5 tiêu chí cho vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Theo Quyết định 66/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng 5 tiêu chí.
Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng sản xuất tập trung, ứng
dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất một hoặc một số sản phẩm nông
sản hàng hóa có lợi thế của vùng bảo đảm đạt năng suất, chất lượng cao, giá trị
gia tăng cao và thân thiện với môi trường theo quy định của pháp luật.
Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng 5 tiêu chí: Tổ chức
sản xuất và tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị; có tổ chức đầu mối
của vùng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong vùng
ký hợp đồng thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp
của vùng.
Sản phẩm sản xuất trong vùng là sản phẩm hàng hóa có lợi thế của vùng,
tập trung vào các nhóm sản phẩm: Giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có
năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu vượt trội; Sản phẩm nông lâm
thủy sản có giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cao; chất lượng sản phẩm đạt
tiêu chuẩn quốc tế, khu vực hoặc quốc gia (Viet GAP).
Công nghệ ứng dụng là các công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong
chọn tạo, nhân giống và phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; công nghệ
thâm canh, siêu thâm canh, chế biến sâu nâng cao giá trị gia tăng; công nghệ tự
động hóa, bán tự động; công nghệ thông tin, viễn thám, thân thiện môi trường.
Công nghệ ứng dụng trên quy mô công nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, gia
tăng giá trị của sản phẩm và tăng năng suất lao động.
Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng chuyên canh, diện tích
liền vùng, liền thửa trong địa giới hành chính một tỉnh, có điều kiện tự nhiên
thích hợp, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh về giao thông, thuỷ
lợi, điện, thuận lợi cho sản xuất hàng hóa, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát
triển sản xuất nông nghiệp của ngành và địa phương.
Đối tượng sản xuất và quy mô của vùng gồm: Sản xuất hoa diện tích tối
thiểu là 50 ha; Sản xuất giống lúa diện tích tối thiểu là 100 ha; nhân giống và
sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu diện tích tối thiểu là 5 ha; cây ăn quả lâu năm
diện tích tối thiểu là 300 ha; cây công nghiệp lâu năm (chè, cà phê, hồ tiêu)
diện tích tối thiểu là 300 ha; thủy sản: sản xuất giống diện tích tối thiểu là
20 ha; nuôi thương phẩm diện tích tối thiểu là 200 ha; chăn nuôi bò sữa số
lượng tối thiểu là 10.000 con/năm; bò thịt tối thiểu 20.000 con/năm; chăn nuôi
lợn thịt số lượng tối thiểu là 40.000 con/năm; lợn giống (lợn nái) tối thiểu
2.000 con/năm; chăn nuôi gia cầm số lượng tối thiểu là 50.000 con/lứa.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan có thẩm
quyền quyết định công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Quyết định
này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/02/2016.