Chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển nông thôn, miền núi
Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 07/2016/TT-BKHCN quy định quản lý Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025.
Ảnh minh họa
Theo đó, các dự án thuộc
Chương trình được phân thành 2 nhóm: 1- Dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ trực
tiếp quản lý là dự án có quy mô lớn, kết quả dự kiến đạt được có khả năng ứng dụng
rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành phố; 2- Dự án ủy quyền cho UBND tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương quản lý là dự án không thuộc quy định trên.
Việc phân nhóm các dự án
trên do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định trên cơ sở ý kiến tư vấn
của Hội đồng tư vấn xác định danh mục các dự án thuộc Chương trình do Bộ trưởng
Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập.
Thông tư quy định, tổ chức
chủ trì dự án là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
có cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo thực hiện dự án; có năng lực huy động nguồn
kinh phí ngoài ngân sách và các nguồn lực khác thực hiện dự án; trực tiếp thực
hiện dự án, tiếp thu và thụ hưởng kết quả dự án; có năng lực tổ chức liên kết sản
xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa hoặc tổ chức sản xuất hàng hóa tạo sinh kế cho
người dân tại vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Đồng thời, có trụ sở tại
tỉnh, thành phố triển khai dự án trừ trường hợp đặc thù được Bộ Khoa học và
Công nghệ xem xét, chấp thuận; không thuộc trường hợp không đủ điều kiện tham
gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy định
tại Điều 4 Thông tư số 10/2014/TT-BKHCN.
Chủ nhiệm dự án cần đáp ứng
các yêu cầu sau: Là người lao động thuộc Tổ chức chủ trì dự án, có chuyên môn
phù hợp, có trình độ từ tốt nghiệp cao đẳng trở lên về lĩnh vực công nghệ chuyển
giao trong dự án và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm công tác đối với người có
trình độ đại học trở lên và ít nhất 5 năm đối với người có trình độ cao đẳng.
Tổ chức hỗ trợ ứng dụng
công nghệ là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
có đủ lực lượng cán bộ khoa học làm chủ công nghệ được ứng dụng, có khả năng
chuyển giao công nghệ; là chủ sở hữu công nghệ hoặc có quyền chuyển giao hợp
pháp công nghệ hoặc là Tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp
tỉnh, cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước tạo ra công nghệ được ứng dụng
chuyển giao.
Công nghệ được lựa chọn để ứng dụng
Thông tư nêu rõ, công nghệ
lựa chọn để ứng dụng chuyển giao đáp ứng các yêu cầu sau: Hướng vào giải quyết
những vấn đề có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của nơi thực
hiện dự án và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái; phù hợp với nhu cầu
phát triển và điều kiện thực tế của vùng miền, địa phương và mục tiêu của
Chương trình; tiên tiến, có tính mới và hiệu quả hơn so với công nghệ hiện có
đang áp dụng rộng rãi tại địa phương; đã có quy trình kỹ thuật ổn định, phù hợp
với khả năng tiếp thu của các tổ chức và người dân nơi thực hiện dự án.
Đồng thời, được công nhận
là tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn hoặc được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân
sách nhà nước cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia đã được đánh giá, nghiệm thu từ mức
đạt trở lên hoặc được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép thực hiện
chuyển giao.
Thời gian thực hiện dự án
tối đa là 36 tháng. Đối với dự án trồng các loại cây lâu năm, trồng rừng, phát
triển vùng nguyên liệu kết hợp chế biến và một số đối tượng đặc biệt khác thời
gian có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 tháng.
Thông tin về dự án thuộc
Chương trình được thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của Đơn vị
quản lý kinh phí (http://www.miennui.most.gov.vn) hoặc trên các phương tiện
thông tin đại chúng khác theo quy định hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 8/6/2016.