Hướng tới thu nhập 10.000USD/người/năm: Cứu công nghệ Việt khỏi cảnh lép vế
“Không thể phủ nhận những gì khoa học đã làm được đối với sự phát triển kinh tế đất nước hơn 30 năm qua. Nếu làm tốt hơn nữa thì chắc chắn thu nhập của chúng ta không phải 2.500USD/người/năm mà phải hơn 10.000USD/ người/năm”.
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và
Môi trường của Quốc hội đặt vấn đề như vậy tại hội nghị giám sát “Khoa học xã
hội (KHXH) và nghiên cứu chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa
(CNH-HĐH) đất nước giai đoạn 2005-2015 và định hướng giai đoạn tiếp theo”. Để
khả năng tăng thu nhập bình quân đầu người lên 10.000USD/năm trở thành hiện
thực, các chuyên gia cho rằng cần có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, chính sách
để sản phẩm công nghệ Việt Nam có vị thế cao.
Công nghệ tốt nhưng ế vì quá rẻ?
Nói về thực trạng các sản phẩm công nghệ Việt Nam luôn lép
vế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đưa dẫn chứng: Bộ Khoa học
và Công nghệ (KH&CN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng mời các hội khoa học kỹ
thuật chọn ra sản phẩm công nghệ tốt nhất - đó là lò đốt rác y tế. Nhưng đến
nay, chiếc lò thứ hai vẫn chưa bán được dù Trung tâm theo dõi, kiểm soát môi
trường đã dùng công nghệ hiện đại nhất để kiểm nghiệm và thừa nhận rằng hiện
chưa có sản phẩm nào tốt hơn.
Lò đốt rác y tế ngoại luôn chiếm ưu thế dù có giá 7-15 tỷ
đồng. Còn sản phẩm nội giá rẻ, chất lượng cao nhất, hoàn toàn không thải khí
độc lại không bán được. “Mong các nhà KHXH nghiên cứu, đặt lại dấu hỏi vì sao
những sản phẩm như thế không vào được thị trường” - ông Đông nói.
Một ví dụ khác: Sản phẩm nhựa đường cácbon đã được Viện
KH&CN vật liệu xác nhận đủ điều kiện ứng dụng, không gây ô nhiễm môi
trường; thế nhưng sản phẩm vẫn không đưa được vào các công trình của Bộ Giao
thông - Vận tải vì lý do giá rẻ quá.
Muốn CNH-HĐH đất nước, các sản phẩm KH&CN Việt Nam có
chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh so với sản phẩm nước ngoài cần phải được tôn
vinh. Theo các chuyên gia, để sản phẩm đổi mới sáng tạo của người Việt vào được
thị trường cần phải tạo cơ hội, môi trường cho KH&CN.
Cần đặt hàng và sử dụng sản phẩm nghiên cứu
“Có thể thấy, chúng ta có môi trường chưa thật tốt cho
KH&CN và KHXH phát triển. Đầu tư cho KH&CN còn ít và kém hiệu quả, kỹ
thuật lạc hậu so với các nước - Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc thẳng
thắn nhìn nhận. Theo Thứ trưởng, con số 1,52% GDP chi cho khoa học năm 2015 là
quá nhỏ so với các nước trong khu vực, trong đó phần chi cho KHXH chưa nhiều dù
đây là lĩnh vực nghiên cứu rất nhiều vấn đề căn cốt như chủ quyền, chủ sở hữu
đất đai, di dân, dân tộc, văn hóa, giáo dục...
TS Trần Quốc Toản - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
- cho rằng, trong lĩnh vực KH&CN - bao gồm cả KHXH, việc nghiên cứu lý
luận, hoạch định chính sách vẫn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp. “Hiện nay, thể
chế phát triển - trong đó có thể chế phát triển CNH-HĐH - còn nhiều bất cập.
Quản lý nhà nước, cơ chế chính sách vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, thể chế
đổi mới sáng tạo, chỉ số kinh tế tri thức, chỉ số công nghệ, năng suất lao
động, sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta thuộc loại thấp nhất trên thế
giới” - ông Toản nói.
Theo ông Toản, mục tiêu hoàn thành cơ bản CNH-HĐH đất nước
vào năm 2020 không thể thực hiện sớm hơn khi một loạt chiến lược công nghiệp
ôtô, công nghiệp điện tử chưa thể hoàn thành... Nguyên do là cách làm của chúng
ta coi trọng bằng cấp mà không coi trọng giá trị đích thực của tri thức, trình
độ nhân lực.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng, một trong các giải pháp
tránh lãng phí kết quả nghiên cứu là các cơ quan bộ, ngành và các tỉnh, thành
cần đặt hàng nghiên cứu và cam kết sử dụng các kết quả đó. Ngoài ra, cần đánh
giá lại năng lực chuyên môn của nguồn nhân lực hiện nay, cố gắng sử dụng kinh
phí đầu tư của Nhà nước theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà khoa học, ban hành
cơ chế khoán chi.
“Bộ KH&CN mong muốn việc quản lý chương trình, đề tài,
dự án ngày càng minh bạch theo thông lệ quốc tế. Tuy chưa thực hiện được việc
quản lý online, nhưng chúng tôi đã có bộ cơ sở dữ liệu chuyên gia theo từng
ngành” - ông Phạm Công Tạc nói.
GS Nguyễn Quang Thái - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế
Việt Nam - cho rằng, nghiên cứu KHXH cần tập trung vào các vấn đề cụ thể, lý
giải những yếu kém, đề xuất giải pháp để nước ta phát triển sánh kịp với thế
giới.
Bên cạnh việc nghiên cứu theo đơn đặt hàng, cần cho phép một
tỷ lệ nhất định các sáng kiến, đề xuất hơi đi khác luồng, thậm chí trái với
quan điểm chung. “Hãy để cho các nhà khoa học sáng tạo, bởi những phát kiến mới
phải xuất hiện từ một người, một nhóm người thiểu số rồi mới lan tỏa dần” - GS Thái
nói.