Việt Nam thiếu năng lực tiếp nhận và tích tụ công nghệ mới
Theo GS. Sin-Doo Lee, điểm yếu trong nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam là còn thiếu năng lực tiếp nhận và tích tụ công nghệ mới mà đây chính là vai trò của các viện nghiên cứu nhà nước.
Đây là một trong những nội
dung được đề cập tại Hội thảo Chiến lược và Chính sách phát triển nguồn lực
KH&CN – Kinh nghiệm từ Hàn Quốc và bài học gợi suy cho Việt Nam” được Bộ
KH&CN tổ chức sáng nay (3/11) tại Hà Nội.
Cần
đẩy mạnh vai trò của các viện nghiên cứu và các trường đại học
Theo GS. Sin-Doo Lee, Chủ
tịch Ủy ban Đánh giá Chính sách Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin, Truyền thông
và Kế hoạch Tương lai (MSIP) Hàn Quốc, người đã có kinh nghiệm 20 năm trong
lĩnh vực đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực KH&CN tại Hàn Quốc,
điểm yếu trong nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam là Việt Nam
còn thiếu năng lực tiếp nhận và tích tụ công nghệ mới. Ông Sin-Doo Lee đánh
giá, điểm yếu này nằm trong vai trò của các viện nghiên cứu nhà nước.
“Công nghệ dựa trên nhu cầu
của lĩnh vực tư nhân chứ không phải phát triển đại trà. Về giáo dục, Việt Nam
cần đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao hơn nên việc cải cách các trường
đại học đóng vai trò quan trọng nhất. Việt Nam hiện có rất nhiều trường đại học
nên cần phải có hệ thống đánh giá rất chặt chẽ và hỗ trợ cho trường nào đạt
được thứ hạng cao”, ông Sin-Doo Lee nói.
Ở Việt Nam, theo GS. Sin-Doo
Lee, về chính sách cần bắt kịp thế giới để khuyến khích phát triển nguồn nhân
công, kỹ sư chất lượng cao. Nguồn vốn cần huy động từ cả chính phủ và tư nhân,
nguồn tài nguyên thiên nhiên cần sử dụng tổng thể trên quy mô quốc gia, nguồn
nhân lực cần đa dạng và có chất lượng cao trên tất cả các lĩnh vực và cần có
chương trình giáo dục đại học bắt buộc.
Những nguyên nhân chính
khiến Hàn Quốc đạt được thành tựu trong những năm qua là bởi những năm 1960,
nguồn chính là nhân công giá rẻ chỉ dành cho ngành công nghiệp nhẹ. Đến những
năm 1970, Hàn Quốc tập trung vào ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hóa học
cần nguồn vốn lớn. Những năm 1980, nhờ vào quốc tế hóa, Hàn Quốc đã tự tạo ra
các sản phẩm như ô tô, tủ lạnh. Đến những năm 1990, Hàn Quốc tập trung vào ICT,
tập trung vào công nghiệp công nghệ cao như các sản phẩm máy bán dẫn hay công
nghệ truyền thông. Những năm 2000, Hàn Quốc tập trung vào công nghệ cao như các
bảng điện tử thông minh…
“Về mặt thu thập công nghệ,
những năm 1960 chỉ có thể chế tạo từng công nghệ một, đến những năm 1970 chỉ
vận hành công nghệ có sẵn, đến những năm 1980 sản xuất số lượng lớn công nghệ
và những năm 1990 việc sáng tạo ra những công nghệ mới bắt đầu. Những năm 2000
Hàn Quốc đã tạo ra tri thức và phát triển nền kinh tế tri thức”, TS.Sin-Doo Lee
nói.
Tại Việt Nam, theo các chuyên
gia, chúng ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây
dựng nền kinh tế trí thức trong điều kiện hội nhập quốc tế với những cơ hội và
thách thức to lớn của quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình
tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững và năng lực
cạnh tranh đến năm 2020.
