đại học. Thực
trạng cho thấy, mối quan hệ này đang ở mức rất thấp, việc trao đổi thông tin giữa
hai bên còn hạn chế, vài trò của bộ phận R&D của trường đại học cũng như của
doanh nghiệp chưa phát huy được nhiệm vụ của mình. Trong khi, chính bộ phận này
là cầu nối cho việc quyết định mục tiêu, định hướng ưu tiên cũng như việc quyết
định phân bổ kinh phí cho phát triển bền vững của doanh nghiệp dựa vào
KH&CN.
Thực tế hiện nay cho thấy, mối quan hệ doanh nghiệp và
trường đại học được thiết lập dựa trên mối quan hệ hữu cơ và dựa bào nhu cầu của
hai phía. Bản chất mối quan hệ này quan hệ CẦN- CÓ- là cơ sở thiết lập quan hệ
bền vững và cũng chính là nền tảng cho sự phát triển KH&CN quốc gia.
Lấy doanh nghiệp và thị
trường KH&CN làm nền tảng
Đứng trên phương diện trường đai học, TS Quyền cho rằng,
một trong những hạn chế cơ bản cho việc kết nối với doanh nghiệp qua hoạt động
chuyển giao công nghệ là mô hình áp dụng trong nghiên cứu và chuyển giao công
nghệ. Hầu hết các trường đại học hiện nay đều đang theo mô hình cổ điển. Nghĩa
là: Ý tưởng nghiên cứu và thực hiện ý tưởng nghiên cứu bắt đầu từ một nhà khoa
học của trường, sau đó được công bố đến bộ phận chuyển giao công nghệ của trường
đó. Bộ phận này sẽ xem xét khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu, khả năng
hình thành phát minh hay giải pháp hữu ích. Nếu kết quả nghiên cứu này đáp ứng
được các điều kiện trên thì sẽ được công bố trên thị trường công nghệ để doanh
nghiệp tiếp cận. Doanh nghiệp nhận thấy công nghệ có khả năng thương mại hóa,
thì sẽ tiến hành quá trình trao đổi, về bản quyền, giá trị sản phẩm giữa nhà trường
để đi đến việc doanh nghiệp nhận được giấy phép sử dụng bản quyền.
|
Cùng
sáng tạo, cùng đầu tư, cùng thực hiện và cùng chia sẻ lợi nhuận, rủi ro trong
hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là quan điểm trong phát
triển nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh.
(Sản phẩm của công ty cổ phần công nghệ Saigontrack được phát triển từ những
nghiên cứu tại ĐHQG TP HCM) |
Tuy nhiên, mô hình này đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế.
Đó là: quá chú trọng vào bằng sáng chế; chưa phù hợp với đặc trưng văn hóa của
trường đại học, vai trò của người nghiên cứu, giảng viên chưa được đề cao.
Chính điểm này sẽ hạn chế, cản trở ý tưởng sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của
họ. Bên cạnh đó, mô hình này chưa đề cập đến nguồn kinh phí dành cho ý tưởng sảng
tạo, những ưu đãi cho nhà nghiên cứu, quyền lợi của đơn vị cung cấp kinh phí thực
hiện các ý tưởng chưa rõ ràng…
Nhận thức rõ những hạn chế này, Đại học Quốc gia TP Hồ
Chí Minh đã tiên phong trong việc thay đổi quan điểm về hoạt động chuyển giao
công nghệ với doanh nghiệp. Theo đó, đơn vị này đã từng bước cải thiện thiết lập
quan hệ với doanh nghiệp để xác lập lại vai trò của trường đại học trong phát
triển KH&CN. Quan điểm mới của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh khi hợp tác
với doanh nghiệp bao gồm: Cùng sáng tạo, cùng đầu tư, cùng thực hiện và cùng
chia sẻ lợi nhuận, rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao
công nghệ.
Cùng với quan điểm đổi mới trong việc thiết lập quan hệ với
doanh nghiệp, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh từng bước xây dựng và đưa vào ứng
dụng mô hình chuyển giao công nghệ hiện đại. Điểm nổi bật trong mô hình này là
sự kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề KH&CN
theo yêu cầu thực tiễn và nền tảng cho sự kết nối bền vững này là hoạt động Sở
hữu trí tuệ. Trong mô hình này, việc chủ động hình thành các doanh nghiệp
KH&CN cũng được đề cập. Đây có thể nói là điểm mới mẻ và hiện đại của
một mô hình chuyển giao công nghệ tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nói riêng
và đại học Việt Nam nói chung.
Những kết quả từ việc thay đổi nhận thức đến hành động của
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được thể hiện rõ qua số doanh thu tăng hằng năm
của hoạt động chuyển giao công nghệ. Cụ thể từ côn số 46 tỷ đồng năm 2001 đến
năm 2013, con số này đã là 200 tỷ đồng.
Không những vậy, hoạt động chuyển giao công nghệ còn ghi
nhận từ sự chuyển biến qua các liên kết với địa phương thông qua nhiều dự án
quan trọng như: Chương trình phát triển công nghệ vi mạch, Chương trình giảm ùn
tắc giao thông; Chương trình chống ngập đô thị…
Những kết quả của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã chứng
minh quan điểm: Doanh nghiệp không thể thiếu trong việc đưa các kết quả nghiên
cứu KH&CN vào thực tiễn. Quan điểm lấy doanh nghiệp và thị trường KH&CN
làm nền tảng sẽ thúc đẩy vai trò của KH&CN trong sự phát triển kinh tế bền
vững của quốc gia.
www.truyenthongkhoahoc.vn(lntrang)