Hội thảo do Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ phối
hợp cùng Bộ Liên bang Nghiên cứu và Giáo dục CHLB Đức (BMBF), Bộ Khoa học
và Công nghệ Việt Nam, Học viện Công nghệ Karlsruhe – CHLB Đức tổ chức nhằm
đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp công nghệ phù hợp cho
quản lý tổng hợp tài nguyên nước, năng lượng và đất đai, hướng tới mục
tiêu phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dưới những
tác động của biến đổi khí hậu.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Dũng, ĐBSCL có vị trí
quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, hàng năm khu vực này
đóng góp hơn 50% tổng sản lượng lương thực và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu trên
cả nước. Tuy nhiên, trước những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, ĐBSCL đã và
đang đứng trước những khó khăn thách thức trong quá trình phát triển kinh tế
nói chung và quá trình phát triển nông nghiệp nói riêng. Vì vậy, việc tìm ra những
giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, chú trọng bảo vệ môi trường và sử
dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện đang là vấn đề bức
thiết.
Trước hiện trạng đó, các cơ quan quản lý, nhà khoa học
trong và ngoài nước tại Hội thảo đã tập trung phân tích hiện trạng tài nguyên nước,
năng lượng; chỉ ra các kết quả nghiên cứu đã đạt được của một số dự án tiêu biểu
về nguồn tài nguyên tại ĐBSCL; giới thiệu các giải pháp quản lý và sử dụng tài
nguyên hiệu quả; từ đó, định hướng và thiết lập các chương trình quốc gia về
khoa học và công nghệ cho sự phát triển bền vững khu vực ĐBSCL.
Theo đó, rất nhiều
giải pháp hữu ích đã được đưa ra, như: giải pháp GIS cho việc quản lý tài
nguyên thiên nhiên và môi trường, sử dụng năng lượng từ sinh khối rơm rạ, năng
lượng điện gió Hybrid, kỹ thuật tuổi thọ công trình, biện pháp tưới nước chính
xác, ... đây đều là những giải pháp được đánh
giá là hữu ích, thích hợp cho vùng ĐBSCL.
Sau khi kết thúc buổi tọa đàm tại thành phố Cần Thơ, chiều
ngày 15/6, đoàn đại biểu đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn tỉnh Hậu Giang về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt do
ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và tác động của lục bình đối với sự lưu thông
dòng chảy trên các kênh rạch tại đây. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn tỉnh Hậu Giang, hiện tỉnh có 7000 ha diện tích đất trồng lúa không xuống
giống được do hạn hán, xâm nhập mặn; 480 ha lúa Hè – Thu đã xuống giống có nguy
cơ khô hạn do không đủ nước tưới; 30.000 ha cây ăn trái đang bị đe dọa xâm nhập
mặn. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 12 tỷ đồng.
Ngoài ra, phần lớn các con sông trên địa bàn tỉnh Hậu
Giang đều bị sự tác động của lục bình, khiến dòng chảy bị đình trệ. Tuy nhiên,
lãnh đạo tỉnh chủ trương dùng các biện pháp thủ công như kéo lục bình lên bờ để
thuận tiện trong lưu thông đường thủy, không sử dụng thuốc hóa học để tránh làm
ô nhiễm môi trường. Đồng thời, khuyến khích người dân tận dụng vật liệu từ lục
bình để làm thủ công mỹ nghệ, vừa giúp tăng thêm thu nhập vừa giảm tác hại của
lục bình đến các dòng chảy.
Đại diện Sở cho biết thêm, vấn đề sạt lở bờ sông trong những
năm gần đây diễn ra ngày càng nghiêm trọng, người dân hiện đang sử dụng các vật
liệu tự nhiên để làm đê chống sạt lở tạm thời. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã
xuất hiện 40 điểm sạt lở, trong khi cả năm 2015 chỉ có 53 điểm ghi nhận có sạt
lở. Nguyên nhân được chỉ ra là do sự thay đổi dòng chảy do tác động của con người,
dẫn đến sự xuất hiện các dòng xoáy, hàm ếch… Bên cạnh đó là nền địa chất yếu do
đặc điểm của vùng đất phù sa bồi tụ, vì vậy việc xây đê bao ngăn mặn, chắn sóng
dễ bị đổ, không mang lại hiệu quả cao như mong muốn.
Đối với vấn đề thiếu nước ngọt vào mùa khô, do tình hình
hạn hán kéo dài, tỉ lệ xâm nhập mặn ngày càng cao, người dân phải sử dụng các
giếng khoan nước ngầm. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 600 hộ
dân sử dụng nước từ các giếng khoan có độ sâu từ 100 – 120m. Đây chỉ là những
giải pháp tạm thời, về lâu dài, tỉnh đã có quy hoạch các hồ chứa nước ngọt để dự
trữ nước trong mùa mưa, thành lập các trạm bơm lớn đưa nước ngọt từ Cần Thơ về,
xây dựng các đê ngăn mặn trên các nền đất đã được gia cố vững chắc.
Sau hai ngày làm việc tại Cần Thơ và Hậu Giang, đoàn đại
biểu đã đưa ra cái nhìn cụ thể về những tác động của biến đổi khí hậu trên từng
địa phương. Trong hai ngày
tới, 16 – 17/6/2016, đoàn đại biểu sẽ tiếp
tục có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau về tình hình xâm nhập mặn,
hạn hán, sụt lún và xói lở tại bờ biển Cà Mau và khảo sát thực địa để đánh giá
tình hình. Từ đó, định hướng và thiết lập các
chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ giúp tháo gỡ những khó khăn trước
tình hình biến đổi khí hậu, góp phần tạo sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Một số hình ảnh tại Hội thảo: