Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo
Trong 5 năm qua, tổng sản phẩm nội địa của TP.HCM tăng trưởng bình quân 9,6%/năm, trong đó sự đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) bình quân đạt 33,1%, tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Một thành tố căn bản đóng góp vào chỉ số TFP chính là sự tác động của khoa học và công nghệ, mà theo một nghiên cứu của Trung tâm năng suất Việt Nam đánh giá là đóng góp 74% vào sự tăng trưởng của chỉ số TFP. Điều đó cho thấy sự lãnh đạo đúng hướng của Đảng bộ thành phố khi quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ theo tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW khóa 11 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế...
Theo báo cáo đánh giá về chỉ số cạnh tranh toàn cầu GCI
2015 - 2016 của Tổ chức diễn đàn kinh tế thế giới (đánh giá dựa trên 124 chỉ số
thành phần), Việt Nam đang đứng thứ 56 trong 140 nước xếp hạng (tăng 12 bậc) và
đứng thứ 6 trong khu vực. Cũng theo báo cáo đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo
toàn cầu (GII) của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Đại học Cornell (Hoa
Kỳ) và Học viện kinh doanh INSEAD (Pháp) (đánh giá dựa trên 79 chỉ số thành phần),
Việt Nam đứng thứ 52 trong 141 nước xếp hạng (tăng 19 bậc), và đứng thứ 3 trong
ASEAN (sau Singapore và Malaysia, tăng 4 bậc so với 2010). Kết quả trên cho thấy
môi trường vĩ mô, đầu tư, kinh doanh, năng lực nghiên cứu phát triển, ứng dụng
khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, trong đó có sự đóng góp
nhất định của Thành phố Hồ Chí Minh, đã có nhiều tiến bộ, góp phần tạo nên những
thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thành phố trong thời gian
qua.
Từ những kết quả nêu trên cho thấy, để thực hiện mục tiêu
nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh với chỉ tiêu phấn đấu tốc
độ tăng trưởng GRDP là 8 - 8,5%/năm, tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố
năng suất (TFP) trên 35%/năm, và xây dựng thành phố sớm trở thành một trong những
trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học và công nghệ của khu
vực Đông Nam Á như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đề ra, thành
phố cần tiếp tục quán triệt tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW: “Phát triển và ứng dụng
khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan
trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần
được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các
cấp”. Thực tiễn cũng đã chỉ ra động lực của quá trình này chính là doanh nghiệp.
Chính vì vậy, trong bối cảnh đất nước đang tìm kiếm động lực mới cho sự đổi mới
và phát triển, cùng với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi vào chiều sâu,
cũng như trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, TP.HCM cần xác định
việc hoàn thiện thể chế, xây dựng môi trường thuận lợi nhất để thúc đẩy sự phát
triển doanh nghiệp trên nền tảng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo là một
trong những nhiệm vụ hàng đầu trong giai đoạn sắp tới để thực hiện chiến lược
phát triển bền vững và hội nhập của thành phố, thực hiện vị trí đầu tàu, đóng
góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của vùng và đất nước.
Tuy có cải thiện về vị trí xếp hạng năm 2015 về chỉ số
năng lực cạnh tranh và chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, nhưng bảng các chỉ số thành
phần đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong môi trường đầu tư kinh doanh, trong
hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, như thủ tục hành chánh, thực
thi pháp luật, tiếp cận hỗ trợ tài chính, năng lực nghiên cứu phát triển, trình
độ công nghệ, sự liên kết giữa cơ quan nghiên cứu phát triển và doanh nghiệp,
giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, mô hình sản xuất, kinh doanh, năng suất và
sự đa dạng của sản phẩm... Đó là những rào cản hạn chế sự phát triển của doanh
nghiệp mà thành phố cần có những bước đi đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp.
Từ phân tích bảng các chỉ số thành phần đánh giá Việt Nam
của các tổ chức thế giới nói trên, để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp gắn
với ứng dụng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, Đảng bộ thành phố cần
quan tâm lãnh đạo:
1. Cải cách thể chế địa
phương
Đào tạo, nâng cao chất lượng quản trị nguồn nhân lực đổi
mới sáng tạo cho hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu phát
triển, các đơn vị quản lý và vận hành vườn ươm, các hiệp hội của doanh nghiệp...
Thiết kế môi trường pháp lý thuận lợi nhất phục vụ doanh nghiệp với 3 tiêu chí
đơn giản, tốc độ và ứng dụng công nghệ thông tin, trong cấp phép thành lập
doanh nghiệp, đầu tư, tiếp cận các nguồn lực, kể cả nguồn lực thông tin, công bố
chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ, thủ tục thuế...; đồng thời đi đôi với việc
nâng cao năng lực thực thi pháp luật. Thực hiện triệt để cơ chế đấu thầu các
nhiệm vụ của Nhà nước hàng năm mà xã hội có thể thực hiện được, Nhà nước chỉ
nên tập trung đặt đề bài, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện. Xây dựng cơ chế
tạo điều kiện ưu tiên để các doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án đầu tư
công, phát triển đa dạng các hình thức hợp tác công tư (PPP) giữa doanh nghiệp
và Nhà nước trong các lĩnh vực đầu tư công.
2. Hoạt động hỗ trợ tài
chính
Xây dựng và thúc đẩy Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
của thành phố hoạt động có hiệu quả, ưu tiên đầu tư cho hoạt động nghiên cứu ứng
dụng và phát triển công nghệ, hướng đến thương mại hóa sản phẩm khoa học và
công nghệ; ưu tiên đầu tư cho các sản phẩm hướng đến ứng dụng cho một nhóm
doanh nghiệp hoặc một chuỗi doanh nghiệp trong dây chuyền cung ứng. Kiện toàn tổ
chức hoạt động, chính sách hỗ trợ của các quỹ của thành phố, cũng như có chính
sách khuyến khích các định chế tài chính khác cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực
ưu tiên vay vốn để đầu tư đổi mới, chuyển giao công nghệ, tham gia thực hiện
các dự án đầu tư công... Xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm của thành phố, cùng với
xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm
theo hình thức hợp tác công tư (PPP), khuyến khích các định chế tài chính, các
doanh nghiệp, xã hội tham gia hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm ngoài Nhà nước
tập trung hỗ trợ cho giai đoạn hoạt động nghiên cứu phát triển gắn với ươm tạo
thương mại hóa sản phẩm, công nghệ cuối cùng, cũng như các hoạt động khởi nghiệp
của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Nghiên cứu mạnh dạn tháo gỡ những quy định cứng nhắc, tạo
hành lang thông thoáng phù hợp với hoạt động thực tiễn trong việc sử dụng quỹ
phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
3. Hoạt động hỗ trợ
doanh nghiệp
Nhanh chóng hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp của thành
phố làm cơ sở thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, ươm tạo sản phẩm và doanh
nghiệp khoa học và công nghệ cùng với kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước vào
doanh nghiệp. Đầu tư xây dựng vườn ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ
cùng với các chính sách hỗ trợ ươm tạo của Nhà nước với phương châm đầu tư mạo
hiểm. Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đầu tư ươm tạo sản phẩm và doanh
nghiệp khoa học và công nghệ. Xây dựng chính sách khuyến khích hình thành các
vườn ươm tạo doanh nghiệp của xã hội.
Đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển của một số
tổ chức khoa học và công nghệ trọng yếu của thành phố thông qua việc tiếp tục đầu
tư cơ sở vật chất, phòng lab, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu thông tin... cùng với
việc xây dựng cơ chế chia sẻ nguồn lực dùng chung, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động
nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu phát triển, thí điểm
hình thành các mô hình hợp tác nghiên cứu phát triển mạnh, thông qua đó thành
phố tham gia vào mạng lưới nghiên cứu và phát triển toàn cầu, nâng cao năng lực
nghiên cứu, khả năng hấp thụ công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực trong nước, thu
hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ là người Việt ở nước ngoài và cả người
nước ngoài.
Nâng cao hiệu quả chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhất
là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực hiện ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới
sáng tạo thông qua các hoạt động cung cấp thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, tư
vấn chuyên nghiệp, có mục tiêu rõ ràng, giúp các doanh nghiệp mở rộng tầm nhìn,
nắm bắt thị trường, nâng cao năng lực quản trị, nâng cao năng suất chất lượng,
đa dạng và đổi mới sản phẩm, đổi mới mô hình sản xuất và kinh doanh, hình
thành, tham gia và liên kết vào chuỗi cung ứng.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hình thành các
mô hình liên kết hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu phát triển và nhóm doanh
nghiệp, thúc đẩy hoạt động đào tạo, nghiên cứu phát triển gắn với sản xuất kinh
doanh, và hình thành chuỗi cung ứng trong sản xuất.
Hoàn thiện và phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa các
mô hình hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ, tăng cường công tác thông
tin, khảo sát thị trường, các hoạt động xúc tiến, kết nối cung cầu thúc đẩy thị
trường công nghệ phát triển. Sớm kiện toàn, thúc đẩy sàn giao dịch công nghệ của
thành phố phát triển mạnh mẽ.
4. Hướng đến nền kinh tế
sáng tạo
Hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nghiên cứu phát
triển, hợp tác cởi mở, xây dựng các thiết chế, chính sách tích cực tạo điều kiện
kết nối khắng khít từ giai đoạn ý tưởng, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, hoàn
thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh, liên kết hình thành và tham gia chuỗi cung ứng,
sẽ thúc đẩy hình thành lớp doanh nghiệp mới, thay đổi về chất, phát triển dựa
trên tinh thần đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ. Điều
đó không chỉ góp phần nâng cao chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), tăng
trưởng kinh tế của thành phố trong nhiệm kỳ tới mà còn sẽ đặt nền móng để thành
phố hướng đến xây dựng nền kinh tế sáng tạo, là động lực phát triển nhanh và bền
vững của thành phố trong giai đoạn xa hơn.
(Lược
ghi từ tham luận của TS. Nguyễn Việt Dũng, ủy viên BCH Đảng bộ TP.HCM khóa X,
giám đốc Sở khoa học và công nghệ TP.HCM tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần
thứ X)
www.khoahocphothong.com.vn(lntrang)