Cà Mau - cần có các giải pháp công nghệ phù hợp ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, hạn hán, sụt lún và sạt lở bờ biển
Nằm trong chuỗi sự kiện Hội thảo Quốc tế “Giải pháp công nghệ phù hợp cho quản lý tổng hợp tài nguyên, năng lượng và sử dụng đất đai cho vùng đồng bằng sông Cửu Long”, ngày 16/6/2016, đoàn đại diện Bộ Liên bang Nghiên cứu và Giáo dục Cộng hòa Liên bang Đức (BMBF) đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau về tình hình xâm nhập mặn, hạn hán, sụt lún và sạt lở bờ biển tại Cà Mau.
Tại
buổi làm việc, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho
biết, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ biển và bồi lắng tuyến kênh
rạch trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Cà
Mau là tỉnh duy nhất của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không có nguồn nước ngọt bổ
sung nên phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Tình trạng mưa, nắng thất thường đang
để lại nhiều hệ lụy. Mùa khô, nắng hạn kéo dài, mực nước phía đồng hạ thấp gây
ra hiện tượng xâm nhập mặn sâu trong nội địa và nước ngầm, độ mặn trên các kênh
rạch đạt đến mức từ 30‰ - 40‰, trong vuông nuôi tôm của các hộ dân lên đến 40‰
- 50‰, thậm chí có nhiều nơi lớn hơn 52‰ gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình
sản xuất của người dân. Có 51.100,891 ha diện tích lúa, 15.000 ha diện tích rau
màu các loại và cây ăn trái, 53.094 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt
hại do xâm nhập mặn, thiệt hại lên đến 1.058 tỷ đồng.
Trước
tình hình hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài, người dân ở các huyện U Minh, Trần
Văn Thời, Năm Căn, Phú Tân,… đang thiếu nước sinh hoạt ngày càng trầm trọng.
Trên địa bàn tỉnh có khoảng 15.000 hộ dân không có và thiếu nước sinh hoạt,
người dân chủ yếu sử dụng nước tự nhiên như nước mưa dự trữ, nước trong ao, đìa
để ứng phó với tình hình. Các tuyến rừng trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh
hưởng, tính đến tháng 5/2016, tỉnh đã có trên 43. 545 ha rừng bị khô hạn, nguy
cơ cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) và đã xảy ra 5 vụ cháy với diện tích rừng
thiệt hại 16,8 ha. Thêm vào đó, Cà Mau có hệ thống sông rạch, kênh mương trên
10.000 km, tuy nhiên, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, hầu hết các kênh
rạch đều bị khô cạn, đặc biệt là khu vực huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh.
Hiện nay, mực nước các kênh trục chính và kênh cấp 1 chỉ còn từ 0,5 – 0,7m; các
kênh cấp 2, cấp 3 và nội đồng chỉ còn từ 0,2 – 0,5m, gây cản trở cho việc lưu
thông đường thủy, thiếu nước cho sản xuất dẫn đến chậm tiến độ vụ lúa hè thu và
treo ao đầm nuôi thủy sản.
Ngược
lại, vào mùa mưa, nhiều cơn mưa lớn xuất hiện tập trung gây úng cục bộ nhiều
nơi trong tỉnh, đi kèm với hiện tượng giông tố, lốc, xoáy, sét tại nhiều nơi
gây thiệt hại lớn đến sản xuất, tài sản, tính mạng người dân và làm cho rừng
phòng hộ ven biển bị tàn phá nặng nề.
Thêm vào đó, Cà Mau có đường bờ biển dài khoảng 254km, tuy nhiên, trước diễn biến
thời tiết hết sức cực đoan hiện nay, có 80% đường bờ biển kể cả bờ biển Đông và
bờ biển Tây bị sạt lở, diện tích rừng phòng hộ bị mất do sạt lở khoảng 305
ha/năm. Bình quân mỗi năm, bờ biển tỉnh Cà Mau bị sạt lở khoảng diện tích trên
450ha. Qua khảo sát, tỉnh đã ghi nhận có 40,6km đường bờ biển sạt lở ở mức nguy
hiểm, trong đó, có 23km rơi vào tình trạng rất nguy hiểm do sóng biển đánh
thẳng góc vào bờ, đang đe dọa trực tiếp đến an toàn đê biển Tây và ảnh hưởng
rất lớn đến khu dân cư tập trung.
