Phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo: Nhân lực vẫn là điểm yếu cốt tử
Cán bộ khoa học có trình độ hầu hết đã cao tuổi, công nhân chủ yếu làm việc bằng kinh nghiệm… Thực trạng nhân lực này là nguyên nhân quan trọng khiến các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và cơ khí chế tạo Việt Nam hoạt động kém hiệu quả.
Tỷ lệ nội địa hóa quá thấp
Thực trạng tỷ lệ nội địa hóa thấp trong CNHT được ông Phan Xuân Dũng -
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - làm nóng tại hội thảo “Khoa
học và công nghệ thúc đẩy phát triển CNHT và cơ khí chế tạo” mới đây.
Theo đó, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành chế tạo ôtô mới chỉ đạt 5-20%,
điện tử đạt 5-10%, các ngành da - giày, dệt - may chỉ khoảng 3%, công nghệ cao
đạt 2%. Đến nay, hầu hết nguyên vật liệu cho công nghiệp chế tạo phụ tùng và
thiết bị phụ trợ phải nhập khẩu, dẫn đến giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh
tranh kém.
Có thể thấy rõ điều này trong CNHT sản xuất ôtô. Mục tiêu đề ra về tỷ lệ
nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi là 40% vào năm 2005 và 60% vào
năm 2010, nhưng con số thực đạt cho đến nay mới chỉ khoảng 7-10%. Về cơ bản,
Việt Nam mới chỉ sản xuất được vài loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công
nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, săm, lốp, sản phẩm nhựa…
Ông Nguyễn Sỹ Phương - Trưởng ban Kỹ thuật công nghệ, Tập đoàn Dệt - May
Việt Nam - nêu thêm dẫn chứng: “Đối với ngành dệt - may, nguyên vật liệu đầu
vào chủ yếu nhập khẩu. Sợi bông - nguyên liệu chính của ngành dệt - phải nhập
khẩu đến 97-98%, tỷ lệ nhập khẩu vải là 70-75%. Nguyên nhân chính gây tắc nghẽn
trong ngành là chưa làm ra được nguồn nguyên liệu vải”.
Theo Tổng cục Thống kê, 50% số cơ sở cơ khí ở Việt Nam chuyên chế tạo,
lắp ráp, còn lại chủ yếu chuyên sửa chữa. Nhu cầu về máy và thiết bị đến năm
2020 và những năm tiếp theo khá lớn. Về CNHT, hiện cả nước có 1.383 doanh
nghiệp, trong đó khoảng 500 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm cho ngành sản xuất
ôtô, xe máy, điện tử. Tuy nhiên, giới chuyên môn đánh giá việc phát triển ngành
CNHT tại Việt Nam đến nay vẫn chỉ là tiềm năng.
Thiếu nhân lực chất lượng cao
Sự yếu kém của CNHT và cơ khí, chế tạo Việt Nam được xác định là do hầu
hết doanh nghiệp đều thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiết bị lạc hậu, sản xuất
manh mún. Một nguyên nhân quan trọng không kém là thiếu nhân lực chất lượng
cao, kể cả cán bộ hoạch định chính sách, quản lý, tư vấn, thiết kế, công nhân
kỹ thuật có tay nghề…
Để khắc phục điều này, Chính phủ đã phê duyệt chương trình Hỗ trợ phát
triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập vào năm 2012. Các
chương trình đã đào tạo nhiều tiến sỹ, thạc sỹ và cử cán bộ đi học ở nước
ngoài. Giai đoạn 2006-2010 có 16 tiến sỹ, 32 thạc sỹ được đào tạo, 52 cán bộ
được cử đi nước ngoài nâng cao trình độ.
Tuy nhiên, có một thực tế là lực lượng cán bộ khoa học có trình độ hầu
hết ở độ tuổi cao, lực lượng công nhân chủ yếu làm việc bằng kinh nghiệm, khả
năng tiếp nhận các kiến thức công nghệ hiện đại rất hạn chế.
Ông Phương cho biết, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao trong ngành dệt
- may hầu như chưa được đáp ứng vì việc đào tạo cần nhiều thời gian và chi phí.
Dệt - nhuộm là khâu yêu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao nhất. Đào tạo ra một
người làm dệt - nhuộm có tay nghề tốt phải mất 2-3 năm; trong khi Nhà nước chỉ
có chính sách hỗ trợ đào tạo ngắn hạn, tức chỉ đào tạo lao động có tay nghề chứ
chưa hỗ trợ đào tạo lao động kỹ thuật cao.
Ông Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ
thuật, Bộ KH&CN - cho rằng hiện cơ chế, chính sách cán bộ trong hoạt động
KH&CN còn nặng về hành chính hóa, làm giảm khả năng khuyến khích, phát huy
sức sáng tạo.
Tình trạng này làm mất dần khả năng thu hút cán bộ có năng lực vào làm
việc trong lĩnh vực KH&CN, khó thu hút các nhà khoa học người Việt Nam ở
nước ngoài. Việt Nam cũng thiếu chính sách tạo điều kiện để các nhà khoa học
trong nước giao lưu, hợp tác và làm việc ở các trung tâm khoa học lớn trên thế
giới.
Để khắc phục, Bộ KH&CN sẽ xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách
liên kết lực lượng nghiên cứu và phát triển KH&CN với đơn vị sản xuất kinh
doanh; đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số phòng thí nghiệm
chuyên ngành thuộc các lĩnh vực công nghiệp cơ khí chủ chốt.
“Dự kiến đến năm 2025 sẽ xây dựng được 3-5 phòng thí nghiệm chuyên ngành
có cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu hiện đại đạt trình độ khu vực và thế
giới thuộc các lĩnh vực điện tử, cơ khí, thiết bị điện, dệt - may, da - giày…”
- ông Hậu cho biết và kỳ vọng đây sẽ là nhân tố thúc đẩy nguồn nhân lực chất
lượng cao.