Để đạt được mục đích đó, chủ
trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đã gắn liền với xu
thế chung của thời đại: chuyển từ dựa vào nguồn lực vật chất là chủ yếu sang
dựa vào nguồn lực trí tuệ con người, của cải tạo ra dựa trên sự sáng tạo đổi
mới, tài sản trí tuệ ngày càng có vai trò quan trọng và quyết định. Mô hình
tăng trưởng dựa vào gia tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và nguồn tài nguyên
thiên nhiên không tái tạo truyền thống đã không còn thích hợp. Thay vào đó, để
đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất
lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phát triển đất nước nhanh và bền vững,
con đường tất yếu phải dựa vào phát triển KH&CN, khai thác và phát huy tiềm
năng chất xám từ khoa học công nghệ. Vì thế, phát triển và phát huy sự đóng góp
cao nhất của nhân lực KH&CN đang trở thành yếu tố then chốt, quyết định sự
phát triển của quốc gia.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần
Quốc Khánh cho rằng, trên quan điểm coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một
trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc,
hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua Nghị
quyết số 20 –NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và
hội nhập quốc tế. Trong đó, khẳng định “đầu tư cho nhân lực KH&CN là đầu tư
cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc”.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc
Khánh, trong những năm gần đây, Việt Nam đã rất tích cực hoàn thiện hành lang
pháp lý, tạo điều kiện phát huy khả năng sáng tạo của đội ngũ KH&CN. Tuy
nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu và việc tiếp tục nghiên cứu để có Chiến
lược và tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển KH&CN vẫn là một nhu cầu
hết sức cấp bách đối với những người nghiên cứu, hoạch định chính sách. “Việc
học tập kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là những nước có nhiều điểm tương
đồng với Việt Nam và đã thành công trong việc xây dựng và thực hiện Chiến lược,
Chính sách phát triển nhân lực KH&CN là một trong những nội dung ưu tiên
trong quá trình hoạch định chính sách của Bộ KH&CN”, Thứ trưởng Trần Quốc
Khánh nói.
6 giải
pháp phát triển nguồn nhân lực KH&CN
Năm 2014, Việt Nam có gần
165.000 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển, trực tiếp làm công
tác triển khai là hơn 37.000 người. Số lượng này chỉ bằng 1/6 so với số lượng
nghiên cứu chuyên nghiệp của Hàn Quốc. Trong khi đó, dân số Việt Nam gần gấp
đôi Hàn Quốc.
TS.Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng
Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ KH&CN cho rằng, để phát triển nguồn nhân lực khoa học
công nghệ phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, điều quan trọng
nhất là hoạch định chính sách, đưa ra được những chính sách về nhân lực hợp lý.
Theo ông Hiến, quan điểm nhận thức như vậy nhưng trong quá trình thực hiện,
Việt Nam còn nhiều khó khăn vướng mắc.
Một trong những khó khăn đó
là, tuy được đánh giá đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng Việt Nam lại đang
đứng trước thách thức khủng hoảng nhân lực bởi nhiều lý do. Nhân lực làm lãnh
đạo quản lý chiếm rất nhiều. Số nhà khoa học đầu ngành có trình độ cao hầu hết
cao tuổi và đến tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra, một số lượng lớn nhân lực có trình độ
cao chuyển sang làm cho tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài. Một số lượng lớn
cán bộ khoa học được cử ra nước ngoài học tập sau khi học xong không quay trở
lại làm việc trong nước. “Các điểm trên dẫn đến Việt Nam thiếu các nhà khoa học
đầu ngành, các tổng công trình sư để đảm nhiệm các nhiệm vụ khoa học mang tầm
cỡ quốc gia”, TS. Trần Đắc Hiến nhìn nhận.
Bên cạnh đó, nhân lực
KH&CN Việt Nam còn một vài nhược điểm như thiếu tinh thần hợp tác trong
nghiên cứu phát triển. Thứ hai là nhân lực KH&CN phân bổ chưa hợp lý trên
cả nước, chỉ tập trung ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, các địa
phương khác hiện rất thiếu.
