SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

"Cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để hỗ trợ DN khởi nghiệp"

[18/11/2015 15:32]

Bộ trưởng bộ KH&CN cho rằng, nếu không có các quy định pháp luật cụ thể, các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam sẽ cực kỳ khó khăn.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội về KHCN, trong đó, nổi cộm lên hai vấn đề được các Đại biểu hết sức quan tâm, đó là: Những giải pháp để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao cũng như công nhận doanh nghiệp công nghệ cao và những khúc mắc về lĩnh vực đầu tư mạo hiểm.

Vì sao chưa thành lập được các quỹ đầu tư mạo hiểm?

Người đứng đầu Bộ KH&CN cho biết, ở các quốc gia tiên tiến đều hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và có Quỹ đầu tư mạo hiểm. Ở Việt Nam, chúng ta chưa có văn bản pháp luật quy định về vấn đề này. Luật KHCN cao mới chỉ có điều khoản về việc chúng ta phải sớm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao nhưng việc triển khai có nhiều vướng mắc liên quan tới Luật ngân sách, Luật đầu tư, Luật thuế... Bộ cũng đã trình Quốc hội (về xử lý các vướng mắc) rồi nhưng chưa được chấp thuận vì thiếu căn cứ pháp lý.

Hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm rất nhiều thành phần, có vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ cơ chế chính sách, có vai trò của các Viện các trường đại học - nơi tạo ra các công nghệ, có vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức dịch vụ trong thị trường (tư vấn, môi giới, định giá…) và đặc biệt là vai trò của quỹ đầu tư mạo hiểm.

Tuy nhiên, quỹ đầu tư mạo hiểm ở nước ta chưa có kinh nghiệm cũng chưa có tiền lệ. Ngay cả các quỹ đầu tư mạo hiểm ở nước ngoài vào Việt Nam cũng không thể hoạt động được bởi thiếu cơ sở pháp lý.

Bộ trưởng cho rằng, trước hết chúng ta phải có quy định mang tính pháp lý cao, đó là quy định trong một điều luật. Bộ KH&CN đề xuất được bổ sung một chương về đầu tư mạo hiểm vào trong luật hỗ trợ vừa và nhỏ do Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang soạn thảo để tạo tiền đề cho việc ban hành các nghị định hướng dẫn.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng chia sẻ thêm, trong thời gian vừa qua, mặc dù chưa có các văn bản quy phạm pháp luật nhưng Bộ KH&CN đã thí điểm ở quy mô cấp Bộ, đó là Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon. Qua 2 năm, mặc dù sự đầu tư của Bộ rất ít nhưng đã mang lại một thành công lớn. Trong số 10 doanh nghiệp khởi nghiệp ở vườn ươm tạo, đã có những nhóm sinh viên khởi nghiệp thu hút số vốn đầu tư lên tới 2 triệu USD cho một dự án.

Ngoài ra, Bộ đã thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc đăng ký hoạt động là rất khó khăn bởi chúng ta chưa có quy định pháp luật cụ thể, dẫn tới sự lúng túng trong việc đăng ký và phải hoạt động dưới hình thức quỹ tín dụng nhân dân.

Bộ trưởng cũng đề xuất cần có những quy định pháp luật cao nhất về đầu tư mạo hiểm bởi không có những quy định này, các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam sẽ rất khó khăn.

Những giải pháp để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng cũng đã giải đáp những thắc mắc về việc hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và tiêu chí đánh giá doanh nghiệp công nghệ cao.

Bộ trưởng cho biết, trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ: Từ rất sớm, Chính phủ đã nhận thức được vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ để chúng ta có thể công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước vì thế mà Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng và ban hành quyết định về chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Tuy nhiên, chương trình cho thấy cần có nguồn lực đủ lớn, vì vậy Thủ tướng đã quyết định thành lập Quỹ đổi mới quốc gia. Cả chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đều nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ để nâng cao trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, hệ thống chính sách của chúng ta, đặc biệt, hệ thống luật pháp của chúng ta chưa đồng bộ. Ví dụ như Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, thì trong các văn bản pháp luật gần như không có những quy định cụ thể về việc Nhà nước có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài nhà nước. Chính vì thế, trong quá trình xây dựng chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và quỹ đổi mới công nghệ quốc gia có nhiều vướng mắc. Bởi vậy, khi làm luật KHCN năm 2013, Bộ KH&CN đã đưa vào một nội dung và cũng đã được Quốc hội ủng hộ là ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực KHCN thì có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế. Và quy định này của luật đã tạo điều kiện cho Bộ hỗ trợ được rất nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân trong quá trình đổi mới.

