SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phát triển tối thiểu 10 sản phẩm quốc gia dựa trên công nghệ tiên tiến

[12/01/2011 08:16]

Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia (SPQG) đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đến năm 2015, sẽ hình thành và phát triển tối thiểu 10 sản phẩm quốc gia do các doanh nghiệp KH&CN sản xuất dựa trên công nghệ tiên tiến.

SPQG là sản phẩm thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Nhà nước, được sản xuất, chế tạo dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với những nguyên lý công nghệ mới và ý tưởng thiết kế mới, nâng cao đáng kể hiệu suất hoặc tính năng của sản phẩm.

 Mục tiêu chung của chương trình là hình thành và phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, về chất lượng và giá thành dựa trên việc khai thác các lợi thế so sánh về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của đất nước; tăng cường chuyển giao công nghệ, tiếp thu, làm chủ và ứng dụng công nghệ vào các ngành kinh tế - kỹ thuật, công nghiệp then chốt; nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và tiềm lực công nghệ quốc gia…

 Chương trình sẽ triển khai 3 nội dung chủ yếu:

- Một là, nghiên cứu và phát triển các SPQG trên cơ sở triển khai các nhiệm vụ KH&CN, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh và giá trị tăng cao.

- Hai là, sản xuất thử nghiệm SPQG, hình thành doanh nghiệp đi tiên phong trong sản xuất SPQG.

- Ba là, thương mại hóa sản phẩm và phát triển thị trường, hình thành ngành kinh tế - kỹ thuật dựa trên SPQG.

 Để thực hiện tốt những nội dung trên, Chương trình sẽ thực hiện 4 giải pháp chủ yếu là:

- Phát triển tiềm lực KH&CN bằng cách đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và năng lực làm chủ công nghệ cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật;

- Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm SPQG;

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN sản xuất SPQG về tín dụng, về thuế, về sử dụng đất;

- Hỗ trợ xúc tiến thương mại và phát triển thị trường.

 Sản phẩm quốc gia cần đáp ứng các tiêu chí sau:

- Sản phẩm ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tiên tiến, có sức cạnh tranh cao, được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và có ý nghĩa quan trọng đối với các ngành kinh tế - kỹ thuật chủ lực của đất nước.

- Sản phẩm có quy mô sản xuất lớn, có giá trị gia tăng cao, góp phần thay thế nhập khẩu hoặc mang lại giá trị xuất khẩu cao.

- Sản phẩm có khả năng phát huy các lợi thế về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của đất nước, có tiểm năng thị trường tiêu thụ lớn, ý nghĩa xã hội quan trọng, góp phần tạo nên các ngành kinh tế - kỹ thuật chủ lực của đất nước.

 Định hướng lĩnh vực ưu tiên là:

- Những ngành công nghiệp then chốt: tập trung vào các sản phẩm mới trong lĩnh vực điện tử, cơ khí - chế tạo máy, hóa chất, năng lượng, luyện kim - vật liệu, công nghiệp hạ tầng, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế, tiêu dùng nội địa và tối ưu hóa cơ cấu công nghiệp.

- Những ngành công nghiệp mới tạo ra giá trị gia tăng cao, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, tập trung vố những sản phẩm mới trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, sinh học, cơ điện tử, vật liệu mới, năng lượng mới.

- Phát triển nông nghiệp và nông thôn: tập trung vào sản phẩm mới có lợi thế cạnh tranh, phục vụ cho quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn.

- Những ngành công nghiệp bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.

- Những ngành nghề khác có tiềm năng và lợi thế so sánh: tập trung vào các sản phẩm mới do các doanh nghiệp KH&CN phát triển.
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