Bàn về định hướng, giải pháp ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học
Công nghệ sinh học (CNSH) là ngành có khả năng tạo ra công nghệ khai thác các hoạt động sống của sinh vật với sản phẩm có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh đã cho
biết như trên tại hội thảo khoa học “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học
trong giai đoạn mới, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp” diễn ra sáng 23/12 tại
Hà Nội.
Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ KH&CN phối hợp tổ chức
nhằm tổng kết lại những kết quả ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước và đưa ra các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát
triển và ứng dụng CNSH trong giai đoạn mới.
Các tham luận tại hội thảo tập trung bàn về những vấn đề: tế bào gốc
trên thế giới và vấn đề đặt ra cho tế bào gốc Việt Nam; phát triển và ứng dụng
CNSH trong giai đoạn mới – định hướng, nhiệm vụ và giải pháp; một số góc nhìn
quốc tế và khuyến nghị phát triển ứng dụng CNSH tại Việt Nam; nghiên cứu ứng
dụng CNSH trong y học; CNSH định hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phục vụ
tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; vai trò của mô hình sản xuất, chiến lược
phát triển trong định hướng ứng dụng KH&CN vào thực tiễn;…
PGS. TS. Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ KH&CN, Môi trường, Ban Tuyên
giáo Trung ương cho rằng, nước ta là một nước nhiệt đới đi lên từ nông nghiệp
với tiềm năng diện tích đất nông nghiệp trên 80% và hơn 60% dân số sống ở nông
thôn nên CNSH có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước; là một yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương
thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn;
cung cấp những sản phẩm cơ bản và thiết yếu cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng,
bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, đặc biệt sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW ngày
04/3/2005 về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước, CNSH đã được ứng dụng rộng rãi vào các ngành sản xuất và
đời sống xã hội của đất nước, nhất là trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, y
dược, thực phẩm và môi trường.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, CNSH của nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu
ngày càng tăng của phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao
mức sống của nhân dân. Để đáp ứng nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ
cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền
vững đất nước trong giai đoạn mới cũng như yêu cầu của quá trình hội nhập quốc
tế, theo các đại biểu tham dự hội nghị, trong thời gian tới, CNSH cần được xác
định là một ngành kinh tế - kỹ thuật có đóng góp quan trọng trong sự gia tăng
giá trị của ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng
nói chung. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phát
triển và ứng dụng CNSH; xây dựng nguồn nhân lực CNSH đủ về số lượng, đảm bảo về
chất lượng; đầu tư nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết với nhu cầu
phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên phát triển công nghiệp CNSH thành một
ngành kinh tế - kỹ thuật có đóng góp lớn trong tăng trưởng kinh tế;…
Đặc biệt, đã đến lúc không còn chậm trễ hơn cần có một chiến lược quy
hoạch, đầu tư và phát triển những vùng nông trại hữu cơ (ít nhất trên 1.000 ha)
độc lập theo từng khu vực địa lý và thổ nhưỡng sử dụng công nghệ GPS để trồng
trọt và bảo tồn nguồn nguyên liệu GEN quốc gia và cung cấp các sản phẩm hữu cơ
cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngoài việc đổi mới quyết liệt các cơ chế,
chính sách đối với KH&CN nói chung và CNSH nói riêng, bản thân hệ thống
nghiên cứu, các nhà khoa học cũng phải đổi mới, nghiêm túc, quyết liệt hơn
trong thời gian tới để tập trung nghiên cứu, khai thác các thành tựu công nghệ
hàng đầu trên thế giới và thế mạnh quốc gia nhằm xây dựng ngành CNSH và công
nghiệp sinh học đạt trình độ quốc tế với các thương hiệu mạnh của ngành kinh tế
sinh học Việt Nam;…