Doanh nghiệp vào cuộc khi công nghệ còn “thai nghén”?
Hoạt động nghiên cứu cho ra sản phẩm công nghệ, nhưng công nghệ này có đi vào đời sống xã hội hay không phụ thuộc rất nhiều vai trò của doanh nghiệp. Vấn đề ở đây là sự vào cuộc của doanh nghiệp nên bắt đầu ở giai đoạn nào: sẽ đầu tư cho công tác nghiên cứu khi công nghệ mới còn “thai nghén”, hay chỉ mua lại khi công nghệ đã được thử nghiệm và cho kết quả?
Doanh nghiệp vào cuộc từ khâu nào?
Hiện nay trong hệ thống các đề tài dự án nghiên cứu có 2 loại: thứ nhất
là loại đề tài nghiên cứu, thứ hai là dự án sản xuất thử nghiệm. Theo GS.TSKH.
Dương Ngọc Hải - Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam,
cách phân chia ra hai loại như thế chưa phản ánh hết thực sự những ngõ ngách
của công tác này. Vì đối với một sản phẩm sau khi nghiên cứu lập tức đưa vào
sản xuất đại trà và bán ra thị trường luôn. Như vậy, buộc doanh nghiệp phải
đóng tiền để mua ngay công nghệ. Với cách làm này sẽ gây khó khăn cho doanh
nghiệp. Bởi vấn đề thực tế ở đây là hiệu quả của sản phẩm nghiên cứu chưa thể
hoàn thiện ngay. Ví như có một chuyên gia cơ khí nghiên cứu và cho ra được một
sản phẩm về robot. Xét về mặt logic và thực tế thì sản phẩm robot đầu tiên thì
chưa có thể vận hành suôn sẻ về mọi mặt, đặc biệt là tối ưu hóa trong điều
khiển, trong cơ chế điện tử cũng như trong chế tạo cơ khí… Trong khi, nhà
nghiên cứu chỉ có đủ tiềm lực tài chính nghiên cứu và cho ra một sản phẩm mẫu
mà không đủ kinh phí làm cái thứ 2, thứ 3. Điều này cũng có nghĩa nếu chỉ dừng
lại sản phẩm nghiên cứu đầu tiên thì không thể phát triển công nghệ để tối ưu
hóa sản phẩm được mà phải chờ đến sản phẩm nghiên cứu thứ 5, thứ 7 mới có thể
hoàn thiện những yếu tố cần thiết của một sản phẩm công nghệ phục vụ được đời
sống xã hội. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là nếu đòi hỏi doanh nghiệp mua ngay
sản phẩm công nghệ đầu tiên thì hơi sớm và cũng chưa mang tính khả thi để sản
xuất đại trà bán ra thị trường. Doanh nghiệp cũng phải cân nhắc, tính toán chi
phí “đầu vào” trong sản xuất kinh doanh. Còn để nhà nghiên cứu tự “bơi” trong
việc hoàn thiện công nghệ thì e rằng không đủ sức về tài chính cho công việc
này.
Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp nên bắt đầu vào cuộc từ giai đoạn
nào, sẽ đầu tư cho công tác nghiên cứu khi công nghệ mới còn thai nghén,
hay chỉ mua lại khi công nghệ đã được thử nghiệm và cho kết quả? Điều này cần
sự hợp tác tích cực của cả hai phía doanh nghiệp và nhà nghiên cứu công nghệ.
Cần chính sách thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ
Việc gắn kết sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu công nghệ có
bảo đảm được mối quan hệ tương hỗ hay không phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế
chính sách. Về vấn đề này, GS.TSKH. Dương Ngọc Hải cho rằng, cơ chế, chính sách
ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các nhà nghiên cứu. Vì vậy, làm thế nào
để ngoài động viên khuyến khích thì phải có quyền lợi cho các nhà nghiên cứu
sáng chế, bao gồm cả những hoạt động như khi thị trường hóa bị làm giả, làm
nhái. Tiếp đến là đối với doanh nghiệp thì phải khuyến khích đẩy mạnh việc
tham gia nghiên cứu ứng dụng công nghệ. “Ví như cách đây 15 năm khi chúng tôi
làm việc với một số doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dầu khí không có
tính đến việc đầu tư cho đề tài nghiên cứu, nhưng việc ký hợp đồng để mua công
nghệ thì luôn luôn sẵn sàng. Gần đây, nhà nước đã có chính sách về dành tỷ lệ
phần trăm cho hoạt động nghiên cứu, kinh phí trước thuế và coi kinh phí ấy được
miễn trừ thuế. Nhờ đó, đã giúp doanh nghiệp có thêm động lực, thấy được lợi ích
trong việc nghiên cứu, từ đó thúc đẩy công tác nghiên cứu, đặt những mua sản
phẩm nguyên chiếc, trọn gói của nước ngoài”, ông Hải cho biết.
Không chỉ có vậy, với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng cần có chính
sách khuyến khích mua công nghệ cũng như thuê làm công nghệ. Với chính sách này
sẽ tạo điều kiện để các nhà làm nghiên cứu khoa học công nghệ tạo ra những công
nghệ tin cậy để doanh nghiệp có thể ứng dụng, mặt khác cũng thúc đẩy doanh
nghiệp vào cuộc. Vì công nghệ mới khi đưa ra có thể chưa đáp ứng ngay yêu cầu
của doanh nghiệp nhưng nếu đáp ứng đến 80% - 90% thì doanh nghiệp cần phải xắn
tay vào cùng các nhà nghiên cứu. Trước hết, doanh nghiệp chỉ rõ công nghệ
này các nhà nghiên cứu làm theo hướng nào thì doanh nghiệp mới có thể sử dụng
được, đặt hàng và đầu tư. Điều này đòi hỏi có sự tương tác giữa doanh nghiệp và
nhà nghiên cứu. Chỉ trên cơ sở của sự phối hợp chặt chẽ này mới cho ra đời
những sản phẩm công nghệ chất lượng và đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Từ góc
độ của một nhà làm công tác khoa học, ông Hải cho rằng, để thương mại
hóa sản phẩm khoa học công nghệ thành công, ngoài các chính sách trên cần có
chính sách hướng cho xã hội sử dụng hàng công nghệ của Việt Nam, cũng như xã
hội hóa hoạt động này.