Hiệu quả thu hút vốn đầu tư mạo hiểm cho đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp tại Việt Nam
Ở Việt Nam, nhu cầu vốn để phát triển khoa học công nghệ ngày càng cấp thiết, đặc biệt nguồn vốn cho hoạt động đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp hiện còn hạn chế. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các tổ chức tài chính như ngân hàng... thì vốn đầu tư mạo hiểm là một chìa khóa để giải quyết việc phát triển đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp.
Vừa qua, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập khoa học và
công nghệ quốc tế (VISTIP)- Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo khoa học
“Hiệu quả thu hút vốn đầu tư mạo hiểm cho đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp
tại Việt Nam”.
Tham
gia Hội thảo có các nhà khoa học, quản lý đến từ các đơn vị thuộc Bộ Khoa học
và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Sở Khoa học và Công nghệ một số tỉnh/thành
(Hải Phòng, Hải Dương, Hồ Chí Minh, Cần Thơ…) cùng nhiều đại diện doanh nghiệp
như Quỹ khởi nghiệp Việt Nam, TOPICA, FPT… Bà Bùi Thị Huy Hợp- Phó Giám đốc
VISTIP và TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, Phó Trưởng Ban Tuyên truyền
lý luận - Báo Nhân Dân đồng chủ trì hội thảo.
Các
tham luận và ý kiến trình bày tại Hội thảo đã tập trung làm rõ các khái niệm và
kinh nghiệm quốc tế về quỹ đầu tư mạo hiểm; chia sẻ thông tin, trao đổi kinh
nghiệm trong các yêu cầu, cách tiếp cận, thu hút, khai thác và sử dụng nguồn vốn
đầu tư mạo hiểm cho đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp Việt Nam.
Trình
bày về định hướng ưu tiên tài trợ từ Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và
công nghệ Việt Nam (VSF), Giám đốc Phạm Duy Hiếu đã nhấn mạnh tiêu chí ưu tiên
cho những dự án có ý tưởng và khát vọng cống hiến, góp phần phát triển kinh tế
phục vụ cộng đồng…
Chuyên
gia công nghệ thông tin trẻ Phạm Hùng, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành của
Công ty Tech-startup công nghệ - Tech Elite Inc., một trong 9 nhóm startup được
đầu tư bởi quỹ Vietnam Silicon Valley theo đề án của Bộ Khoa học và Công nghệ,
cũng là một trong số ít công ty công nghệ ở Việt Nam thành công trong việc gọi
vốn đầu tư mạo hiểm Series A (nhà đầu tư góp vốn khi công ty bắt đầu bán hàng
và tài trợ hoạt động sản xuất) cho rằng“Gọi vốn được không đồng nghĩa với thành
công, mà chỉ là một mục tiêu mà bạn phải vượt qua”.
Chia
sẻ quan điểm này, các doanh nghiệp thành công trong thu hút vốn đầu tư mạo hiểm
(CốcCốc, Vietcreative…) khẳng định cần quản lý vốn thu hút được một cách chặt
chẽ theo nguyên tắc mà nhà đầu tư xác lập, cũng như bảo đảm uy tín, giữ được
lòng tin với người tài trợ.
Chuyên
gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định, nhu cầu vốn để phát triển khoa học
công nghệ ngày càng lớn, trong khi nguồn vốn ở các doanh nghiệp và ngân sách
nhà nước, các tổ chức tín dụng còn hạn chế, thì vốn đầu tư mạo hiểm là một nguồn
vốn bổ sung quý giá cho doanh nghiệp KHCN. Nhà nước và các cơ quan chức năng cần
tạo mọi điều kiện thuận lợi để nguồn vốn này ngày càng tăng nhanh trong thời
gian tới, góp phần đắc lực hỗ trợ các doanh nghiệp và các nhà sáng chế trong nước
có thêm cơ hội hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, cải thiện năng lực KHCN của
doanh nghiệp và đất nước.