Trong bối cảnh khó khăn như
vậy nhưng KH&CN Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng kể trong thời
gian vừa rồi. Một số lĩnh vực KH&CN của Việt Nam đạt thứ hạng khá cao trong
khu vực ASEAN như toán, vật lý lý thuyết. Các nhà khoa học Việt Nam đã tự thiết
kế, chế tạo được giàn khoan ở độ sâu 90m nước, thiết kế chế tạo thiết bị nâng
hạng siêu trường, siêu trọng phục vụ các nhà máy điện, nghiên cứu thiết kế chế
tạo thành công nhiều sản phẩm kỹ thuật phục vụ khai thác dầu khí…Việt Nam cũng
sản xuất và xuất khẩu vắc xin, phẫu thuật ghép tạng…Chỉ số đổi mới sáng tạo năm
2015 đã tăng 19 bậc so với năm 2014, dứng thứ 52 trong tổng số 114 quốc gia,
đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.
Về GDP, Việt Nam đi sau Hàn
Quốc khoảng 30 năm. Tổng chi cho KH&CN của Việt Nam bằng khoảng 1/35 Hàn Quốc
trong khi dân số gần gấp đôi Hàn Quốc.
Trong 10 năm trở lại đây,
Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu về
phát triển nguồn nhân lực KH&CN, có nhiều nghị quyết và chỉ đạo, văn bản pháp
luật được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nguồn lực
KH&CN. Điển hình là Nghị định số 40 và Nghị định số 87 của Chính phủ, mục
tiêu là thu hút các cá nhân có trình độ cao vào hoạt động KH&CN. Nếu hai
Nghị định này được triển khai đồng bộ hiệu quả thì trong những năm tới Việt Nam
sẽ có cả đội ngũ nhân lực KH&CN trình độ cao trong nước và từ ngoài nước về
để đóng góp cho sự phát triển của KH&CN Việt Nam.
Nghị định và mục tiêu rất
hay nhưng việc tổ chức thực hiện rất khó khăn do vướng mắc những đạo luật và
quy định chuyên ngành khác. Trong đó, theo TS.Trần Đắc Hiến, khó khăn nhất là
chính sách cụ thể, mức độ ưu đãi đối với các chuyên gia khoa học có trình độ
cao. “Chính vì vậy, cần tiếp tục bổ sung chính sách, nâng cao mức độ ưu đãi đối
với các nhà khoa học có trình độ cao. Thứ hai là cần có cơ chế ra quyền chủ
động cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, triển khai”, TS.Trần Đắc Hiến
nói.
Thay mặt Bộ KH&CN,
TS.Trần Đắc Hiến đã trình bày 6 định hướng về giải pháp phát triển nguồn nhân
lực cho KH&CN của Việt Nam trong thời gian tới. Đó là triển khai quy hoạch
nguồn nhân lực ngành KH&CN. Xác định nhu cầu và tổ chức đào tạo bồi dưỡng
nhân lực KH&CN, chú trọng hợp tác quốc tế trong đào tạo, phát triển, nhất là
nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện chính
sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh cán bộ KH. Trong mấy năm vừa rồi Bộ
KHCN rất nỗ lực nhằm xây dựng môi trường chính sách hoạt động cho nguồn lực
KH&CN nhưng thực tế chưa thực hiện được nhiều do nhiều vướng mắc.
Tạo lập môi trường, điều
kiện làm việc chuyên nghiệp theo thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc thù của hoạt
động sáng tạo KH&CN cho các nhà khoa học. Đây là yếu tố có ý nghĩa hết sức
quan trọng trong việc giữ chân các nhà khoa học.
Tăng cường sự phối hợp giữa
các Bộ, ngành địa phương với bộ KH&CN trong việc phát triển nguồn nhân lực
KH&CN. Ở Hàn Quốc việc Thứ trưởng các Bộ bàn cùng lãnh đạo Bộ KH&CN để
xác định nhu cầu và sự phát triển của nguồn lực KH&CN là thường xuyên thì ở
Việt Nam chưa có.
Cuối cùng là huy động hiệu
quả các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho hoạt động đào tạo, bồi
dưỡng nhân lực KH&CN. “Hiện đầu tư cho KH&CN của Việt Nam khoảng 1%
GDP, mục tiêu là phải gia tăng nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, phấn đấu
theo mục tiêu của Hàn Quốc khi khoảng ¾ kinh phí đầu tư ngoài ngân sách nhà
nước”, TS.Trần Đắc Hiến nói.