Tất nhiên, chúng ta chỉ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp theo đúng cam kết của Việt Nam khi gia nhập tổ chức Thương Mại thế giới. Đó là không hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mà chỉ hỗ trợ một phần về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới. Như vậy, phạm vi đối tượng điều chỉnh của Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia cũng như Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia thì đã được xác định rất rõ.

Về văn bản, Bộ KH&CN đã cùng với Bộ Tài chính xây dựng các văn bản hướng dẫn, và quỹ đổi mới công nghệ quốc gia năm nay đã được bố trí kinh phí và sẽ đi vào hoạt động.

Hiện nay, đã có hơn 200 doanh nghiệp có hồ sơ và Bộ đang tiến hành các thủ tục xét duyệt để có thể sớm hỗ trợ cho một số doanh nghiệp hàng đầu trong số 200 doanh nghiệp này.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng nêu ra những khó khăn về ngân sách dành cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Theo đó, hàng năm, Quốc hội dành cho Bộ KH&CN dành 2% tổng chi ngân sách Nhà nước cho phát triển KHCN. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách rất khó khăn, sau khi dành dự phòng và an ninh quốc phòng, thì chúng ta chỉ có thể bố trí được 1,3-1,5% tổng chi ngân sách cho ngành KHCN. Trong đó, hầu hết là chi đầu tư và chi thường xuyên phần kinh phí dành cho các nhiệm vụ KHCN (Các đề tài, dự án). Phần hỗ trợ cho doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng hơn 2/1000, tức là 10% của 2%. Khoảng 2% tổng chi ngân sách, mỗi năm Bộ được hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ cho tất cả các loại đề tài nghiên cứu, từ cấp nhà nước, đến cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở. Cho nên, nguồn lực dành cho hỗ trợ doanh nghiệp thì không có nhiều. Bộ cũng đã tận dụng tối đa năng lực của các Viện - Trường. Khi giao đề tài nghiên cứu thì cũng phải dành một phần năng lực của họ để hỗ trợ cho doanh nghiệp và có sự phối hợp, gọi là hợp tác công tư, có nghĩa trong KHCN, các Viện – Trường cũng phải hỗ trợ họ đổi mới CN.

Về thắc mắc tiêu chí các doanh nghiệp Công nghệ cao, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, các văn bản về công nghệ cao đều đã được ban hành rất đầy đủ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những quyết định về danh mục công nghệ cao và danh mục các sản phẩm công nghệ cao, trong đó có hai bảng danh mục: Các danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục các công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Bộ trưởng nêu rõ, Quyết định số 65 của Thủ tướng Chính phủ năm 2014 quy định các danh mục công nghệ cao được ưu tiên và khuyến khích trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Quyết định 66 quy định các danh mục công nghệ cao được ưu tiên và được khuyến khích trong mọi lĩnh vực, ngoài an ninh quốc phòng.

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, xu hướng các doanh nghiệp chúng ta phấn đấu để trở thành doanh nghiệp công nghệ cao rất mạnh, bởi doanh nghiệp công nghệ cao được ưu đãi về mức thuế và các chính sách ưu đãi cao nhất trong hệ thống ưu đãi của nhà nước.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam thì hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vì vậy rất ít doanh nghiệp đạt được tiêu chí theo quyết đinh 19 của Thủ tướng. Bộ có thành lập một văn phòng chuyên xem xét các hồ sơ để công nhận các doanh nghiệp công nghệ cao để họ được hưởng cơ chế chính sách. Tuy nhiên, Bộ mong muốn được phân cấp cho các địa phương, để các địa phương có thể chủ động hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng hầu hết các địa phương không đủ năng lực để xác định các doanh nghiệp công nghệ cao ở địa phương của mình. Vì vậy, các địa phương đều đề nghị Bộ KH&CN phối hợp với các bộ ngành ở TƯ để xác định giúp.

Do vậy, khi xây dựng quyết định 19 của Thủ tướng chính phủ, Bộ nhận trách nhiệm thẩm định và cấp chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Cho đến nay thì cũng có rất ít doanh nghiệp được chứng nhận. Bởi dù số hồ sơ nộp xét duyệt là rất nhiều nhưng chỉ có 1 số ít là đáp ứng tiêu chí.

www.khampha.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