Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ: Thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ tiên tiến
Luật Chuyển giao công nghệ được QH thông qua năm 2006, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong việc hình thành hệ thống văn bản QPPL thống nhất điều chỉnh hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN). Tuy nhiên, qua gần 10 năm thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, cần sửa đổi, bổ sung nhằm khuyến khích các hoạt động CGCN, phát triển thị trường CGCN.
Nhiều bất cập
Thứ nhất, thị trường công nghệ vẫn chưa phát
triển tương xứng với mục tiêu đề ra, chưa đủ sức thu hút, thúc đẩy cung và cầu
công nghệ, đặc biệt là việc hình thành và phát triển các tổ chức trung gian
trong hoạt động CGCN, cũng như một số hoạt động dịch vụ CGCN như dịch vụ đánh
giá, định giá và giám định công nghệ.
Thứ hai, hình thức CGCN hiện nay chủ yếu là
CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, tập trung ở các dự án đầu tư trực tiếp nước
ngoài, trong đó phần lớn lại là CGCN từ công ty mẹ cho công ty con và công nghệ
do các doanh nghiệp Việt Nam nhận chuyển giao từ các đối tác nước ngoài, do đó
cần có hình thức quản lý phù hợp hơn. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể hơn đối
với hoạt động CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài, mà hiện nay mới chỉ là việc bán
thiết bị, máy móc có hàm chứa công nghệ.
Thứ ba, thời gian qua, nhiều bộ luật liên
quan đến Luật CGCN như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đầu tư, Luật Doanh
nghiệp, Luật Thuế đã được sửa đổi, bổ sung nên một số điều khoản của Luật CGCN
cần phải hoàn chỉnh cho phù hợp. Ví dụ, Điều 32 Luật CGCN năm 2006 quy định:
Hoạt động dịch vụ giám định công nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện, còn
dịch vụ đánh giá và định giá công nghệ thì lại không quy định. Tuy nhiên, theo
Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) hoạt động của tổ chức KH-CN này lại thuộc
phạm trù hoạt động kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, cần phải sửa đổi cho phù
hợp với tinh thần của Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), như bổ sung
tiêu chí, điều kiện hoạt động của các đơn vị dịch vụ CGCN. Tương tự, trước đây,
quy định về hồ sơ dự án đầu tư, doanh nghiệp phải giải trình về công nghệ, tuy
nhiên Luật Đầu tư lại không quy định.
Sửa đổi, bổ sung cho phù hợp
Từ những bất cập trên, Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) đang được hoàn thiện
trình QH tại Kỳ họp tới sẽ tập trung vào một số nội dung về phát triển thị
trường KH-CN; chính sách khuyến khích thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới công
nghệ của doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều
kiện nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ. Đồng thời đề xuất doanh nghiệp
chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH-CN sử dụng ngân sách nhà nước được tiếp nhận
không bồi hoàn trang thiết bị, máy móc, vật tư khi kết thúc nhiệm vụ KH-CN.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng bổ sung quy định đại diện chủ sở hữu nhà nước
giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công
nghệ miễn phí cho tổ chức có dự án đầu tư ươm tạo, dự án thành lập doanh nghiệp
KH-CN, dự án sản xuất kinh doanh với điều kiện có cam kết của nhà đầu tư góp
vốn vào dự án. Quy định này sẽ giúp các tổ chức có năng lực, nhu cầu thực sự
tiếp cận, sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hiệu
quả, thiết thực.
Về quản lý hợp đồng CGCN, Dự thảo đề xuất bổ sung trách nhiệm của cơ
quan quản lý nhà nước về KH-CN trong việc thẩm định công nghệ của dự án đầu tư
sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao; bổ sung Khoản 5
Điều 11 quy định việc nhập khẩu công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển
giao trong một số trường hợp đặc biệt và quy định lại thẩm quyền ban hành 3
Danh mục công nghệ là Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, để bảo đảm sử dụng vốn nhà nước có hiệu quả, dự thảo Luật cũng
quy định: đối với những dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước thì giá trị công
nghệ đưa vào góp vốn phải được định giá bởi một tổ chức định giá công nghệ độc
lập, tránh tình trạng nâng giá công nghệ lên quá cao so với giá trị thực của
công nghệ đem góp vốn.
Với những quy định tiến bộ, Luật CGCN sửa đổi được kỳ vọng sẽ làm thay
đổi hoàn toàn diện mạo của hoạt động CGCN, tạo cơ chế khuyến khích, thúc đẩy
ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu, thu hút công nghệ tiên tiến. Qua đó
tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong ứng dụng, đổi mới công nghệ, góp
phần phát triển thị trường KH-CN, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước
đối với hoạt động CGCN, ngăn chặn hiện tượng chuyển giá qua hoạt động này.