Quản lý và cảnh báo ô nhiễm không khí – tâm huyết của nhà khoa học trẻ
Tâm huyết, băn khoăn, trăn trở với những vấn đề về môi trường, nhiều năm qua, nhà khoa học trẻ - nữ TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh, Giảng viên Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã cùng các cộng sự dày công nghiên cứu và phát triển thành công Hệ thống quản lý và cảnh báo ô nhiễm không khí bằng ảnh vệ tinh- gọi tắt là APOM.
Biểu diễn các chỉ số ô nhiễm bụi trên bản đồ của
hệ thống APOM
Ý tưởng về việc nghiên cứu
hệ thống quản lý và cảnh báo ô nhiễm không khí của TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh được
ấp ủ nhiều năm. Song cơ hội thực sự đến khi trường Đại học Quốc gia Hà Nội đầu
tư trạm thu dữ liệu vệ tinh trên tòa nhà của Trường Đại học Công nghệ để phục vụ
nghiên cứu, năm 2004.
Tận dụng lợi thế này và
qua việc khảo sát thực tế, TS Nguyễn Thị Nhật Thanh đã mày mò, sử dụng các hình
ảnh chụp từ vệ tinh mà trạm thu nhận được, làm cơ sở phân tích mức độ bụi trong
không khí và thể hiện chúng trên bản đồ đi kèm các cảnh báo.
“Đã quyết sẽ làm cho bằng
được, cuối năm 2014, tôi đã cùng cộng sự của mình chính thức bắt tay vào đề xuất
đề tài và tiến hành nghiên cứu, thiết kế. Mặc dù cũng gặp không ít khó khăn, vô
số lần trục trặc nhưng chỉ sau hơn 1 năm, công trình đã hoàn thành và sản phẩm
là hệ thống phần mềm chạy thử nghiệm đã hoạt động tốt”- TS. Thanh chia sẻ.
Theo lời giới thiệu của
nhà khoa học trẻ này, APOM là một hệ thống phần mềm quản lý và cảnh báo được
tích hợp qua Google và chạy trên website: apom.fimo.edu.vn; chương trình sử dụng
cơ sở dữ liệu WebGIS (hệ thống thông tin địa lý) có khả năng cung cấp thông tin
về mức độ, các chỉ số về ô nhiễm bụi, mật độ bụi mịn trong không khí tại từng
khu vực, hiển thị ngay trên bản đồ lãnh thổ Việt Nam. Bằng công nghệ thu thập
và xử lý ảnh vệ tinh viễn thám trên các sản phẩm ảnh vệ tinh MODIS trên Terra,
Aqua và VIIRS trên Suomi NPP, đây cũng là công trình nghiên cứu đầu tiên của Việt
Nam sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh để cảnh báo ô nhiễm không khí.
Ưu điểm nổi bật của hệ thống
APOM là có thể thể hiện được chỉ số chất lượng không khí AQI theo tiêu chuẩn Việt
Nam dựa trên chỉ số bụi mịn PM2.5 tại tất cả các khu vực, vùng miền trên lãnh
thổ thông qua hình ảnh và được cập nhật hằng ngày. Đặc biệt là mọi đối tượng có
thể truy cập và cập nhật thông tin trên hệ thống mọi lúc, mọi nơi và theo dõi
những cảnh báo tới cộng đồng về những khu vực có mật độ bụi cao để bảo vệ sức
khỏe.
Quan trọng hơn, theo chia
sẻ của vị nữ Tiến sĩ này, các bản đồ ô nhiễm bụi trên hệ thống APOM có thể sử dụng
làm tài liệu cung cấp báo cáo thường xuyên, định kỳ cho các nhà chuyên môn để hỗ
trợ công tác quản lý, đưa ra những chính sách bảo vệ môi trường, làm dữ liệu để
ứng dụng trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nghiên cứu
biến đổi khí hậu...
Thành công của công trình
này đã được giới khoa học trong và ngoài nước thừa nhận. Tin vui với TS Nguyễn
Thị Nhật Thanh và các cộng sự là mới đây, hệ thống cảnh báo ô nhiễm bụi APOM đã
được Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội và nhiều Trung tâm quan trắc môi trường
trong cả nước biết đến, đặt hàng để ứng dụng vào việc thu nhận dữ liệu quan trắc
môi trường không khí tại nhiều địa phương trong cả nước.
Chưa bằng lòng với thành
công ban đầu, nữ TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh chia sẻ: “Chúng tôi đang tiếp tục
nghiên cứu để có thể rút ngắn thời gian cập nhật các chỉ số, kịp thời đưa ra những
cảnh báo và mở rộng hợp tác với các cơ quan quản lý để đưa hệ thống ứng dụng rộng
rãi trong thời gian tới”.