Hơn nữa, tình trạng bồi lắng trên nhiều tuyến kênh rạch phía trong đất liền
đang là vấn đề nan giải. Cà Mau hiện có 87 cửa sông thông ra biển,hầu hết những
con sông này và sông thuộc vùng chịu tác động của cả hai chế độ nhật triều và
bán nhật triều đều đang rơi vào tình trạng bồi lắng cao, lưu thông đường thủy
gặp nhiều khó khăn. Do đó, hàng năm tỉnh phải bỏ ra hàng tỷ đồng để gia cố công
trình và đầu tư nạo vét, tạo thông thương dòng chảy.
Trước
tình hình trên, tỉnh đã chủ động lập kế hoạch sên vét hệ thống kênh mương, kết
hợp củng cố bờ bao ngăn mặn, giữ ngọt, chống hạn cục bộ, đồng thời giảm độ mặn
trên các ao đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tập trung đầu tư xây
dựng hệ thống công trình vừa thực hiện nhiệm vụ ngăn mặn chống tràn, vừa đảm
bảo vận chuyển lâm sản. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện kế hoạch sản xuất,
điều chỉnh lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ
thuật canh tác phù hợp với từng vùng, khuyến khích người dân sử dụng cây trồng có sức
chống chịu hạn, phèn, mặn; canh tác lúa theo phương thức “3 giảm, 3 tăng”; sản
xuất theo cánh đồng lớn; quản lý dịch hại tổng hợp IPM; chương trình quản lý
tưới nước tiết kiệm,… trước những tác động tiêu cực của El Nino.
Đối
với vấn đề sạt lở bờ biển, tỉnh đã chủ động kiểm tra và tu sửa kịp thời các
công trình đê, đập đã xuống cấp, đồng thời triển khai nâng cấp đê biển Tây.
Tính đến nay, có 7.200 m đoạn kè khẩn cấp đã đầu tư xây dựng, 29.000m đê đang
được nâng cấp. Tuy nhiên, do tình trạng sạt lở diễn ra rất nhanh với cường độ
ngày càng lớn, về lâu dài, tỉnh cần phải xây dựng một công trình đê hoàn thiện.
Để
có cái nhìn cụ thể về thực trạng trên, chiều ngày 16/6, đoàn đã có buổi khảo
sát thực địa tại bờ biển thuộc huyện U Minh. Khảo sát cho thấy, các con sông,
kênh rạch ven biển đều rơi vào tình trạng bồi lắng khiến cản trở dòng chảy, gây
khó khăn trong lưu thông đường thủy. Tình hình sạt lở bờ biển tại đây rất nghiêm trọng, đặc biệt là
đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa của huyện U Minh.
Theo các chuyên gia, nếu không nhanh chóng triển khai xây dựng hệ thống đê hoàn
thiện, phần lớn diện tích rừng ngập mặn ven biển có nguy cơ bị nhấn chìm, các
đê biển cần sử dụng vật liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng để đạt
được hiệu quả lâu dài. Song song đó, các giải pháp công nghệ ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn cũng cần được
triển khai thực hiện.
Sau
chuỗi sự kiện này, đoàn sẽ về xây dựng dự án với các giải pháp công nghệ phù
hợp giúp tháo gỡ những khó khăn trước tình hình biến đổi khí hậu, đặc biệt là
tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và sạt lở bờ biển, góp phần tạo sự phát triển
bền vững vùng ĐBSCL đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong nghiên cứu khoa học và công
nghệ giữa Việt Nam và CHLB Đức.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Đoàn đại diện Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Cộng hòa Liên bang Đức
Đại biểu Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau
Các đại biểu khảo sát thực địa tại huyện U Minh
Tình hình sạt lở bờ biển tại Cà Mau
Tình hình sạt lở bờ biển tại Cà Mau
Tình hình sạt lở bờ biển tại Cà Mau
Tình hình sạt lở bờ biển tại Cà Mau